Phân định rõ giữa trách nhiệm hình sự, hành chính, dân sự

Thực hiện nhiệm vụ Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, theo phân công của Chính phủ, Bộ Tài chính vừa có tờ trình trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân để Chính phủ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép áp dụng theo trình tự, thủ tục rút gọn, đề nghị Quốc hội thông qua ngay tại Kỳ họp thứ 9 theo quy trình một kỳ họp.

Dự thảo gồm 7 Chương, 17 Điều, quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt áp dụng đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và các tổ chức liên quan.

Đề xuất rút ngắn tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục phá sản
Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân . Ảnh: TL minh họa

Cụ thể, tại Điều 4 quy định về nguyên tắc xử lý các sai phạm và giải quyết các vụ việc trong hoạt động kinh doanh, dự thảo Nghị quyết đưa ra quy định: Phân định rõ giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm của pháp nhân và trách nhiệm của cá nhân.

Đối với sai phạm, vụ việc về dân sự, kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước; các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.

Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.

Đối với sai phạm đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.

Dự thảo Nghị quyết tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp và thể chế hóa theo 5 chính sách lớn, là: Cải thiện môi trường kinh doanh; Hỗ trợ tiếp cận nguồn lực đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh; Hỗ trợ tài chính, tín dụng và mua sắm công; Hỗ trợ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và đào tạo nhân lực; và Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và lớn, doanh nghiệp tiên phong.

Không được áp dụng hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm có kết luận và thực hiện công bố công khai kết luận này.

Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử các vụ án.

Bảo đảm việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong tỏa tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án.

Phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản, thu nhập có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giữa tài sản, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp với tài sản, quyền, nghĩa vụ của cá nhân người quản lý trong doanh nghiệp trong xử lý các sai phạm và giải quyết các vụ việc.

Sử dụng hợp lý các biện pháp cần thiết để bảo đảm giá trị tài sản liên quan đến vụ án, giảm thiểu tác động của điều tra đến hoạt động sản xuất kinh doanh, sau khi có ý kiến thống nhất của các cơ quan tố tụng và không ảnh hưởng đến hoạt động điều tra.

Không thanh tra, kiểm tra quá 1 lần trong năm

Tại Điều 5, quy định về nguyên tắc hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp, hộ kinh doanh, dự thảo Nghị quyết quy định cụ thể về một số nguyên tắc trong thực hiện thanh tra, kiểm tra, gồm: Không được thanh tra, kiểm tra đối với mỗi doanh nghiệp, hộ kinh doanh quá 1 lần trong năm, trừ trường hợp có bằng chứng vi phạm rõ ràng; Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng thanh tra, kiểm tra để nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp; Ưu tiên thanh tra, kiểm tra từ xa dựa trên các dữ liệu điện tử, giảm thanh tra, kiểm tra trực tiếp; Miễn kiểm tra thực tế đối với các doanh nghiệp tuân thủ tốt quy định pháp luật.

Đề xuất rút ngắn tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục phá sản
Nghị quyết với nhiều quy định mang tính cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: TL minh họa

Đồng thời nhằm khắc phục tình trạng vướng mắc trong giải quyết thủ tục phá sản, gây khó khăn cho việc rút lui khỏi thị trường của doanh nghiệp, dự thảo Nghị quyết quy định mở rộng trường hợp, căn cứ để Tòa án xem xét, quyết định việc giải quyết phá sản theo thủ tục rút gọn đối với các doanh nghiệp. Đồng thời, việc giải quyết theo thủ tục rút gọn bảo đảm rút ngắn tối thiểu 30% về thời gian, điều kiện, trình tự, thủ tục giải quyết so với thủ tục thông thường.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính cho biết, đã khẩn trương rà soát, nghiên cứu các nhiệm vụ, quan điểm, chủ trương, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 68-NQ/TW, đồng thời rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan, cũng như các luật đang được sửa đổi, bổ sung trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 9 và đã phân loại các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW cần được thể chế hóa theo 3 nhóm:

Thứ nhất, các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW có nội hàm tương đối rõ, có tính cấp bách, cần tháo gỡ ngay, có tác động lớn đến niềm tin, hoạt động sản xuất, kinh doanh của khu vực kinh tế tư nhân nhưng chưa được thể chế hóa hoặc cần sửa đổi, bổ sung, thuộc thẩm quyền của Quốc hội và không thuộc phạm vi điều chỉnh của các Luật đã có trong Chương trình xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Thứ hai, các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW có nội hàm tương đối rõ, cần được thể chế hóa, sửa đổi, bổ sung ngay và thuộc phạm vi điều chỉnh của một số Luật đã có trong Chương trình xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Thứ ba, các nhiệm vụ, giải pháp quy định tại Nghị quyết số 68-NQ/TW mang tính định hướng, chưa quá cấp bách và cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng để đề xuất xây dựng hoặc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan, trình Quốc hội xem xét thông qua ở những kỳ họp tiếp theo.