Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 3 luật được Quốc hội thông qua Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 15 luật, 1 pháp lệnh

Hoàn thiện hành lang pháp lý cho công nghiệp công nghệ số

Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định giới thiệu 5 luật: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử và Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chín Luật được công bố bao gồm: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; Luật Đường sắt.

Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, Luật Công nghiệp công nghệ số gồm 6 chương, 51 điều. Việc xây dựng Luật nhằm hình thành hành lang pháp lý chuyên ngành, bảo đảm có chính sách ưu đãi đủ mạnh, vượt trội phát triển ngành công nghiệp công nghệ số - một trong những lĩnh vực công nghiệp đặc thù, nền tảng; đưa Việt Nam trở thành một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; phát triển một số doanh nghiệp công nghệ số chiến lược và một số lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có thế mạnh như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới ban hành một luật riêng về lĩnh vực công nghiệp công nghệ số.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 Luật vừa được Quốc hội thông qua
Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố 9 luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Ảnh: VGP

Lần đầu tiên, các khái niệm mới như công nghệ số, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tài sản số… được định danh trong một văn bản luật. Luật bao gồm đầy đủ quy định, ưu đãi, hỗ trợ cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật gồm 3 điều. Luật đã bổ sung quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, tạo nền tảng số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, theo hướng đẩy mạnh hậu kiểm thay cho tiền kiểm, cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đồng thời, tiếp thu, nội luật hóa các cam kết quốc tế, đảm bảo sự tương thích giữa quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và đánh giá sự phù hợp với các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa gồm 3 điều; đã đổi mới toàn diện phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo các định hướng lớn như chuyển đổi mô hình quản lý chất lượng theo rủi ro; quy định rõ nguyên tắc quản lý chất lượng phù hợp với từng mức độ rủi ro; quy định giảm nhẹ thủ tục hành chính đối với hàng nhập khẩu; ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong quản lý chuỗi cung ứng.

Ba Luật này đều có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.

Đột phá thể chế cho ngành đường sắt

Giới thiệu về Luật Đường sắt, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy cho biết, Luật gồm 4 chương, 59 điều. Luật có những quy định mới, mang tính "đột phá" cho đầu tư phát triển đường sắt, trong đó đẩy mạnh phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng và từ Chính phủ, Bộ trưởng cho chính quyền địa phương theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" để phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong đầu tư phát triển hệ thống đường sắt, đặc biệt là đường sắt địa phương.

Việc ban hành Luật Đường sắt nhằm để thể chế hóa các chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng, đặc biệt là "bộ tứ chiến lược" nhằm phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, công nghiệp và vận tải đường sắt đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời giải quyết các vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn đầu tư phát triển, kinh doanh vận tải đường sắt thời gian vừa qua. Luật Đường sắt 2025 đã cơ bản tháo gỡ các "điểm nghẽn", vướng mắc.

Công bố Lệnh của Chủ tịch nước về 9 Luật vừa được Quốc hội thông qua
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy giới thiệu về Luật Đường sắt. Ảnh:VGP

Trả lời câu hỏi của báo chí về tình hình các nhà đầu tư tư nhân tham gia các dự án đường sắt, Thứ trưởng Huy thông tin, hiện đã nhận được đề xuất của 1 số nhà đầu tư tư nhân tham gia dự án đường sắt.

Theo ông, Bộ Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính hướng dẫn các nhà đầu tư hoàn thiện đề xuất, đồng thời xây dựng các tiêu chí để đánh giá chặt chẽ, cẩn trọng về lợi ích của các bên khi tư nhân tham gia.

Thứ trưởng nhấn mạnh, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội đã chấp thuận bổ sung hình thức đầu tư theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư và đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư cho dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam bên cạnh hình thức đầu tư công. Bộ Xây dựng đang nghiên cứu quy định này và chưa có vướng mắc gì.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng gồm 3 điều; được xây dựng và ban hành trên tinh thần bám sát quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như thông lệ quốc tế, đảm bảo mục tiêu hội nhập quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2025.