Vì sao 2 bệnh viện tuyến cuối xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện? Cần giải quyết dứt điểm vướng mắc trong cơ chế tự chủ bệnh viện “Tự chủ bệnh viện không phải là tư nhân hóa bệnh viện công” |
Chiều 6/1, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Không quy định giá trần mà nên theo quy luật thị trường
Theo đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh), những chủ trương lớn liên quan đến khám bệnh, chữa bệnh và những vấn đề liên quan đến tháo gỡ những khó khăn cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh cho người dân đã được tiếp thu trong dự thảo luật.
Một số vấn đề mới, những quy định mới trong dự thảo luật như quy định về đánh giá chất lượng của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 57, 58 hay quy định về giá tính đúng, tính đủ các chi phí trong khám bệnh, chữa bệnh đã được cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu và quy định tương đối đầy đủ.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu |
Đánh giá dự án Luật đã được chuẩn bị công phu, cơ bản đủ điều kiện để thông qua tại kỳ họp này, song đại biểu Khương Thị Mai (đoàn Nam Định) cũng góp ý về giá dịch vụ khám chữa bệnh quy định tại Điều 110 của dự thảo Luật cần đảm bảo đủ các yếu tố cấu thành để các cơ sở khám, chữa bệnh có đủ điều kiện, nguồn kinh phí để đầu tư, đảm bảo đời sống cho đội ngũ y bác sĩ và nhân viên y tế.
Đối với Điều 108 quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước, đại biểu đề nghị quy định theo hướng, cơ sở khám, chữa bệnh tự bảo đảm đầu tư và chi thường xuyên, được quy định giá dịch vụ khám, chữa bệnh nhưng không vượt quá giá tối đa theo quy định của Bộ Y tế, trừ giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu hoặc giá dịch vụ khám, chữa bệnh hình thành từ hoạt động hợp tác theo hình thức đối tác công – tư.
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (đoàn Bình Định) đề nghị cần phân hai luồng giá viện phí. Một là giá được bảo hiểm chi trả. Đây là giá được quy định cụ thể cho từng chuyên khoa, phương pháp điều trị, giá này cần có lộ trình để tính đúng, tính đủ và đặc biệt tiến tới xóa bỏ khái niệm đồng chi trả. Theo đại biểu, đây là một vấn đề rất quan trọng, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân ở mọi đối tượng. Vấn đề đặt ra là cần bảo đảm cân đối quỹ tương ứng với việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ.
Hai là, giá khám chữa bệnh theo yêu cầu. Theo đại biểu, đây là chính là động lực để các bệnh viện thay đổi và phát triển. Do đó, không thể quy định giá trần mà cần tuân theo quy luật của thị trường. Bộ Y tế là cơ quan quản lý nhà nước cần có các quy định để bảo đảm chất lượng khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các cơ sở y tế như về trình độ nhân viên y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thời gian khám hay là các phẫu thuật can thiệp kỹ thuật đặc biệt.
Cùng với đó, việc thanh, kiểm tra, rà soát giá khám chữa bệnh bảo đảm công khai, giải trình tường minh cũng là trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và cơ quan thanh thanh tra, kiểm tra.
Đối với tự chủ bệnh viện, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng dù là vấn đề khó nhưng nếu đã giải quyết được vấn đề giá khám, chữa bệnh thì việc vận hành các bệnh viện công tự chủ sẽ tường minh. Luật cần giúp cho bệnh viện tự chủ có thể hoạt động tương tự như một công ty nhưng có thêm nhiệm vụ chính trị là chăm sóc sức khỏe cho người dân trong các tình huống cấp cứu. Bệnh viện có thể vay, thuê, cho thuê theo Luật Doanh nghiệp, bên cạnh việc phát triển các mô hình bệnh viện phi lợi nhuận, đại biểu gợi ý.
Luật càng phức tạp, càng phải quy định chặt chẽ
Cũng góp ý về tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.Hồ Chí Minh) đề nghị cần có nguyên tắc về tự chủ của cơ sở khám chữa bệnh rõ ràng hơn, trong đó cần quy định cụ thể nguyên tắc về tự chủ tổ chức và nhân sự. “Còn nếu đợi hướng dẫn của Chính phủ thì liệu hướng dẫn đó có phù hợp với suy nghĩ của đại biểu Quốc hội không? Vì trong tổ chức nhân sự, ngoài bộ máy, biên chế, tuyển dụng, có nội dung phải trả lương chính sách cho cán bộ và chưa có quy định nào cấp luật về vấn đề này” - đại biểu Nguyễn Thiện Nhân giải thích thêm.
Về tài chính, đại biểu Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, dự thảo nêu tự chủ theo quy định của pháp luật nhưng chưa rõ là theo Luật nào, đề nghị nên nêu rõ theo nguyên tắc tự chủ nào, và theo quy định pháp luật nào.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP.HCM) |
Nhấn mạnh luật càng phức tạp thì càng phải quy định chặt chẽ, đại biểu cho rằng không nên để nội dung trái với luật khác được quy định trong Luật này. Nhìn lại bài học 10 năm qua, đại biểu cho rằng những luật nào Chính phủ trình mà không kèm theo Nghị định thì sau này sẽ rất khó khăn, do đó đại biểu kiến nghị chỉ trình Luật này khi kèm theo Nghị định hướng dẫn để kiểm soát, đồng thời cần lấy ý kiến của 100 bệnh viện trên cả nước trước khi trình.
Trong khi đó, đại biểu Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) băn khoăn việc thông qua dự thảo Luật tại kỳ họp lần này bởi số lượng lớn nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét, liệu có phù hợp. Đại biểu lý giải, tại lần trình này, nhiều chính sách đã được sửa đổi, bổ sung mới nhưng chưa có hồ sơ đánh giá tác động. Dự thảo cũng chưa rõ tính thống nhất khả thi của văn bản hướng dẫn chi tiết luật số, điều khoản của dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết đã tăng lên. Đến nay, dự thảo Luật sơ bộ có 40 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, chiếm hơn 33% điều luật, chưa kể nhiều điều luật giao cho Bộ trưởng Bộ Y tế.
Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) liên quan đến nhiều luật nhưng chưa rõ tính tương thích, tính đồng bộ với các luật khác. Trong đó, có liên quan đến 2 luật đang được hoàn thiện để Quốc hội thảo luận thông qua tại Kỳ họp thứ 5 là Luật Giá (sửa đổi) và Luật Đấu thầu (sửa đổi). Luật Khám bệnh, chữa bệnh có điều khoản quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh lại chưa tương thích với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), vai trò của Bộ trưởng Bộ Tài chính chưa rõ trong quy định này, đại biểu băn khoăn.
Ngoài ra, một số chính sách đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đối với nhân viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đối với người bệnh là chưa phù hợp và chưa tháo gỡ được khó khăn trong thực tế. Đại biểu dẫn chứng dự thảo Luật chưa có quy định về xã hội hóa đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập với hình thức liên doanh, liên kết, quy định tự chủ của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, nhất là tự chủ về tài chính là chưa rõ ràng….
Từ những phân tích trên, đại biểu Lê Hoàng Anh cho biết, dự thảo Luật còn nhiều nội dung khác cần nghiên cứu, rà soát, chỉnh lý, đánh giá tác động và phải có thời gian vật chất cần thiết. Đại biểu bày tỏ mong muốn Quốc hội cân nhắc việc thông qua dự án Luật tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh tại kỳ họp bất thường này.