Chậm còn hơn không

Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã đề xuất phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, với tỷ lệ cắt giảm đạt 51,9%. Theo đó, trong tổng số 212 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực giáo dục - đào tạo, bộ này đề xuất cắt giảm 81 điều kiện và đơn giản hóa 29 điều kiện.

Trong đó, cắt giảm khá nhiều nội dung trong hai nghị định hiện hành là là Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh giáo dục (dự kiến cắt giảm 72 điều kiện, đơn giản hóa 22 điều kiện) và Nghị định 73/2012 quy định về hợp tác đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục (dự kiến cắt giảm 9 điều kiện, đơn giản hóa 7 điều kiện).

Đánh giá về động thái cắt giảm này, các chuyên gia cho rằng, Bộ GD&ĐT vào cuộc chậm hơn so với các bộ ngành khác, nhưng chậm còn hơn không.

"Bộ GD&ĐT đã vào cuộc cùng với các bộ ngành khác, thực hiện đúng và đầy đủ tinh thần của Chính phủ kiến tạo, nhằm tạo một môi trường thông thoáng cho hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp, đáp ứng được sự phát triển trên thực tế và phù hợp với bối cảnh mới hiện nay" - ông Đặng Quang Vinh - Phó ban Môi trường Kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Tiến Luận - Chủ tịch HĐQT Đại học Nguyễn Trãi chia sẻ: "Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với phương án cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh của Bộ GD&ĐT. Đây là điều các nhà đầu tư giáo dục mong mỏi lâu nay và cũng là nền tảng để kích thích, thu hút đầu tư cho giáo dục hướng đến nền giáo dục hội nhập trong bối cảnh toàn cầu hóa.

giao duc

Lâu nay các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GD&ĐT đã và đang tồn tại khá nhiều bất cập. Ảnh: Tố Uyên

Vướng mắc chưa được “gỡ”

Theo đánh giá của các chuyên gia, lâu nay các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực GD&ĐT đã và đang tồn tại khá nhiều bất cập, gây nhiều bức xúc. Nhưng phương án cắt giảm của Bộ GD&ĐT lại chưa giải quyết được triệt để và vẫn tồn tại nhiều rào cản không nhỏ cho hoạt động của các DN.

Theo đó, các chuyên gia và DN cho biết, những nút thắt và hạn chế tập trung chủ yếu tại hai nghị định là Nghị định số 46/2017/NĐ-CP và Nghị định 73/2012/NĐ-CP vẫn chưa được hóa giải.

Các DN cho rằng, có nhiều quy định gây ra sự bất bình đẳng đối với các cơ sở giáo dục trong nước và nước ngoài. “Chúng ta vẫn khuyến khích đầu tư nước ngoài để phát triển nền giáo dục trong nước. Nhưng như vậy không có nghĩa là phải có những quy định tạo ra sự ưu tiên hơn đối với các cơ sở giáo dục nước ngoài như hiện nay. Ví như quy định các cơ sở giáo dục đại học trong nước phải có trên 5 ha đất, nhưng lại không yêu cầu đối với các trường đại học nước ngoài” - ông Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Đại học FPT chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Tiến Luận, Chủ tịch HĐQT Đại học Nguyễn Trãi cho biết thêm: "Theo quy định, cơ sở giáo dục đại học trong nước phải có vốn là trên 1.000 tỷ đồng. Trong khi đó, Nghị định 73/2012/NĐ-CP quy định các cơ sở giáo dục đại học của nước ngoài chỉ cần trên 350 tỷ đồng. Mặc dù trong phương án đề xuất mới đây, Bộ GD&ĐT nâng con số này lên 1.000 tỷ đồng song như vậy vẫn là chưa cân xứng, hợp lý so với mức của các cơ sở giáo dục trong nước". Ông Luận cho rằng, mức này cần tăng cao hơn nữa đối với cơ sở giáo dục đại học của nước ngoài.

“Bên cạnh đó, quy định yêu cầu, để hoạt động thì các cơ sở giáo dục trong nước phải xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất nhưng lại cho phép các cơ sở giáo dục nước ngoài được thuê địa điểm… Như vậy rất thiệt thòi cho các cơ sở giáo dục đại học trong nước, hạn chế sự phát triển của các cơ sở này” - đại diện Đại học Nguyễn Trãi nhấn mạnh.

Chưa hết, một số DN chia sẻ, quy định hiện hành cũng cho phép các cơ sở giáo dục đại học nước ngoài được tự chủ về nhân sự. Song đối với cơ sở trong nước thì bắt buộc phải theo nhiều quy định khác, khiến DN gặp khó khăn về sắp xếp và tổ chức nhân sự.

Đặc biệt, rất nhiều thủ tục rườm rà, mất thời gian, công sức và chi phí cho các DN kinh doanh giáo dục vẫn đang tồn tại. Ví như việc xin giấy cấp phép để thành lập cơ sở giáo dục hay phân hiệu cũng phải mất đến một vài năm là chuyện bình thường, làm hạn chế rất nhiều việc thu hút đầu tư và phát triển giáo dục tại Việt Nam.

Thêm vào đó, theo ông Luận: “Bản chất của chúng tôi là trường tư thục, do đó nguồn ngân sách hoạt động của trường không đến từ ngân sách nhà nước nên bên cạnh việc tự chủ về tài chính như vậy, chúng tôi cần được tự chủ về nhân sự, về chương trình giảng dạy. Đừng quá can thiệp sâu vào hoạt động của DN bởi như vậy sẽ tạo nên những cách làm lách luật để đáp ứng với nhu cầu của thị trường".

Tố Uyên