Ngành logistics phát triển nhưng thiếu tính đồng bộ

Logistics là bộ phận rất quan trọng trong quản trị chuỗi cung ứng. Ở nước ta, logistics ngày càng có vai trò trọng yếu trong việc phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Điều này được thể hiện rõ trong thời gian phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua. Tiến trình phục hồi và phát triển bền vững kinh tế - xã hội sau đại dịch Covid-19, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra đòi hỏi ngành dịch vụ logistics, một ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao, phải có những bước phát triển đột phá để đáp ứng yêu cầu là mạch máu của nền kinh tế.

Chủ tịch Hiệp hội VLA chia sẻ thông tin về chỉ số Năng lực cạnh tranh logisitcs cấp tỉnh của Việt Nam. Ảnh Đỗ Doãn
Chủ tịch Hiệp hội VLA Lê Duy Hiệp chia sẻ thông tin về chỉ số Năng lực cạnh tranh logisitcs cấp tỉnh của Việt Nam. Ảnh Đỗ Doãn

Theo ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), những năm vừa qua, ngành logistics Việt Nam đã có chỉ số cải thiện đáng kể, trong đó Chỉ số hoạt động logistics (LPI) đứng thứ 39 trong 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Riêng khu vực ASEAN, chỉ số này của Việt Nam thậm chí còn lọt vào top 3 với số điểm là 3,27, thuộc top các thị trường mới nổi có tốc độ tăng trưởng dao động từ 14 - 16%.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải nhấn mạnh: "Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh Việt Nam sẽ giúp đo lường cơ sở hạ tầng, chính sách phát triển logistics của mỗi tỉnh, thành phố ở Việt Nam, từ đó giúp các địa phương thấy được vị trí của mình trong bức tranh chung cả nước. Dự án cũng được căn cứ để các bên cải thiện chi phí logistics, tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, giúp DN có cơ sở để lựa chọn địa điểm và mở rộng sản xuất kinh doanh…"

‘‘Đây là kết quả của phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp (DN) lĩnh vực logistics và sự tạo điều kiện thuận lợi của các bộ, ngành liên quan’’ – ông Trần Thanh Hải nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu cũng thẳng thắn cho biết sự phát triển ngành logistics còn nhiều tồn tại như chi phí còn cao, thiếu liên kết giữa DN logistics và DN sản xuất; quy mô, tiềm lực và sự tiến ra thị trường quốc tế của các DN còn hạn chế, nguồn lực cho phát triển và tính chuyên nghiệp còn thiếu…

‘‘Mục tiêu phát triển của ngành logistics tới năm 2025, tỷ trọng đóng góp vào GDP đạt 5 - 6%, tốc độ tăng trưởng đạt 15 - 20%, tỷ lệ thuê ngoài đạt 50 - 60%, chi phí giảm xuống tương đương 16 - 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt từ 50 trở lên… nhưng để đạt được cần những giải pháp đồng loạt từ bộ ngành, địa phương và DN, bởi hiện vẫn còn những địa phương thiếu sự quan tâm phát triển logistics, dẫn tới thiếu đồng bộ trong quy hoạch cũng như liên kết vùng…’’ – ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Sắp ra mắt Chỉ số năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh

Trong khi đó, Dự án Chỉ số Năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh (LCI) Việt Nam 2022 mới đây đã được khởi động. Dự án do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) khởi xướng, phối hợp cùng các đơn vị nghiên cứu từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI), Dream Incubator (DI) thực hiện.

Sau lễ khởi động, chỉ số Năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh sẽ  ra mắt trong năm 2022. Ảnh Đỗ Doãn
Sau lễ khởi động, chỉ số Năng lực cạnh tranh logistics cấp tỉnh Việt Nam dự kiến ra mắt trong năm 2022. Ảnh Đỗ Doãn

Mục đích là nhằm phục vụ cho sự phát triển của bốn trụ cột chính của hệ thống logistics trong phạm vi dự án, gồm: cơ chế, chính sách điều chỉnh; kết cấu hạ tầng logistics; DN cung cấp dịch vụ logistics và DN sử dụng dịch vụ logistics. Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành trong năm nay, với sự ra mắt của Chỉ số LCI.

Giải thích rõ hơn về dự án, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội VLA cho hay, LCI là chỉ số đo lường và đánh giá tốc độ phát triển, chất lượng, cơ sở hạ tầng, chính sách của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam về ngành kinh doanh dịch vụ logistics Việt Nam.

Khi triển khai, chỉ số sẽ đem đến một bức tranh chung về ngành này tại các tỉnh, thành phố ở Việt Nam. Bởi chỉ số sẽ tìm hiểu và lý giải vì sao có sự khác biệt, chênh lệch giữa các tỉnh, thành phố trong phát triển logistics phục vụ kinh doanh, xuất nhập khẩu. Chính vì thế, những đánh giá từ kết quả chỉ số LCI sẽ có những tác động và đóng góp quan trọng cho các địa phương cũng như cộng đồng DN logistics.

‘‘Cùng với tiếng nói của cộng đồng DN, LCI sẽ được sử dụng để tham gia phản biện chính sách với chính quyền địa phương để cải thiện, phát triển ngành dịch vụ logistics phục vụ kinh doanh. Ngoài ra, con số và các đánh giá trong báo cáo chỉ số sẽ giúp DN trong và ngoài nước tìm đến LCI như là một hỗ trợ quan trọng cho việc quyết định lựa chọn địa điểm và mở rộng sản xuất kinh doanh. Chỉ số LCI cũng giúp truyền thông nâng cao nhận thức của xã hội về ngành dịch vụ logistics…’’ – Chủ tịch VLA nhấn mạnh.

Cơ sở tham vấn về phát triển logistics

Dự án Chỉ số LCI được triển khai nhằm thực hiện Quyết định 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có một số nhiệm vụ của Hiệp hội VLA gồm: xếp hạng, đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics và DN dịch vụ logistics, hoàn thiện chính sách hỗ trợ DN dịch vụ logistics. Dự án sẽ làm cơ sở tham vấn cho cơ quan quản lý nhà nước, các nhà đầu tư, DN, thương nhân về hoạch định chính phát triển logistics, quyết định đầu tư; về lâu dài, tiến đến cắt giảm chi phí logistics, lập kế hoạch phát triển sản xuất, dịch vụ ở các mức độ khác nhau của DN là nguồn tham khảo về uy tín quản lý và kinh doanh đáng tin cậy.