Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (ngồi giữa) chủ trì hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng (ngồi giữa) chủ trì hội nghị. Ảnh: Đức Minh

Trong nhóm kiến nghị để đẩy nhanh giải ngân các nguồn vốn này, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng nghị định mới về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi theo hướng thông thoáng hơn; đồng thời, đơn giản hóa quy trình, thủ tục có liên quan.

Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng; Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp; Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Ngọc Đông; về phía nhà tài trợ có đại diện 6 ngân hàng phát triển (ADB, AFD, WB, JICA, KEXIM, KfW); đại diện các địa phương tại 63 điểm cầu...

Đến năm 2020 phải giải ngân hơn 222.900 tỷ đồng

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc thúc đẩy tiến độ giải ngân không thể thực hiện được nếu không có sự chung tay của các chủ dự án, bộ, ngành, chính quyền địa phương, nhà tài trợ.

Theo kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, vốn vay ODA và vay ưu đãi nước ngoài được điều chỉnh theo nghị quyết của Quốc hội là 360.000 tỷ đồng. Đến hết năm 2019, tổng số vốn đã giao trong dự toán NSNN của giai đoạn 2016 - 2019 là 244.300 tỷ đồng, số còn lại chưa giao là 115.700 tỷ đồng, bằng 67,9% kế hoạch điều chỉnh của cả giai đoạn. Số đã giải ngân, lũy kế từ năm 2016 đến tháng 5/2019, là 133.042 tỷ đồng, bằng 54,5% kế hoạch đã giao của giai đoạn 2016 - 2019 và bằng 36,96% kế hoạch trung hạn điều chỉnh giai đoạn 2016 - 2020, nếu so với kế hoạch ban đầu là 300.000 tỷ đồng vốn ODA và vay ưu đãi nước ngoài, thì mới giải ngân đạt 46%.

Năm 2019, dự toán Quốc hội giao là 60.000 tỷ đồng, đã giao là 47,5 nghìn tỷ đồng, số còn lại Thủ tướng chưa giao là 12.500 tỷ đồng. Giải ngân 5 tháng đầu năm đạt 1.605 tỷ đồng; bằng 2,7% dự toán Quốc hội giao và bằng 5,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, đến hết năm 2019, chưa giải ngân so với kế hoạch 300.000 tỷ đồng ban đầu là còn 166.958 tỷ đồng. Theo kế hoạch điều chỉnh của Quốc hội là 360.000 tỷ đồng của cả giai đoạn 2016 - 2020, thì số còn lại là 222.958 tỷ đồng.

“Đây là một con số rất đáng báo động. Trước tính cấp bách của vấn đề này, với vai trò là cơ quan được Chính phủ giao kiểm soát và thực hiện giải ngân các dự án vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị với sự tham dự của các bộ, ngành trung ương, các địa phương, các cơ quan quản lý dự án, các chủ dự án và đối tác phát triển để cùng bàn giải pháp hữu hiệu nhằm thúc đẩy giải ngân những dự án này” - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Báo cáo tại hội nghị, ông Trương Hùng Long – Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại Bộ Tài chính, đã phân tích những nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân chậm. Theo ông Trương Hùng Long, hiện nay còn gặp nhiều vướng mắc trong việc bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, như: bố trí thiếu so với nhu cầu; vướng mắc về thủ tục đầu tư; thủ tục cho vay lại; thủ tục kiểm soát chi, giải ngân, rút vốn…

Cần làm rõ vai trò, trách nhiệm phân cấp nhiều hơn

Ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, thay mặt 6 nhà tài trợ chính của Việt Nam đã phát biểu tại hội nghị. Theo ông, trước đây, Việt Nam có tốc độ giải ngân rất tốt nhưng từ năm 2014, tốc độ này dần thấp đi và tới nay đang rất chậm, không chỉ đối với vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Ông Eric Sidgwick cho rằng, giải ngân chậm sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, như: Chính phủ sẽ phải trả phí cam kết cao hơn; các dự án phải trả chi phí cao hơn; chi phí quản lý dự án cũng tăng lên theo thời gian…

Đưa ra khuyến nghị đối với Việt Nam, ông Eric Sidgwick nhấn mạnh, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính và các đối tác phát triển sửa đổi quy định hiện hành để đảm bảo sự thống nhất và rõ ràng về vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tham gia khác nhau; đơn giản hóa mạnh mẽ và giảm số lượng các bước phê duyệt để phân cấp nhiều hơn; đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư; đưa dự án vào kế hoạch cũng như giao kế hoạch vốn hàng năm. Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục phân bổ ngân sách bổ sung theo kế hoạch cho các dự án đang thực hiện; đảm bảo tính linh hoạt cao để cập nhật kế hoạch hàng năm…

Hội nghị cũng nhận được nhiều ý kiến từ phía các bộ, ngành, địa phương. Mặc dù tốc độ giải ngân còn chậm, nhưng đại diện các bộ, ngành, địa phương cho biết sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành trong công tác giải phóng mặt bằng; đẩy nhanh tiến độ thực hiện; đẩy mạnh công tác nghiệm thu, thanh toán để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch giao của từng dự án. Đáng chú ý, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, bộ sẽ gắn trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị về kết quả giải ngân; đồng thời chỉ đạo các cơ quan tham mưu thuộc bộ phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để nhanh chóng giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.

Kiến nghị Thủ tướng ban hành chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn

Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, Bộ Tài chính ghi nhận và tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu, trên cơ sở đó, sẽ tổng hợp, hoàn thiện để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong thời gian tới, để đẩy nhanh giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, sửa đổi Nghị định số 132/2018/NĐ-CP và Nghị định 16/2016/NĐ-CP của Chính phủ. Ngoài ra, hiện nay tính sẵn sàng của các dự án còn nhiều khó khăn nên đề nghị các bộ, địa phương, ban quản lý dự án chú trọng việc chuẩn bị, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, nhanh chóng triển khai dự án để có khối lượng hoàn thành và thanh toán vốn.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án cần phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, các nhà tài trợ trong việc giải ngân rút vốn; tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính trong thẩm định các chương trình, dự án vay về cho vay lại trong đó có chương trình, dự án của ngân sách địa phương; phối hợp chặt chẽ trong đàm phán ký kết các hiệp định vay cũng như các thủ tục điều chỉnh; thúc đẩy thực hiện dự án, không để kéo dài thời hạn giải ngân rút vốn như hầu hết các hiệp định hiện nay.

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng nghị định mới về quản lý vốn ODA và vay ưu đãi theo hướng thông thoáng hơn; đơn giản hóa quy trình bổ sung kế hoạch vốn hàng năm; đơn giản hóa cơ chế điều chỉnh, điều chuyển kế hoạch vốn cũng như cơ chế hạch toán và chuyển nguồn đối với vốn vay ODA, vay ưu đãi.

Bộ Tài chính cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của Chính phủ cho 6 tháng cuối năm 2019.

Giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi qua các năm


* Năm 2016 dự toán Quốc hội quy định là 50.000 tỷ đồng, giải ngân đạt 42.552 tỷ đồng, bằng 81,1% dự toán Quốc hội giao và bằng 88,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

* Năm 2017, dự toán Quốc hội giao là 74.034 tỷ đồng gồm kế hoạch vốn bổ sung trong năm là 14.034 tỷ đồng, giải ngân đạt 56.578 tỷ đồng, bằng 76,4% dự toán Quốc hội giao, bằng 78,4% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

* Năm 2018, dự toán Quốc hội giao là 60.226 tỷ đồng, giải ngân đạt 32.307 tỷ đồng, bằng 53,6% dự toán Quốc hội giao và bằng 59% kế hoạch Thủ tướng giao.

Minh Anh