Xây dựng lộ trình “chuyển tiếp mềm” để hộ kinh doanh sẵn sàng lên doanh nghiệp
Phần lớn hộ kinh doanh nhỏ đã quen hoạt động mô hình truyền thống mức thuế được khoán ổn định qua nhiều năm. Ảnh Đức Thanh

PV: Trong số hơn 5 triệu hộ kinh doanh, có nhiều hộ quy mô lớn, nhưng chưa lên doanh nghiệp vì nhiều e ngại. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

Xây dựng lộ trình “chuyển tiếp mềm” để hộ kinh doanh sẵn sàng lên doanh nghiệp

TS. Phan Hoài Nam: Từ thực tế tư vấn thuế và pháp lý, tôi thấy rằng, tâm lý e ngại “lớn lên là bị soi kỹ” là hoàn toàn dễ hiểu và phổ biến, đặc biệt với các hộ kinh doanh đã quen hoạt động trong mô hình truyền thống, không sổ sách kế toán, không hóa đơn và mức thuế được khoán tương đối ổn định qua nhiều năm. Việc chuyển đổi sang doanh nghiệp đồng nghĩa với việc phải thay đổi cách vận hành, minh bạch hóa dòng tiền, phát sinh chi phí kế toán - kiểm toán và đặc biệt là tâm lý sợ “nghĩa vụ thuế sẽ nặng hơn”. Đó là những nỗi lo có thật.

Tuy nhiên, có rất nhiều lợi ích vượt trội khi chuyển đổi mô hình sang doanh nghiệp mà trước đây mô hình hộ kinh doanh không có. Đầu tiên và rõ ràng nhất là tăng khả năng tiếp cận vốn và tài chính chính thống. Doanh nghiệp có mã số thuế, sổ sách kế toán đầy đủ, báo cáo tài chính minh bạch sẽ dễ dàng hơn rất nhiều khi vay vốn từ ngân hàng, tham gia các chương trình hỗ trợ của Nhà nước hoặc hợp tác với các đối tác lớn trong và ngoài nước.

Chính sách cần đi kèm với các biện pháp hỗ trợ phù hợp

“Nếu chính sách đi kèm với các biện pháp hỗ trợ phù hợp, như đơn giản hóa thủ tục đăng ký doanh nghiệp, hỗ trợ chi phí kế toán hoặc phần mềm, thì việc xóa bỏ thuế khoán sẽ không gây sốc, mà ngược lại, sẽ tạo ra một làn sóng chuyển đổi tích cực. Qua đó, chúng ta sẽ dần hình thành một cộng đồng doanh nghiệp năng động, minh bạch và có khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị trong nước và quốc tế”. TS. Phan Hoài Nam

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân độc lập nên giảm thiểu rủi ro cá nhân cho chủ sở hữu. Trong khi hộ kinh doanh phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản cá nhân, thì doanh nghiệp, đặc biệt là công ty TNHH cho phép phân tách giữa tài sản cá nhân và tài sản kinh doanh. Đây là yếu tố rất quan trọng nếu người kinh doanh muốn mở rộng quy mô mà vẫn đảm bảo an toàn pháp lý cho bản thân và gia đình.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể xây dựng thương hiệu, tuyển dụng bài bản và thu hút nhân tài. Khi đã là một doanh nghiệp có hệ thống, bạn không chỉ bán sản phẩm, mà còn là bán sự tin cậy. Khách hàng tin tưởng hơn, nhân viên có định hướng phát triển nghề nghiệp rõ ràng hơn, và bản thân người sáng lập cũng có cơ hội thoát khỏi “chiếc ghế vận hành”, để tập trung vào chiến lược và tầm nhìn dài hạn…

PV: Vậy theo ông, làm sao để khuyến khích các hộ kinh doanh chủ động “nâng đời” lên thành doanh nghiệp?

TS. Phan Hoài Nam: Để khuyến khích hộ kinh doanh sẵn sàng bước qua nỗi lo trên, theo tôi, cần thực hiện song song 3 nhóm giải pháp: thay đổi chính sách theo hướng khuyến khích; Đồng hành truyền thông đúng cách; Hỗ trợ kỹ thuật thực chất.

Về chính sách, điều đầu tiên cần làm là tạo niềm tin rằng, chuyển đổi không đồng nghĩa với bị siết chặt. Có thể áp dụng các gói ưu đãi và những chính sách mềm dẻo nhằm giúp xoa dịu nỗi lo “vừa khai thật đã bị đánh thuế nặng hơn”.

Về truyền thông, tôi cho rằng cần thay đổi cách nói về “nghĩa vụ” thành “cơ hội”. Hãy cho người kinh doanh thấy rằng, khi trở thành doanh nghiệp, họ sẽ có cơ hội lớn hơn: tiếp cận vốn ngân hàng, gọi được nhà đầu tư, mở rộng chi nhánh, được pháp luật bảo vệ tốt hơn, và trên hết là xây dựng được một thực thể có thể truyền lại cho thế hệ sau. Thông điệp nên là: trở thành doanh nghiệp là để lớn hơn, vững vàng hơn - không phải để bị làm khó.

Về kỹ thuật, điều quan trọng nhất là phải làm cho việc chuyển đổi trở nên dễ dàng và thân thiện. Cần có các nền tảng đăng ký doanh nghiệp online đơn giản, cung cấp miễn phí phần mềm kế toán cơ bản, có đội ngũ tư vấn viên đồng hành cùng tiểu thương trong 6 - 12 tháng đầu, như một người “cầm tay chỉ việc”. Nếu quá trình chuyển đổi được làm như vậy - có người hỗ trợ, có chính sách khuyến khích, và có truyền thông tích cực, thì việc “nâng đời” sẽ không còn là điều xa vời hay đáng sợ.

Cuối cùng, tôi muốn nhấn mạnh rằng, không thể chỉ trông chờ hộ kinh doanh “tự lớn lên”, mà cần tạo ra một hệ sinh thái mà trong đó, họ cảm thấy an toàn khi phát triển. Khi người kinh doanh thấy rằng Nhà nước không coi họ là “đối tượng phải quản”, mà là “đối tác cần hỗ trợ”, thì tự khắc họ sẽ chủ động bước tới và chính khi đó, chúng ta mới có thể thực sự kích hoạt được động lực tăng trưởng từ khu vực kinh tế tư nhân - như tinh thần của các nghị quyết lớn mà Đảng và Nhà nước đã đề ra.

PV: Riêng với việc bỏ thuế khoán, theo ông, để hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi hình thức nộp thuế khoán sang hình thức kê khai, trong giai đoạn hiện nay cần làm gì để tránh tâm lý “hẫng hụt”, hay hiện tượng hộ kinh doanh chỉ nhận tiền mặt, không nhận chuyển khoản?

TS. Phan Hoài Nam: Việc xóa bỏ cơ chế thuế khoán và chuyển sang phương pháp kê khai là một bước đi tất yếu, phù hợp với định hướng hiện đại hóa quản lý thuế và minh bạch hóa nền kinh tế.

Tuy nhiên, chuyển đổi này cũng đặt ra không ít thách thức trong thực tiễn, đặc biệt là nguy cơ gây ra tâm lý “hẫng hụt” đối với hộ kinh doanh - những đối tượng vốn đã quen với mức thuế ổn định, đơn giản, không cần sổ sách. Trong bối cảnh đó, nếu không có giải pháp hỗ trợ phù hợp, hiện tượng “chỉ nhận tiền mặt, không nhận chuyển khoản” sẽ tiếp tục xuất hiện, không hẳn vì né thuế một cách cố tình, mà phần lớn do thiếu thông tin, thiếu niềm tin và lo ngại về sự phức tạp trong thủ tục kê khai.

Để giúp hộ kinh doanh yên tâm chuyển đổi và không bị gián đoạn hoạt động kinh doanh, tôi cho rằng, cần triển khai đồng bộ một số giải pháp cấp thiết ngay trong giai đoạn hiện nay.

Trước hết, phải truyền thông rõ ràng và chính xác là chuyển sang hình thức kê khai không đồng nghĩa với việc “tăng thuế” hay “siết chặt một chiều”. Nếu thực hiện đúng theo tinh thần công bằng - minh bạch - phù hợp thực tế kinh doanh, thì việc kê khai còn giúp hộ kinh doanh được ghi nhận đầy đủ doanh thu - chi phí và qua đó được nộp thuế theo đúng năng lực thực tế, chứ không bị khoán theo mức ước đoán như trước.

Thứ hai, nên thiết kế lộ trình chuyển đổi có tính “chuyển tiếp mềm”. Có thể cho phép hộ kinh doanh sử dụng một phương pháp kê khai đơn giản trong 1 - 2 năm đầu, hoặc miễn giảm nghĩa vụ lập báo cáo tài chính nếu doanh thu chưa vượt ngưỡng. Những bước đệm như vậy sẽ giúp hộ kinh doanh quen dần với hệ thống quản lý mới, mà không bị áp lực quá mức ngay từ đầu.

Thứ ba, cần có hệ thống hỗ trợ kỹ thuật dễ tiếp cận: cung cấp phần mềm kê khai miễn phí hoặc chi phí thấp, thiết lập đội ngũ tư vấn viên tại các chi cục thuế hoặc trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, việc hợp tác với ngân hàng để hướng dẫn hộ kinh doanh mở tài khoản riêng cho hoạt động kinh doanh cũng sẽ góp phần minh bạch dòng tiền mà không gây xáo trộn quá lớn.

Cuối cùng, rất cần sự đồng hành về mặt thái độ và thông điệp từ phía cơ quan thuế. Nếu hộ kinh doanh cảm thấy họ đang được “khuyến khích và hỗ trợ để lớn lên”, chứ không phải “đang bị kiểm soát chặt hơn”, thì chính họ sẽ chủ động chuyển đổi, chủ động minh bạch và từ đó tạo nên một hệ sinh thái kinh doanh chính quy, văn minh và đáng tin cậy hơn cho toàn nền kinh tế.

PV: Xin cảm ơn ông!