Chiến thắng Điện Biên Phủ - "Nét son” từ hậu cần kinh tế - tài chính
Những câu chuyện vẻ vang
Lực lượng dân công thồ hàng bằng xe đạp phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Những câu chuyện chiến dịch được nguyên Phó Thủ tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính Đặng Việt Châu ôn lại trong tư liệu lịch sử tại cuốn sách 70 năm Tài chính Việt Nam đã khiến thế hệ hôm nay cảm phục sự bền bỉ, dũng cảm, hy sinh, đầu óc linh hoạt và đầy sáng kiến mà cán bộ ta đã làm để đóng góp vào chiến thắng vẻ vang ở Điện Biên Phủ.

Ông chia sẻ, việc không ngờ khối lượng lương thực, thực phẩm huy động được ở Tây Bắc lại vượt số lượng dự kiến ban đầu, mặc dù có sự phản tuyên truyền của bọn phản động. Ở đấy có phần phải tạm vay đồng bào, đến khi lương thực dưới xuôi tải lên mới trả lại, cấp được bảo đảm. Huy động dân công làm đường cũng vậy! Một “chiến dịch cầu đường” được triển khai trên quy mô lớn tại khắp các tỉnh thuộc vùng tự do Việt Bắc, Tây Bắc, liên Khu III, liên Khu IV.

Với khẩu hiệu “Quân sự trên hết, tiền tuyến trên hết!”, hàng vạn dân công ở các địa phương, trên khắp các công trường cầu, phà, với những phương tiện thô sơ là chủ yếu, đã quyết tâm khắc phục mọi khó khăn làm đường, làm cầu đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, đúng thời hạn. Cùng với đường liên tỉnh trong từng liên khu, đã hình thành hệ thống đường chiến lược nối liền Việt Bắc với Tây Bắc, Tây Bắc với liên Khu III và liên Khu IV. Đồng bào Tây Bắc rất hăng hái làm vì đồng bào biết rõ làm đường không những để tiêu diệt địch, quét sạch bóng chúng trên quê hương mình mà còn thấy có lợi cho trước mắt và cho tương lai.

Câu chuyện để tăng năng suất của dân công, sáng kiến dùng 2 cái ruột tượng buộc chéo ngang vai và thêm 1 cái nữa thắt ngang lưng đã đưa năng suất vận chuyển của mỗi dân công từ 25 kg lên 33 kg - 36 kg. Nhưng hay hơn nữa là việc chia cung độ vừa sức đi từng chuyến để dân công đến trạm là bỏ hàng xuống và trở lại ngay, đã có người khác túc trực nhận hàng chạy tiếp, làm cho lương thực và thực phẩm lúc nào cũng chạy trên đường như dòng nước chảy. Nét nổi bật là dân công làm việc tự giác, được học chính trị, học hát, được thông tin kịp thời về chiến sự.

Đặc biệt, câu chuyện huy động và sử dụng xe đạp để thồ hàng, cũng không hề đơn giản. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta huy động tới hơn 20.500 xe đạp, trong đó thường xuyên có 12.500 cái hoạt động trên đường. Nhưng phần lớn dân công huy động cho chiến dịch chưa biết dùng xe đạp, thành ra phải huấn luyện cho anh em cách thồ.

Lúc đầu mỗi xe thồ được 120 kg sau lên tới 200 kg, có đội thồ được tới 320 kg. Muốn thồ nặng phải tăng cường sức chịu lực của đôi phuốc và vành bánh, phải cuốn thêm ruột xe bằng lớp vải diềm bâu cho khỏi bị hố. Xe phải đi từng đôi, gặp dốc phải giúp nhau đẩy từng cái lên đỉnh dốc và khi đi xuống phải cột vào than xe một cành cây dài có lá để tạo ra sức cản, giữ cho xe và người không bị lao xuống. Chính nhờ những sáng kiến đó mà xe đạp thồ là một phương tiện vận tải rất quan trọng phục vụ tiền tuyến. Sức vận tải của 25 xe đạp thồ tính bằng tấn/km ngang với một xe ô tô trọng tải 3 tấn.

Nhằm cắt đứt các tuyến chi viện của ta, địch đã tập trung không quân đánh 1.186 trận vào các tuyến giao thông, ngày cao nhất là 250 lần chiếc (có cả B26). Các Đèo Lũng Lô, Pha Đin, các đầu mối giao thông Cò Nòi, Tuần Giáo, Bến phà Tạ Khoa... là trọng điểm đánh phá của địch. Để bảo đảm giao thông, Bộ chỉ huy chiến dịch đã sử dụng 2 tiểu đoàn pháo cao xạ 37 mm, một số tiểu đoàn 12,7 mm bắn máy bay địch; 4 tiểu đoàn công binh cùng hàng vạn dân công liên tục bám các trục đường khắc phục hậu quả địch đánh phá. Vì vậy “... hiếm có đoạn đường nào bị đứt quá 24 giờ. Hơn nữa, trong thời gian đường bị cắt đứt, việc vận chuyển vẫn được tiếp tục bằng cách chuyển tải hoặc đi vòng đường khác”.

Có thể thấy, việc vận động nhân dân cung cấp nhân lực, vật lực ở hậu phương là một trong những nhân tố thường xuyên, quan trọng quyết định thắng lợi của cuộc chiến tranh cách mạng.

Những câu chuyện vẻ vang đó mang nhiều ý nghĩa và bài học lịch sử. Phát biểu của tại cuộc gặp mặt, tri ân đầy ý nghĩa và xúc động với các chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên vừa tổ chức ngày 17/4 mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: "Chiến thắng Điện Biên Phủ mãi mãi là bản anh hùng ca bất diệt, một dấu mốc bằng vàng chói lọi trong lịch sử dân tộc ta, non sống đất nước ta".

Sáng kiến xe đạp thồ

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta huy động tới hơn 20.500 xe đạp, trong đó thường xuyên có 12.500 cái hoạt động trên đường. Nhưng phần lớn dân công huy động cho chiến dịch chưa biết dùng xe đạp, thành ra phải huấn luyện cho anh em cách thồ. Lúc đầu mỗi xe thồ được 120 kg sau lên tới 200 kg, có đội thồ được tới 320 kg. Muốn thồ nặng phải tăng cường sức chịu lực của đôi phuốc và vành bánh, phải cuốn thêm ruột xe bằng lớp vải diềm bâu cho khỏi bị hố.