Tham dự buổi đối thọại, về phía Bộ Tài chính có đại diện Lãnh đạo một số các đơn vị thuộc Bộ: Cục Quản lý giá; Thanh tra Bộ và Vụ Hợp tác Quốc tế. Về phía phái đoàn EU tại Hà Nội có ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Đại sứ EU tại Việt Nam; Tham tán kinh tế Đại sứ quán Hoa Kỳ cùng đại diện các doanh nghiệp: Nestle, Mead Johnson, Abbot và Friesland Capina.

sữa

Toàn cảnh buổi làm việc giữa Bộ Tài chính và EU. Ảnh: mof

Tại buổi làm việc, hai bên đã tập trung trao đổi, giải đáp một số những vướng mắc của các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh có các sản phẩm nằm trong 25 mặt hàng áp dụng biện pháp bình ổn giá như: Cơ sở tính giá tối đa cho 25 sản phẩm sữa của 5 doanh nghiệp trong Quyết định 1079/QĐ-BTC; Các chi phí hợp lý; lợi nhuận hợp lý cho các doanh nghiệp khi ấn định giá trần…

Phát biểu tại buổi đối thoại, Phó Đại sứ EU tại Việt Nam Jean-Jacques Bouflet cho rằng, đây là buổi tham vấn rất hữu ích và thiết thực với các doanh nghiệp. Ông Jean-Jacques Bouflet mong muốn từ những thiện chí và cam kết trong buổi tham vấn này sẽ được phản ánh trong những buổi tham vấn trong tương lai. Thông qua các hoạt động này, sẽ đáp ứng được lợi ích hài hòa của cả hai bên. Đối với Việt Nam, những hoạt động này sẽ đáp ứng được về nỗ lực ổn định giá để có một mặt bằng giá cả phù hợp với thị trường.

Phó Đại sứ EU mong muốn mối quan hệ giữa Việt Nam với Liên minh Châu Âu (EU) sẽ tiếp tục được duy trì thông qua các hình thức như tổ chức những buổi tham vấn đối thoại giữa hai bên để cùng chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Phát biểu tại buổi đối thoại, Cục trưởng Cục Quản lý Giá Bộ Tài chính Nguyễn Anh Tuấn đã đánh giá cao những chia sẻ của phái đoàn EU và các doanh nghiệp. Ông Tuấn cũng bày tỏ mong muốn, các cuộc đối thoại giữa cơ quan quản lý với doanh nghiệp sẽ tiếp tục được tổ chức, qua đó giúp cho các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về chủ trương, chính sách pháp luật của Việt Nam.

Đại diện lãnh đạo Cục Quản lý giá khẳng định, Bộ Tài chính luôn chủ trương đối thoại, cũng như mong muốn sự hợp tác của các cơ quan, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong quá trình thực thi pháp luật tại Việt Nam. Biện pháp bình ổn giá là không mong muốn của cơ quan quản lý, trong tương lai, khi thị trường sữa thực sự trở lại lành mạnh, giải quyết hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người tiêu dùng, giá cả được xác định công khai minh bạch của các yếu tố đầu vào, thì mặt hàng sữa sẽ được điều tiết theo hướng với đúng nghĩa của thị trường cạnh tranh lành mạnh.

Theo MOF