Đắk Lắk: “Trái ngọt” từ những quyết sách đúng
Diễu hành voi tại lễ hội cà phê bên tượng đại chiến thắng Buôn Ma Thuột. Ảnh: Sơn Nam

Đổi thay từ nếp nghĩ, cách làm

Ông Y Drung hơn 80 tuổi, dân tộc Ê Đê ở buôn Ako Dhong, phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột - thế hệ sau của già làng Ama H'rin huyền thoại. Ông cho biết, thời điểm này, mỗi ngày buôn Ako Dhong đón nhận hàng trăm lượt du khách, có hôm ô tô đậu kín đường làng. Du khách từ khắp nơi đổ về thưởng thức ẩm thực và không gian văn hóa truyền thống.

Nhờ đoàn kết học hỏi kinh nghiệm, biết cách làm ăn, tập quán lạc hậu ở đây gần như không còn, theo nếp sống mới, cuộc sống mới no ấm của bà con đang hiện hữu từng ngày. Đến nay, trong buôn không còn hộ đói, nghèo, tỷ lệ hộ khá giả, làm nhà lớn, mua xe đẹp ngày càng nhiều lên.

Quy mô GRDP của Đắk Lắk luôn đứng đầu các tỉnh vùng Tây Nguyên

Theo thống kê, giai đoạn 2011 - 2020, quy mô GRDP của Đắk Lắk luôn đứng đầu các tỉnh vùng Tây Nguyên. Cụ thể, năm 2020, GRDP của Đắk Lắk đạt 84.887 tỷ đồng, đứng đầu trong các tỉnh vùng Tây Nguyên, chiếm 28,1% GRDP vùng và 1,3% GDP cả nước. Đánh giá lại chặng đường nửa nhiệm kỳ 2021 - 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 7,73%/năm; quy mô nền kinh tế năm 2023 cao gấp 1,25 lần so với năm 2020; huy động vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 112.965 tỷ đồng, bằng 63,11% kế hoạch 5 năm. 10/16 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh giai đoạn 2021 - 2025 đã đạt và vượt kế hoạch đề ra...

Ông Nguyễn Văn Hùng là người miền Trung, di dân theo diện kinh tế mới, lập nghiệp ở phường An Bình, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Ông cho biết, gia đình ông có mặt ở vùng đất này khai hoang, lập nghiệp ngay từ những ngày đầu sau khi thống nhất đất nước.

Ông Hùng kể, ngày ấy hoang vu nghèo khó lắm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, điều kiện học hành, đi lại vô cùng khó khăn. Thế mà hôm nay, nơi đây đã trở thành phố xá sầm uất, nơi hội tụ của nhiều dân tộc anh em về đây sinh sống. Nhà nào cũng có của ăn, của để, không còn hộ đói. Nhiều hộ đã làm được nhà kiên cố, mua sắm vật dụng đắt tiền, trở thành tỷ phú.

Riêng gia đình ông Hùng, vụ sầu riêng năm 2023, bán hàng cho thương lái, trừ hết chi phí ông thu về hơn 5 tỷ đồng. Không chỉ thu nhập từ tiền bán sầu riêng, nhiều hộ có thêm thu nhập lớn từ bán cà phê, hồ tiêu, mắc ca, những đặc sản có giá trị cao thu về hàng tỷ đồng mỗi năm.

Ông Ngô Ngọc Thiện - nguyên cán bộ Ban Kinh tế mới của tỉnh Đắk Lắk, từng tổ chức đón nhận nhiều đợt di dân vùng kinh tế mới các nơi về Đắk Lắk lập nghiệp những ngày đầu sau khi đất nước thống nhất, tâm sự: Lớp cán bộ ngày ấy, ngoài số cán bộ tại chỗ, bà con buôn làng được đón tiếp rất nhiều cán bộ tăng cường từ ngoài Bắc vào, từ miền Trung lên. Nghèo khó lắm, hoang tàn, lạc hậu lắm. Thế rồi, chính những người cán bộ tiên phong ấy, được sự giúp đỡ của già làng, sự đùm bọc, ủng hộ của bà con dân tộc tại chỗ. Họ đã không ngại khó, ngại khổ, cùng ăn, cùng ở, cùng hòa mình vào những phong tục tập quán để cùng chia sẻ với bà con, cùng tháo gỡ khó khăn, ổn định cuộc sống.

Thời gian không lâu, nhiều nếp nghĩ, cách làm hay lần lượt ra đời và phát huy hiệu quả. Trời đất không phụ công người. Phát huy lợi thế, tiềm năng là đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, cây trái tốt tươi, các thế hệ cán bộ, lãnh đạo các cấp đã cùng với những người có uy tín trong các buôn làng, khu phố đã vận động bà con biết cách trồng cây, chăm sóc vật nuôi phù hợp. Nhiều chương trình xóa đói giảm nghèo, khuyến nông, khuyến lâm ra đời đúng vào thời điểm cần nhất đã được bà con hồ hởi đón nhận, phát động thành những phong trào lớn.

Những năm đầu đổi mới đến nay, tỉnh Đắk Lắk được đánh giá là địa phương tiên phong, thu hái được nhiều thành công cùng những bài học kinh nghiệm quý từ những phong trào lớn... Tỷ lệ nghèo đói dần được đẩy lùi, hàng chục, hàng trăm buôn làng kiểu mẫu, hàng nghìn nông dân triệu phú, tỷ phú đã xuất hiện, nhân lên theo thời gian.

Khát vọng vươn tầm

"Quả ngọt" không phải ngẫu nhiên mà có, mà là kết quả của một quá trình, của những nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn thử thách của các thế hệ lãnh đạo, nhân dân 49 dân tộc anh em sinh sống trên vùng đất này. Điểm lại chặng đường đã qua, báo cáo sơ kết nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII (2021-2025) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khẳng định: Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh phát triển chiều sâu ở một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh, tiềm năng của tỉnh để hình thành các ngành, sản phẩm mũi nhọn, chủ lực, bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung cho biết, với quan điểm đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhiều năm qua chính quyền tỉnh Đắk Lắk luôn tạo những điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Điều thành công nhất những năm qua, trong mắt của các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tỉnh Đắk Lắk đã trở thành một trong những “địa chỉ đỏ” về thu hút đầu tư ở Tây Nguyên. Từ năm 2020 đến nay, Đắk Lắk đã tiếp trên 500 lượt nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Trong số đó, có hàng chục nhà đầu tư là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước.

Với khát vọng vươn lên mạnh mẽ, hướng đến mục tiêu xây dựng tỉnh Đắk Lắk ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc, trên nền tảng những kết quả đạt được trong giai đoạn 2021-2023, tỉnh Đắk Lắk đang tập trung triển khai các giải pháp đột phá, đặc biệt là tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đắk Lắk hướng đến mục tiêu bảo đảm phát triển hài hòa dựa trên 3 trụ cột: môi trường - xã hội - kinh tế; đồng thời bảo tồn các giá trị di sản văn hóa, giá trị nhân văn, định hướng lựa chọn các hoạt động kinh tế phù hợp với các yếu tố nền tảng đặc trưng của địa phương.

Riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, ông Nguyễn Hoài Dương - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk, cho biết tỉnh đang chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững gắn với xây dựng thương hiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu.

Đồng thời, tỉnh tích cực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên, như: công nghiệp tái tạo năng lượng, công nghiệp chế biến sâu, nông nghiệp công nghệ cao, tài chính, du lịch, dịch vụ…; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với văn hóa, giáo dục, đào tạo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Những ngày tháng Tư lịch sử, dạo quanh TP. Buôn Ma Thuột, hay đi xuống các buôn làng gần xa của tỉnh Đắk Lắk, không ai tránh khỏi sự ngỡ ngàng và càng tự hào, khâm phục khi chứng kiến những đổi thay kỳ diệu của đời sống nơi đây, đang vẽ nên những bức tranh đa sắc màu tươi sáng. Cơ sở hạ tầng, thương mại dịch vụ, đời sống văn hóa tinh thần… của người dân đổi thay rõ rệt, “một trời - một vực” theo cách nói của nhiều người.

Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - nơi mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, thống nhất đất nước, sau gần nửa thế kỷ đi qua, nhìn lại và điểm lại những thành tựu đạt được, người dân có quyền tự hào, tự tin hưởng trái ngọt từ những quyết sách đúng, sự nỗ lực vượt khó của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân 49 dân tộc anh em nơi đây./.