Gần 100% giao dịch chi ngân sách qua trực tuyến

Dịch vụ công trực tuyến được Kho bạc Nhà nước (KBNN) triển khai trong toàn hệ thống từ đầu năm 2018. Theo thống kê từ KBNN, thời điểm trước khi dịch Covid-19 xâm nhập vào nước ta (cuối tháng 1/2020), tổng số đơn vị sử dụng ngân sách (ĐVSDNS) đăng ký tham gia dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của KBNN mới chỉ có 55.570 đơn vị, chiếm tỷ lệ 60% tổng số ĐVSDNS trên toàn quốc.

Số lượng chứng từ, bảng kê mà các đơn vị gửi đến KBNN thông qua hệ thống DVCTT là hơn 1,1 triệu chứng từ, trong đó có 706.556 chứng từ thanh toán, chiếm tỷ lệ 31% trên tổng chứng từ chi ngân sách nhà nước (NSNN).

Tuy nhiên, chỉ sau đó 2 tháng cùng với 3 tuần thực hiện giãn cách xã hội (từ ngày 1/4/2020 đến 22/4/2020), đã có 72.185 ĐVSDNS đăng ký tham gia DVCTT của KBNN, tăng thêm 16.675 đơn vị so với thời điểm cuối tháng 1/2020. Hệ thống DVCTT cũng đã tiếp nhận hơn 4,6 triệu chứng từ bảng kê, tăng gấp 4 lần so với thời cuối tháng 1/2020. Trong đó, số chứng từ thanh toán là hơn 3 triệu, đạt tỷ lệ 66% trên tổng chứng từ chi NSNN.

Sự gia tăng nhanh chóng của các ĐVSDNS tham gia DVCTT trong 1 thời gian ngắn được KBNN cho biết là do chính những tiện ích của hệ thống này mang lại. Theo đó, thay vì phải trực tiếp mang hồ sơ, chứng từ thanh toán vốn sang KBNN và phải mang đến vào giờ hành chính thì với DVCTT, khách hàng, ĐVSDNS có thể giao dịch với KBNN 24/7 (kể cả ngày nghỉ, ngày lễ) tại bất cứ địa điểm nào có kết nối internet. Vì thế đã giảm được thời gian đi lại và giảm chi phí hoạt động của đơn vị.

Thêm nhiều cải cách giúp kho bạc gần với người dân hơn
Nguồn: Kho bạc Nhà nước. Đồ họa: Văn Chung

Đặc biệt với tiện ích là không phải đến tận kho bạc để nộp hồ sơ, chứng từ, nên trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch Covid-19, khi mọi hoạt động giao thương gần như tê liệt, nhưng nhờ DVCTT, nguồn ngân sách vẫn được đưa đến cho các ĐVSDNS một cách nhanh chóng, kịp thời, vừa đảm bảo thực hiện đúng việc giãn cách xã hội vừa giúp các ĐVSDNS có nguồn vốn hoàn thành các nhiệm vụ của mình.

Cho đến thời điểm hiện tại, DVCTT của KBNN đã “phủ sóng” đến 100% ĐVSDNS (trừ các đơn vị an ninh, quốc phòng) với lượng giao dịch chi NSNN qua DVCTT đạt trên 99%. Trung bình mỗi ngày phát sinh khoảng 50.000 giao dịch, ngày cao điểm có 200.000 giao dịch qua DVCTT. Một số ngày cao điểm cuối năm, mỗi ngày phát sinh khoảng 400.000 - 450.000 giao dịch qua DVCTT.

Hiện KBNN đang tiếp tục triển khai kết nối DVCTT với phần mềm kế toán của các ĐVSDNS, qua đó nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ cho các ĐVSDNS. Tính đến hết năm 2023, đã có trên 38.000/98.000 ĐVSDNS tham gia kết nối liên thông từ phần mềm kế toán hành chính của các ĐVSDNS với hệ thống DVCTT của KBNN.

Tiến tới số hóa việc chi trả an sinh xã hội

Tại Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đã đưa ra mục tiêu tổng quát là xây dựng KBNN tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả và kiện toàn bộ máy nhà nước gắn với tăng cường ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin hiện đại... hướng đến năm 2030 thực hiện được mục tiêu kho bạc số. Gắn với mục tiêu tổng quát, Chiến lược cũng đặt ra 5 mục tiêu cụ thể.

Mục tiêu đầu tiên và quan trọng nhất là đến năm 2025, KBNN vận hành trên dữ liệu số, hoàn thành nền tảng kho bạc số và cơ bản toàn bộ giao dịch thu chi NSNN qua hệ thống theo phương thức điện tử. Sau 2025, KBNN sẽ tập trung nghiên cứu phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước để đến năm 2030 xây dựng được kho bạc số.

Bám sát mục tiêu, định hướng trên, thời gian qua, KBNN đã triển khai đồng bộ, tích cực rất nhiều giải pháp, đặc biệt liên quan đến công tác số hoá, điện tử hoá các giao dịch thu chi NSNN. Về chi trả cho cá nhân vào tài khoản, hiện nay KBNN đã thực hiện việc nâng cấp DVCTT với quy trình kiểm soát thanh toán cho các cá nhân hưởng lương từ NSNN và qua cổng trao đổi dữ liệu của KBNN.

Ngày 9/1 vừa qua, KBNN đã thực hiện triển khai thí điểm chi trả lương cho các cá nhân qua tài khoản thông qua hệ thống dữ liệu với KBNN tại 2 địa phương Vĩnh Phúc và Hải Phòng - đây là 2 địa phương được đánh giá có nhiều đơn vị sử dụng ngân sách chi thanh toán cá nhân qua ngân hàng Vietinbank. Đặc biệt là KBNN Hải Phòng có nghiệp vụ phong phú, đảm bảo kiểm thử nhiều tình huống đa dạng. Sau 3 tháng triển khai, cơ bản quy trình này được đánh giá rất tích cực.

Thêm nhiều cải cách giúp kho bạc gần với người dân hơn
Thêm nhiều cải cách giúp kho bạc gần với người dân hơn.

Để phục vụ tốt hơn cho người dân, KBNN cho biết, sắp tới, đơn vị sẽ thực hiện quy trình chi trả an sinh xã hội tương tự như theo quy trình chi trả lương. Với quy trình này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với cơ quan công an để trao đổi xác thực thông tin chính xác về các đối tượng thụ hưởng để lập bảng thanh toán, sau đó cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ lập hồ sơ đề nghị thanh toán với KBNN. Sau khi thực hiện công tác kiểm soát xong, Kho bạc sẽ đưa dữ liệu bảng thanh toán lên cổng trao đổi dữ liệu.

Theo nhận xét từ KBNN, quy trình này khác và tiến bộ hơn so với trước. Cụ thể, nếu như trước đây, khi các đơn vị chuyển hồ sơ thanh toán lên DVCTT, KBNN sẽ phải in, phục hồi bảng thanh toán và mang bảng thanh toán ra ngân hàng thương mại để thanh toán. Với quy trình này, khâu đó sẽ được số hoá và đảm bảo dữ liệu an toàn, chính xác.

Có thể thấy, với những cải cách đã và đang thực hiện cũng như các kế hoạch sắp tới của KBNN đều hướng tới khách hàng, người dân. Điều này cho thấy, KBNN rất kiên định với mục tiêu đề ra đó là “tất cả vì khách hàng” và “khách hàng làm trọng tâm phục vụ”. Sự kiên định này của KBNN đã nhận được phần thưởng xứng đáng khi trong năm 2023 vừa qua, qua khảo sát mức độ hài lòng của cá nhân tổ chức đối với KBNN trên DVCTT, chỉ số hài lòng về sự sự phục vụ của KBNN đối với khách hàng đạt gần 96%, tăng 1,35% so với năm 2022.

Khách hàng là trọng tâm phục vụ

Để thực hiện thành công Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 mà ở đó, khách hàng vẫn là trọng tâm phục vụ, KBNN đã đưa ra kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong toàn hệ thống. Theo đó, toàn hệ thống tiếp tục nghiên cứu, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) theo hướng giảm thành phần hồ sơ, đơn giản hóa quy trình, thực hiện hoàn toàn trên môi trường điện tử trên cơ sở kết nối, chia sẻ dữ liệu số các giao dịch TTHC giữa các bộ, ban, ngành và liên thông hệ thống giữa KBNN với đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quy trình nội bộ xử lý hồ sơ TTHC. Ngoài ra, KBNN tiếp tục rà soát, đề xuất phương án đơn giản hóa TTHC nội bộ theo kế hoạch của Chính phủ, Bộ Tài chính.