Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trình bày tại phiên họp ngày 17/9. Ảnh: H.Y
Ngày 17/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.
Giảm nghèo chưa bền vững, phân hoá giàu nghèo tăng
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội về kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 76, hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,70% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016); ước đến cuối năm 2018 còn dưới 6% (giảm khoảng 1,0-1,3% so với năm 2017).
Tình trạng tái nghèo được kiềm chế và có xu hướng giảm tích cực từ 0,13% (năm 2016) xuống 0,10% (năm 2017); 10 tỉnh, thành phố không có tái nghèo; một số tỉnh khó khăn đạt thành tích ấn tượng trong kéo giảm tỷ lệ tái nghèo.
Tuy nhiên, thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững. Đến tháng 3/2018, tuy đã có 8/64 huyện 30a thoát nghèo; 14/30 huyện hưởng cơ chế 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn nhưng lại bổ sung 29 huyện vào danh sách huyện nghèo giai đoạn 2018 - 2020. 12 tỉnh có tỷ lệ tái nghèo tăng rõ rệt (tăng từ 0,03% trở lên), trong đó có cả một số tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi như Vĩnh Phúc, Khánh Hoà, Kiên Giang. Số hộ tái nghèo bằng khoảng 1/20 số hộ thoát nghèo, số hộ nghèo mới phát sinh bằng khoảng 1/4 số hộ thoát nghèo.
Nhiều tỉnh thuộc khu vực bị thiên tai, lũ lụt nghiêm trọng có tỷ lệ phát sinh hộ nghèo mới hàng năm rất cao. Tốc độ giảm nghèo không đồng đều, nhiều huyện nghèo có tỷ lệ hộ nghèo vẫn trên 50%, một số nơi trên 60%; khoảng cách giàu - nghèo gia tăng.
Về phân bổ, sử dụng nguồn lực, trong 3 năm (2016-2018), ngân sách trung ương (NSTW) đã giao 21.597 tỷ đồng, bằng 52,1% tổng vốn cả giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững, cùng với 60.111 tỷ đồng thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên.
Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả 2 năm (2017 - 2018) thực hiện Nghị quyết số 76 do Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày, vốn lồng ghép từ 21 Chương trình mục tiêu, trong đó có Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng được phê duyệt là 189.337 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển (ĐTPT) từ NSTW là 101.841 tỷ đồng, vốn ĐTPT từ ngân sách địa phương (NSĐP) là 61.000 tỷ đồng và vốn ODA là 26.496 tỷ đồng.
Cùng với nguồn lực đầu tư của nhà nước, các địa phương đã huy động thêm nguồn lực xã hội cho mục tiêu giảm nghèo. Theo báo cáo chưa đầy đủ, tổng số tiền huy động cho an sinh xã hội và giảm nghèo trong năm 2016 là 7.303 tỷ đồng; năm 2017 là 5.832 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2018 là 3.600 tỷ đồng.
Về nguồn vốn tín dụng ưu đãi, đến ngày 30/6/2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đạt 189.105 tỷ đồng, tăng 30.239 tỷ đồng (tăng 19%) so với năm 2016. Trong đó, vốn nhận từ NSNN là 31.224 tỷ đồng, chiếm 16,5% tổng nguồn vốn. Mức cho vay đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã được tăng từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng/lượt/hộ vay. Lãi suất cho vay đối với một số chương trình tín dụng chính sách được điều chỉnh giảm.
3 năm, chi hơn 134.443 tỷ đồng để giảm nghèo
Tuy nhiên, Chính phủ cũng đánh giá mức hỗ trợ của NSTW cho các địa phương thông qua chương trình, chính sách giảm nghèo dù đã được ưu tiên nhưng so với nhu cầu còn thấp; khả năng hỗ trợ thêm từ NSĐP hạn hẹp vì hầu hết là các tỉnh nghèo, chưa tự cân đối được ngân sách; các doanh nghiệp chưa đầu tư nhiều ở địa bàn nghèo, mặc dù đã có những chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư của nhà nước, của địa phương nhưng còn bất lợi về địa lý, so sánh chi phí đầu tư, lợi nhuận…
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, dự báo thời gian tới khoảng cách giàu nghèo tiếp tục gia tăng mà nếu không sớm giải quyết, phân hoá giàu nghèo có thể dẫn đến phân hoá về tư tưởng. Trong đó, số lượng người nghèo vẫn tiếp tục tập trung ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Một số vùng tái nghèo tăng nhanh chủ yếu do bão lũ nhiều.
Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho biết vẫn có tình trạng địa phương đã thoát nghèo rồi vẫn xin trở lại diện nghèo để được hỗ trợ theo chương trình 30A. Có những địa phương có tình trạng hộ nghèo tăng trở lại do nhiều gia đình đã tách hộ, chuyển những người già yếu thành những hộ độc lập (dù vẫn sống chung với con cái) để được hưởng chính sách hộ nghèo, và họ sẽ thuộc diện hộ nghèo đến hết đời do không còn khả năng lao động.
![]() |
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc |
Thảo luận tại phiên họp, nhìn từ khía cạnh tài chính, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng cách thức hỗ trợ, phân bổ nguồn lực dường như nghiêng về hỗ trợ trực tiếp hơn là hướng tới sự bền vững.
Theo báo cáo, NSNN chi cho CTMTQG trong 3 năm qua 21.597 tỷ đồng, cùng với 60.114 tỷ đồng cho chương trình giảm nghèo thường xuyên. Cùng với nguồn chi từ NSĐP trong 3 năm ước tính khoảng 36.000 tỷ đồng, nguồn huy động từ xã hội hoá khoảng 16.735 tỷ đồng. Như vậy, tổng mức chi từ NSTW, NSĐP, vốn huy động xã hội hoá là khoảng 134.443 tỷ đồng. Kết quả giảm nghèo bình quân mỗi năm giảm 1,5% hộ nghèo, 3 năm giảm khoảng 1 triệu hộ nghèo.
Như vậy, ước tính để giảm 1 hộ nghèo thì tổng kinh phí phải chi hơn 134 triệu đồng, chứng tỏ mức đầu tư khá lớn (chưa tính hộ cận nghèo). Trong đó, các địa phương còn có nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp như hỗ trợ 100% bảo hiểm y tế, 100% lãi vay, 100% học phí học các cấp, hỗ trợ tiền ăn trưa cho học sinh, sinh viên ở các cơ sở giáo dục đào tạo của địa phương… Điều này vô hình chung khiến người dân muốn thuộc diện được hỗ trợ thay vì phấn đấu thoát khỏi diện hộ nghèo.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải, việc giảm nghèo bền vững phải là kết quả của quá trình lâu dài, không thể một sớm một chiều hay một nhiệm kỳ mà gắn với trình độ phát triển của xã hội, cơ sở hạ tầng, văn hoá giáo dục… Trong đó, vai trò nguồn lực của nhà nước là rất quan trọng và cần có hướng nghiên cứu để phân bổ lại nguồn lực cho phù hợp./.
Hoàng Yến