Chạy đua nước rút tạo đà cho tăng trưởng kinh tế năm 2024
Chính phủ đang đề xuất tiếp tục giảm thuế, phí để hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Ảnh: TL

Nhất tài khóa, tiền tệ

Cuộc chạy đua nước rút tạo đà cho năm 2024 còn rất ít thời gian và Chính phủ muốn ưu tiên tập trung thúc đẩy các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các địa phương đầu tàu tăng trưởng; thực hiện các chính sách hỗ trợ tăng tổng cầu, nhất là các chính sách tài khoá, tiền tệ. Sự nhấn mạnh của Thủ tướng “nhất là các chính sách tài khoá, tiền tệ”, càng cho thấy mức độ quan trọng của hai chính sách này giúp cho nền kinh tế bật dậy.

Thể hiện sự ủng hộ Chính phủ ở mức tối đa, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của đợt hai Kỳ họp thứ 6, chiều 20/11, Quốc hội dành thời gian xem xét, thảo luận hai chính sách về thuế. Trình bày Tờ trình về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT), Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ cần triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành trong năm 2023 và nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về giảm thuế, phí, lệ phí cho năm 2024 như: tiếp tục xem xét giảm thuế GTGT 2%; xem xét giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đã áp dụng của năm 2023; tiếp tục rà soát giảm mức thuế suất thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu để hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước; giảm mức thu một số khoản phí, lệ phí.

Sẽ lại ở vị trí quán quân

Một bài viết gần đây trên trang moneyweek.com (chuyên về phân tích đầu tư của Anh) với tựa đề "Việt Nam - con hổ kinh tế mới của châu Á, đang phát triển mạnh mẽ" đã khẳng định Việt Nam hiện là một trung tâm thịnh vượng trong khu vực với nhiều tiềm năng phát triển và được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Còn theo dự báo của các định chế tài chính nước ngoài như HSBC, VinaCapital, kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục và sẽ lại góp mặt trong danh sách những nền kinh tế tăng trưởng cao nhất toàn cầu năm 2024 ở mức 6,3%, trong khi mức tăng trưởng GDP bình quân toàn cầu là 2,3%.

Về chính sách tiền tệ, trước đó, trong phiên chất vấn của Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã quả quyết rằng, dù lãi suất thế giới tăng cao nhưng Ngân hàng Nhà nước đã rất mạnh dạn điều chỉnh 4 lần giảm lãi suất điều hành để định hướng, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm khoảng 2% so với cuối năm ngoái. Nếu tính cả những khoản dư nợ của các khoản cho vay cũ và vay mới thì giảm khoảng 1% so với cuối năm ngoái; so với trước đại dịch COVID-19 thì lãi suất đã trở về bằng, thậm chí giảm hơn khoảng 0,3%.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành thông tư về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cũng như chủ động đề xuất các gói tín dụng, như gói 120.000 tỷ đồng tín dụng cho vay đối với nhà ở cho người có thu nhập thấp và công nhân, gói tín dụng cho thủy sản 15.000 tỷ đồng. Tất cả những giải pháp này đã góp phần thúc đẩy cầu tín dụng.

Phải có cảm xúc trước vướng mắc của người dân

Chạy đua nước rút tạo đà cho tăng trưởng kinh tế năm 2024

Nhưng, chỉ quyết liệt chi tiền thì vẫn không thể làm nền kinh tế “ấm” lên. Cần một điều nữa không kém phần quan trọng, nói như Thủ tướng là "phải có cảm xúc trước vướng mắc của người dân và doanh nghiệp để làm việc với trách nhiệm cao nhất". Đây cũng là vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội trong phát biểu của mình đều đề cập đến. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) dẫn báo cáo của Chính phủ có nêu một trong những hạn chế, khó khăn trong thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 là còn tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện né tránh, đùn đẩy công việc, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc dẫn đến công việc chậm tiến độ, giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và làm giảm niềm tin của doanh nghiệp, người dân.

Vị đại biểu này bình luận: “Có thể nói, đây là một thực trạng đáng buồn, đáng xấu hổ và đã được đề cập rất nhiều trong thời gian qua. Tôi tán thành cao với những quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ để phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong đó có nội dung chấn chỉnh việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ. Đồng thời, phải bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.

Thực tế, công tác cải cách thể chế, xây dựng pháp luật được đặc biệt quan tâm, có nhiều đổi mới. Nhiều vướng mắc về sản xuất kinh doanh, tài khóa, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tiếp cận tín dụng, đất đai, các mỏ vật liệu xây dựng thông thường cho các công trình hạ tầng chiến lược… được tháo gỡ. Từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã tổ chức 8 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, ban hành 79 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 27 quyết định…

Nhưng, như đánh giá của Thủ tướng, nhận thức của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, người đứng đầu còn hạn chế về tầm quan trọng, tác động lan tỏa và hiệu quả của cải cách hành chính. Cải cách còn nhiều thách thức, thủ tục còn rườm rà; việc thực thi phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm.

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trên có cả khách quan và chủ quan, trong đó chủ quan là chủ yếu, mà nguyên nhân lớn nhất là ý thức, trách nhiệm thực thi công vụ của một số người đứng đầu, vẫn còn tình trạng "trên nóng dưới lạnh". Cơ chế, chính sách còn mâu thuẫn, chồng chéo; kỷ luật, kỷ cương chưa cao; tâm lý sợ, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Triển vọng tăng trưởng vững chắc

Tiếp thêm khí thế mạnh mẽ cho cuộc chạy đua nước rút là các cuộc gặp gỡ của người đứng đầu nhà nước ta với Liên minh Doanh nghiệp Hoa Kỳ - APEC và hàng loạt tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong chuyến công du tới nước này để tham dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ từ ngày 14 đến 17/11/2023. Việc hai nước nâng cấp quan hệ lên khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp và nhất là các địa phương của Việt Nam, đặc biệt là trên các lĩnh vực là thế mạnh của Hoa Kỳ, như đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, y tế, nghiên cứu và phát triển…

Theo dòng chảy phát triển tốt đẹp của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ, đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ đánh giá cao thành tựu và tiềm năng phát triển của nền kinh tế Việt Nam; bày tỏ mong muốn tăng cường tìm kiếm cơ hội đầu tư và mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Giữa tháng 11, Hội nghị Xúc tiến đầu tư tài chính tại Hoa Kỳ đã diễn ra, thu hút sự quan tâm, tham gia của hơn 60 tổ chức tài chính lớn, đại diện các quỹ đầu tư tại Hoa Kỳ. Thông tin tại hội nghị cho thấy, trong những năm qua, bất chấp những thử thách, khó khăn của nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam nổi lên là một quốc gia với triển vọng tăng trưởng kinh tế vững chắc, ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tăng trưởng GDP của Việt Nam cả năm 2023 ước đạt trên 5%, dự kiến năm 2024 tăng trưởng khoảng 6 - 6,5%. Các cân đối kinh tế vĩ mô ngày càng bền vững hơn. Đó là những tín hiệu cho thấy triển vọng vững chắc của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới.