![]() |
Chậm nhất đến ngày 30/5/2025, hộ kinh doanh phải hoàn thành việc đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Ảnh minh họa |
Nâng cao hiệu quả quản lý tài chính
Để đáp ứng tốt hơn việc sử dụng hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực trực tiếp đến người tiêu dùng, ngành Thuế đã xây dựng giải pháp và chính thức vận hành hệ thống hóa đơn điện từ khởi tạo từ máy tính tiền từ ngày 15/12/2022.
Đại diện Cục Thuế cho biết, giải pháp này giúp doanh nghiệp và hộ kinh doanh có thể xuất hóa đơn điện tử ngay cho khách hàng, kể cả ngoài giờ làm việc hoặc vào ban đêm. Hóa đơn in ra từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế. Chính vì vậy, hóa đơn này được xem là hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định. Giải pháp giúp doanh nghiệp, hộ kinh doanh chủ động hơn trong việc điều chỉnh sai sót. Bởi vì hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được gửi vào cuối ngày. Do đó, không phải gửi từng hóa đơn riêng lẻ như loại hóa đơn có mã thông thường. Đồng thời tại một địa điểm bán hàng có thể thiết lập nhiều máy tính tiền theo quy định để xuất hóa đơn điện tử cho khách hàng một cách nhanh chóng, thuận lợi.
Thể hiện trách nhiệm đồng hành Các chi cục thuế khu vực trên toàn quốc xác định việc phủ sóng hóa đơn điện tử đến 100% hộ, cá nhân kinh doanh không chỉ là nhiệm vụ chuyên môn mà còn là trách nhiệm đồng hành cùng hộ kinh doanh, giúp họ từng bước hiện đại hóa, minh bạch hóa hoạt động kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời đại số hóa. |
Để khắc phục tồn tại, hạn chế và đẩy nhanh tiến độ phủ sóng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đến doanh nghiệp, hộ kinh doanh, ngày 20/3/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định 70/2025/NĐ-CP (Nghị định 70) sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP (Nghị định 123) quy định việc áp dụng hóa đơn điện tử đối với tất cả hộ và cá nhân kinh doanh.
Phó Cục trưởng Cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho biết, Nghị định 70 sửa đổi, bổ sung 40/61 điều của Nghị định 123 nhằm tạo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho người nộp thuế. Đồng thời, Nghị định 70 là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng điều chỉnh nhiều nội dung mới, quan trọng trong quản lý hóa đơn, chứng từ, là cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, đồng thời phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi gian lận ngày càng tinh vi.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam, điểm mới đáng chú ý của Nghị định 70 là các hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu hàng năm từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ phải sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền kết nối chuyển dữ liệu với cơ quan thuế. Nghị định 70 là bước chuyển quan trọng, giúp nâng cao minh bạch và hiệu quả quản lý tài chính cho hộ, cá nhân kinh doanh.
Xóa bỏ tâm lý nhỏ lẻ
Việc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền được đánh giá mang lại nhiều lợi ích cho hộ kinh doanh. Tuy nhiên, do mô hình kinh doanh còn nhỏ lẻ, dẫn đến nhiều hộ kinh doanh vẫn chưa hiểu rõ quyền và nghĩa vụ thuế.
Đại diện Chi cục Thuế khu vực I cho biết, đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp trong việc triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người nộp thuế đã được chú trọng thực hiện thông qua nhiều hình thức như: tổ chức tập huấn, tuyên truyền qua phương tiện thông tin đại chúng, hỗ trợ trực tiếp và trực tuyến.
Thống kê của Chi cục Thuế khu vực I cho thấy, lũy kế đến tháng 3/2025, trên địa bàn Hà Nội có 10.358 cơ sở kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, trong đó có 7.996 doanh nghiệp và 2.362 hộ kinh doanh, tăng 70% số lượng khi bắt đầu triển khai năm 2023.
Theo đánh giá của lãnh đạo Chi cục Thuế khu vực I, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai còn gặp một số khó khăn nhất định như: thói quen kinh doanh tiền mặt, quy mô kinh doanh nhỏ lẻ, hạn chế về công nghệ thông tin, chi phí đầu tư thiết bị.
Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Lê Thị Yến - Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn thuế Hà Nội cho biết, các hộ kinh doanh trên địa bàn Hà Nội có chung suy nghĩ việc buôn bán nhỏ lẻ, nên ngại “đầu tư” sổ sách, giấy tờ, hóa đơn, công nghệ... Bên cạnh đó, bản thân các hộ kinh doanh này cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận phần mềm hóa đơn điện tử, đặc biệt ở khu vực nông thôn và với người lớn tuổi.
Theo bà Yến, việc áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo Nghị định 70 là bước chuyển quan trọng, giúp nâng cao minh bạch và hiệu quả quản lý tài chính, theo đó các hộ kinh doanh cần có sự chuẩn bị hợp tác với cơ quan thuế áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền để giảm thiểu rủi ro và đảm bảo tuân thủ pháp luật.
Để hỗ trợ hộ và cá nhân kinh doanh tuân thủ các quy định về hóa đơn, chứng từ, hiện nay nhiều doanh nghiệp công nghệ đã cung cấp các phần mềm hỗ trợ. Trong đó, Công ty cổ phần Misa đã cung cấp bộ giải pháp hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, tích hợp quản lý bán hàng - hóa đơn - kế toán. Bộ giải pháp này của Misa giúp hộ kinh doanh quản lý toàn diện hiệu quả, dễ triển khai, tuân thủ đầy đủ quy định về thuế và tối ưu chi phí cho người dùng.
Đồng thời, giải pháp cho phép hộ kinh doanh tự động hóa quy trình phát hành hóa đơn điện tử, giảm thiểu sai sót và tiết kiệm thời gian nhập liệu. Phần mềm kết nối trực tiếp với Cục Thuế, đảm bảo xuất và truyền hóa đơn đúng hạn, tuân thủ quy định pháp luật.
Ông Lê Hồng Quang - Tổng Giám đốc Misa cho biết thêm, hệ sinh thái của Misa cũng đồng bộ dữ liệu giữa các phần mềm bán hàng và kế toán giúp tối ưu hóa quy trình quản lý tài chính, tự động hạch toán chứng từ và báo cáo thuế. Điểm nổi bật của bộ giải pháp là được Misa phát triển đảm bảo tiêu chí dễ sử dụng, đầy đủ tính năng, đáp ứng quy định về pháp luật thuế với mức chi phí tối ưu.
Hộ kinh doanh không áp dụng có thể bị phạt đến 10 triệu đồng Nghị định số 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP có quy định đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền của hộ kinh doanh như sau: Hộ kinh doanh có hoạt động bán hàng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng (bao gồm: trung tâm thương mại; siêu thị; bán lẻ (trừ ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác); ăn uống; nhà hàng; khách sạn; dịch vụ vận tải hành khách, dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải đường bộ, dịch vụ nghệ thuật, vui chơi, giải trí, hoạt động chiếu phim…, đáp ứng 1 trong 3 tiêu chí dưới đây đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử được khởi tạo từ máy tính tiền: Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán có mức doanh thu hàng năm trên 1 tỷ đồng; Hộ kinh doanh có sử dụng máy tính tiền; Hộ kinh doanh có quy mô về doanh thu, lao động đáp ứng từ mức cao nhất về tiêu chí của doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa phải thực hiện chế độ kế toán và nộp thuế theo phương pháp kê khai. Hộ kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền nhưng chưa thiết lập kết nối hoặc chưa chuyển dữ liệu điện tử đầy đủ đến cơ quan thuế. Một số hộ kinh doanh còn chưa sử dụng hoặc sử dụng hóa đơn này từ năm 2024 trở về trước. Theo Nghị định 70, chậm nhất đến ngày 30/5/2025, hộ kinh doanh phải hoàn thành việc đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền. Các hộ kinh doanh không thực hiện chuyển đổi hóa đơn điện tử máy tính tiền sẽ được coi là hành vi vi phạm quy định về sử dụng hóa đơn, có thể bị phạt tới 10 triệu đồng. |