Đây là quan điểm của TS. Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) trong cuộc trao đổi với phóng viên TBTCVN về những điểm nghẽn trong phát triển kinh tế của thành phố.

Cần có thể chế đột phá làm động cơ cho đầu tàu kinh tế
Nguồnn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Phương Anh

PV: Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng của TP. HCM, đầu tàu kinh tế quan trọng của cả nước có dấu hiệu chậm lại, chưa phát huy được tiềm năng, vị thế vốn có. Theo ông, đâu là những nguyên nhân?

TS. Nguyễn Đình Cung: Cũng tương tự như cả nước, tăng trưởng của TP. HCM chủ yếu dựa vào các lợi thế sẵn có, cơ hội kinh doanh có sẵn từ tự do hoá và hội nhập quốc tế…, mà không tạo được giá trị mới nhờ làm chủ, áp dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hay nói cách khác, sự tăng trưởng này không nhờ những nỗ lực vận động, đổi mới.

Ngoài ra, TP. HCM có một số điểm khác so với tình hình chung cả nước là dựa ít hơn vào FDI, khu vực tư nhân trong nước có vai trò quan trọng hơn; suy giảm tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trung bình cả nước. Các ngành công nghiệp thế hệ 2, 3 đã không xuất hiện đủ mạnh, đủ lớn thay thế công nghiệp thế hệ 1 (sử dụng nhiều lao động)… hiện tượng phi công nghiệp hoá khá rõ, trong khi chúng ta đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.

Cần có thể chế đột phá làm động cơ cho đầu tàu kinh tế
TS. Nguyễn Đình Cung

Các ngành dịch vụ hiện đại, giá trị gia tăng cao cũng chưa xuất hiện mức độ đủ lớn, tốc độ đủ nhanh để thay thế các ngành dịch vụ truyền thống… Do đó, xu hướng và tốc độ rơi vào bẫy thu nhập trung bình khá nhanh.

Vì vậy, có thể nói cơ cấu kinh tế TP. HCM đang chuyển dịch theo hướng trượt nhanh đến bẫy thu nhập trung bình… Và đó là nguyên nhân khiến kinh tế thành phố chưa có được bước đột phá mới phù hợp với tình hình mới.

PV: Nhìn về hình thức mà nói thì TP. HCM đủ điều kiện để chuyển đổi thành công mô hình tăng trưởng, nhưng thực tế thì điều này chưa đạt như vậy, vì sao thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Cung: TP. HCM đang vướng vào những điểm nghẽn mà chưa có giải pháp thích hợp. Thành phố chưa có được đội ngũ các nhà công nghiệp dân tộc tập trung, tích tụ tư bản công nghiệp kết hợp với đội ngũ kỹ sư, chuyên gia, nhà khoa học nắm bắt, áp dụng và làm chủ công nghệ, đổi mới công nghệ… tạo ra các giá trị mới, tức là giá trị do chính các nỗ lực, cố gắng tự thân của cả hệ thống tạo ra. Nguyên nhân ở đây là chưa có các chính sách, thể chế đúng để tạo lực đẩy và lực kéo đối với quá trình nói trên.

Cần có thể chế đột phá làm động cơ cho đầu tàu kinh tế
Doanh nghiệp Nhật Bản tại Khu chế xuất Tân Thuận, TP. HCM. Ảnh: TTXVN

Bên cạnh đó, mức đầu tư phát triển của TP. HCM còn thấp, thành phố lại thiếu những cơ chế, chính sách và công cụ phù hợp, đủ hấp dẫn để huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư phát triển. Từ đó, việc phát triển hạ tầng đô thị hiện đại của TP. HCM bị chậm lại và tụt hậu. Mặc dù gần đây đã có Nghị quyết 98 về những cơ chế đặc thù để phát triển nhưng theo tôi, chừng đó vẫn chưa đủ.

PV: Trong dự thảo về quy hoạch TP. HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 có đề ra kịch bản tăng trưởng cho TP. HCM giai đoạn 2021 - 2030 đạt trung bình 8,3%. Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của kịch bản này?

TS. Nguyễn Đình Cung: Hiện tại mức tăng trưởng năm 2021 là 5,36%, năm 2022 là 9% và năm 2023 là 5,81%, như vậy để đạt mức tăng trưởng bình quân 2021 – 2030 như trên là rất khó khả thi. Với mức tăng trưởng như hiện nay, thì tôi ước tính giai đoạn 2026 - 2030, TP. HCM phải tăng trưởng cao khoảng 12%, thì mới đạt trung bình 8,3% cho 2021 - 2030.

Đây có lẽ là tốc độ tăng trưởng chưa từng đạt được ở TP. HCM, có thể nói là bất khả thi, nhất là nếu TP. HCM cứ tiếp tục tăng trưởng dựa trên những lợi thế và cơ hội kinh doanh sẵn có như hiện nay, thiếu đi các nỗ lực xây dựng năng lực tăng trưởng mới.

Tuy vậy, nếu chúng ta dám có tư duy khác biệt, đột phá, có cơ chế ra quyết định “phi truyền thống” và giải pháp cách làm quyết liệt thì thậm chí mức tăng trưởng cao hơn nữa vẫn là khả thi. Hàn Quốc, Nhật Bản và nhiều tỉnh của Trung Quốc đã từng có mức tăng trưởng 10 - 15% năm liên tục trong hàng chục năm.

PV: Để có thể đạt được mức tăng trưởng cao như kỳ vọng, vượt ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, TP. HCM cần phải làm gì, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Cung: Nói chung, các vướng mắc, điểm nghẽn còn khá nhiều, nhưng theo tôi vấn đề gốc là hiện TP. HCM chưa được trao đủ quyền, được tự chủ đủ mức để có tư duy mới với dư địa chính sách, thể chể đặc thù đủ lớn. Vì vậy, cần có sự đột phá về thể chế với cách làm khác biệt trong huy động vốn, đầu tư hạ tầng, thực hiện các siêu dự án…

Đặc biệt là cơ chế để xây dựng bộ máy, đội ngũ lãnh đạo, công chức đủ năng lực xây dựng và thực thi các chính sách tốt, giải quyết được các yêu câu và mâu thuẫn của quá trình phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Trong dự thảo quy hoạch TP. HCM giai đoạn 2021 - 2030 đã đưa ra các giải pháp về hoàn thiện thể chế. Nhưng xét về bản chất, thì hoàn thiện không thể gọi là đột phá; đột phá phải là cái gì đó khác biệt, không phải thông lệ bình thường như các địa phương khác.

Nếu không có đột phá thực chất, thì TP. HCM không thể chuyển đổi được mô hình tăng trưởng và không thể thực hiện được phương án phát triển được lựa chọn. Việc có chính sách vượt trội, đột phá cho thành phố là cần thiết, không chỉ đối với thành phố mà cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả đất nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Lựa chọn hướng đi phù hợp cho TP.HCM

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đặc thù của TP. HCM là một đô thị hết sức đặc biệt, tuy chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, nhưng đóng góp gần 20% GDP, 25% thu ngân sách…

Tuy nhiên, thời gian qua TP. HCM đang phải đối diện nhiều khó khăn như tiềm năng thế mạnh chưa được khai thác hiệu quả; tính vượt trội, dẫn dắt có chiều hướng suy giảm; tỷ lệ đóng góp GDP năm 2023 chỉ còn 16,5%. Mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế chậm thay đổi, chất lượng tăng trưởng và năng suất lao động đóng góp vào tăng trưởng thấp hơn trung bình cả nước; tỷ trọng công nghiệp trong cơ cấu kinh tế giảm dần…

"Các tỉnh, thành khác vượt lên, TP. HCM chậm lại. Sắp tới, lợi thế cửa ngõ quốc tế chắc chắn sẽ suy giảm" - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định và cho rằng cần lựa chọn hướng đi phù hợp cho TP. HCM.