Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, gây cản trở làm chậm tiến độ giải ngân

Xác định THTK, CLP trong lĩnh vực đầu tư công (ĐTC) sẽ giúp tiết kiệm cho ngân sách nhà nước (NSNN) và giúp cho nguồn vốn phát huy hiệu quả cao, Bộ Tài chính đã đưa ra chỉ tiêu tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn ĐTC năm 2024 cho toàn ngành.

Bộ Tài chính yêu cầu toàn ngành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công
Bộ Tài chính yêu cầu toàn ngành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Ảnh minh họa: H.T

Cụ thể, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện việc phân bổ vốn ĐTC năm 2024 bảo đảm tập trung, có trọng tâm, trọng điểm, tuân thủ điều kiện, trật tự ưu tiên theo quy định của Luật ĐTC, các nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; thanh toán đủ số nợ đọng đầu tư xây dựng theo đúng quy định của pháp luật; thu hồi toàn bộ số vốn ứng trước còn lại phải thu hồi trong Kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021 – 2025; bố trí đủ vốn cho các dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng trước năm 2024; hoàn thành nhiệm vụ đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch.

Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành phải xác định việc tiết kiếm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn ĐTC là một trong các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên chỉ đạo điều hành, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị.

Sau khi bố trí đủ vốn cho các nhiệm vụ nêu trên, số vốn còn lại được bố trí cho các dự án khởi công mới đủ thủ tục đầu tư theo quy định pháp luật.

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật ĐTC; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện, giải ngân vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu trong trường hợp thực hiện, giải ngân chậm, gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao;

Thực hiện nghiêm các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán vốn ĐTC theo đúng quy định...

Đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện nhiệm vụ hiệu quả

Để hoàn thành tốt các chỉ tiêu đã đề ra giúp hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm trong quản lý, sử dụng vốn ĐTC năm 2024, Bộ Tài chính cũng đưa ra các giải pháp để toàn ngành thực hiện hiệu quả.

Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu toàn ngành trong quá trình thực hiện dự án ĐTC, giải ngân vốn ĐTC kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền các văn bản, quy định đang còn bất cập thiếu đồng bộ, không phù hợp, gây khó khăn, vướng mắc trong thực tiến để xem xét, xử lý.

Bộ Tài chính yêu cầu toàn ngành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công
Công chức Kho bạc Nhà nước đang thực hiện đối soát số liệu thanh toán vốn đầu tư công. Ảnh: H.T

Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị dự án đầu tư, lựa chọn các tư vấn có năng lực, kinh nghiệm, tiềm lực thực sự, khắc phục tối đa tình trạng điều chỉnh dự án khi đang triển khai gây mất thời gian và làm chậm tiến độ giải ngân vốn;

Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành rà soát các khoản tạm ứng đảm bảo việc sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định của hợp đồng và quy định của pháp luật.

Hoàn thành nghiệm thu khối lượng để thực hiện thu hồi số vốn đã tạm ứng theo đúng thời hạn đã được quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn ĐTC.

Tăng cường kiểm tra việc tạm ứng hợp đồng, tạm ứng theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý việc sử dụng vốn tạm ứng không đúng quy định của chủ đầu tư, nhà thầu, đơn vị cung ứng.

Đẩy mạnh công tác số hóa quy trình phân bổ kế hoạch vốn ĐTC, lập dự toán và công tác kế toán NSNN, quyết toán NSNN, quản lý, giám sát vốn ĐTC; hiện đại hóa công tác quản lý vốn như kết nối thông tin, chương trình, báo cáo liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan liên quan;

Đặc biệt, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành công khai, minh bạch thông tin và tăng cường giám sát, đánh giá, kiểm tra, thanh tra trong quá trình thực hiện dự án ĐTC; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án để thúc đẩy giải ngân vốn, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình, chống lãng phí, thất thoát.

Đối với các dự án, công trình triển khai không đúng tiến độ, Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị phải kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cho những dự án, công trình có tiến độ triển khai nhanh còn thiếu vốn. Tập trung bố trí kế hoạch vốn đối với các dự án thực sự cấp bách.

Khi đã bố trí đủ vốn để xử lý nợ động xây dựng phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định, không bố trí vốn cho các công trình, dự án không đúng quy định;

Có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân.

Thay thế kịp thời cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực và kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý ĐTC;

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư thuộc bộ phải chuẩn bị tốt, lựa chọn dự án đã đảm bảo về thủ tực đầu tư xây dựng để khi dự án được giao kế hoạch vốn có thể triển khai ngay.

Khắc phục ngay tình trạng dự án được giao kế hoạch vốn nhưng không triển khai được trong khi một số dự án có nhu cầu lại không được bố trí vốn.

Nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án, hạn chế các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế, thi công; hạn chế tối đa tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án; khuyến khích, tạo điều kiện cho các giải pháp thiết kế, thi công áp dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm năng lượng và hạn chế khí thải, góp phần phát triển bền vững và bảo vệ môi trường;

Áp dụng hình thức đầu thầu phù hợp với tính chất dự án, đúng quy định pháp luật, lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thi công, lựa chọn hình thức hợp đồng phù hợp theo quy định; tập trung chỉ đạo, xử lý ngay các dự án sử dụng vốn nhà nước đầu tư lãng phí, kém hiệu quả; làm rõ và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan...