Chặt đứt nhiều đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia
Nguồn: Tổng cục Hải quan Đồ họa: Văn Chung

6 tháng bắt hơn 1 tấn ma túy các loại

Hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới có chiều hướng gia tăng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Đặc biệt, tình hình tội phạm ma tuý có chiều hướng gia tăng tại tuyến hàng không, tập trung chủ yếu qua cảng hàng không quốc tế: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng từ các nước châu Âu, châu Mỹ, trong đó có sự chuyển dịch từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ra sân bay quốc tế Nội Bài, sau đó vận chuyển bằng đường bộ, đường sắt vào phía Nam với các loại ma túy tổng hợp, các loại thuốc tân dược có chứa chất gây nghiện, hướng thần, cần sa.

Chặt đứt nhiều đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia

Ngành Hải quan sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa trang thiết bị, đặc biệt là các máy soi container, hành lý, hàng hóa; các máy phát hiện ma túy cũng như lực lượng chó nghiệp vụ hải quan ở các sân bay. Ông Lưu Mạnh Tưởng Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan

Trước tình hình trên, các cơ quan chức năng đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng các văn bản cảnh báo nghiệp vụ về những phương thức, thủ đoạn cất giấu ma túy rộng rãi tới người dân cũng như các đơn vị liên quan.

Cơ quan hải quan đã làm việc với Cục Kỹ thuật nghiệp vụ - Bộ Công an để tăng cường phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong tình hình mới và phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Cục C04) - Bộ Công an tổ chức tổ chức đánh giá tình hình, đề ra giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không.

Lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng như công an, bộ đội biên phòng phát hiện, bắt giữ 140 vụ/148 đối tượng (trong đó cơ quan hải quan chủ trì 70 vụ), giảm 7,3% về số vụ và tăng 0,7% về số đối tượng so với cùng kỳ năm 2022 (151 vụ/147 đối tượng). Tang vật thu giữ bao gồm 1.142,8 kg và 13.666 viên ma túy các loại, tăng 89% so với cùng kỳ năm 2022 (604,8 kg và 46.763 viên ma túy các loại).

Riêng trong tháng hành động phòng, chống ma túy năm 2023 (tháng 6/2023), lực lượng hải quan đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ 39 vụ, 45 đối tượng. Số lượng ma túy tang vật do lực lượng hải quan tham gia phát hiện, thu giữ bao gồm: 9,24kg heroin; 6,89kg cocain; 0,9 gram cần sa; 0,4kg thuốc phiện; 19,24kg và 5 viên ma túy tổng hợp; 24,12kg ketamine; 2,95kg ma túy khác và 0,28kg nước vui.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Chiếm hơn nửa lượng ma túy cả ngành Hải quan bắt được trong 6 tháng qua, Cục Hải quan Hà Nội đã rút ra nhiều phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm nguy hiểm này.

Theo ông Nguyễn Trường Giang - Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội, các đối tượng lợi dụng các công ty giao nhận, chuyển phát nhanh, vận chuyển nội địa có mạng lưới bao phủ khắp các tỉnh, thành trong cả nước và có công ty con ở nước ngoài để gửi hàng hóa ngụy trang dưới hình thức hàng hóa thông thường để vận chuyển ma túy từ các nước về Việt Nam.

Các đối tượng theo dõi hành trình hàng hóa trên phần mềm của hãng vận chuyển, cho hàng hóa đi vòng qua nhiều khâu, nhiều tỉnh, thành nhằm cắt đuôi lực lượng chức năng trước khi đến đích. Đối tượng thường ngụy trang, cất giấu ma túy rất tinh vi bằng nhiều hình thức khác nhau, các lô hàng chứa ma túy qua đường hàng không về Hà Nội sau đó được giao ở các địa phương khác.

Các đối tượng chủ mưu cầm đầu thường liên hệ mua bán ma túy với các đối tượng trong nước thông qua các mạng xã hội, dùng các địa chỉ giả hoặc địa chỉ chung chung không rõ ràng, các đối tượng trong nước cũng thường thuê người nhận hàng, do vậy việc đấu tranh triệt phá của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt, theo ghi nhận thực tế, các vụ việc bị phát hiện nửa năm qua đa số bị lợi dụng cất giấu trong hành lý của khách nhập cảnh và hàng chuyển phát nhanh với số lượng gia tăng đột biến.

Tội phạm ma túy thuê đối tượng là người nước ngoài, có lịch bay vòng qua nhiều nước, thường sử dụng đối tượng là người của các nước trong khối ASEAN để được hưởng ưu đãi miễn visa, lợi dụng tuyến đường từ Việt Nam đi các nước không phải là tuyến đường trọng điểm buôn bán ma túy. Hoặc mua tiêu chuẩn hành lý của các khách và nhờ khách đứng tên, vận chuyển hộ, sau đó nhận lại trong nội địa gây khó khăn trong việc xác minh đối tượng chủ mưu.

Các đối tượng thường cất giấu hết sức tinh vi trong vách ngăn vali, túi xách, chai rượu, tẩm trong quần áo; để cùng hành lý các vật dụng tẩm các chất như tỏi, ớt để khử mùi trốn tránh việc phát hiện của chó nghiệp vụ.

Đối với hàng chuyển phát nhanh, đối tượng thường ngụy trang rất tinh vi trà trộn, cất giấu ma túy trong đồ may mặc (giày dép, ba lô...), đóng gói trong các vật phẩm dễ che giấu như túi cà phê hoà tan, thanh socola, sữa...

Thông tin trên các vận đơn, chứng từ gửi hàng không rõ ràng về địa chỉ, người nhận; các đối tượng không nhận hàng ngay mà để theo dõi thời gian lâu ngày mới nhận hàng nên khi phát hiện ra thường không xác định được chủ hàng thật và khó truy bắt được đối tượng. Lợi dụng hàng chuyển phát nhanh phân loại hàng mic (tài liệu, trị giá thấp…) phát đến tận địa chỉ người nhận, nên thường để địa chỉ là nhà chung cư là nơi có chỗ để hàng tự nhận dẫn đến không xác định được đối tượng nhận hàng.

Tăng cường hợp tác để đấu tranh với ma túy

Cơ quan hải quan đã làm việc với Cục Kỹ thuật nghiệp vụ - Bộ Công an để tăng cường phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trong tình hình mới và phối hợp với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Cục C04) - Bộ Công an tổ chức tổ chức đánh giá tình hình, đề ra giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không.