GDP

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp chiều 10/11. Ảnh: PV

Kiểm soát nợ công, bội chi tốt tạo dư địa cho điều hành

Dẫn con số từ thực tế giai đoạn 2011 - 2015, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết chúng ta đặt mục tiêu tăng trưởng GDP cao, sau đó điều chỉnh còn khoảng 6,5% - 7%. Song, trên thực tế 5 năm chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân 5,9%. Tuy nhiên, cả giai đoạn chúng ta vẫn điều hành các chỉ tiêu kinh tế xã hội khác theo mức GDP cao như vậy. Với nền cao này, khi tăng trưởng không đạt được mục tiêu, bội chi cả giai đoạn đã tăng lên đến 5,4% GDP, nợ công lên mức đỉnh 63,7% GDP, nợ xấu cũng tăng mạnh. Cùng với đó, những năm đầu giai đoạn này lạm phát tăng rất cao.

Đến giai đoạn 2016 - 2020, chúng ta đưa ra mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% - 7%. Trong 4 năm 2016 - 2019, chúng ta đã đạt được mục tiêu này khi bình quân đạt 6,8%. Từ đó, các chỉ tiêu vĩ mô khác cũng rất tốt, từ ngân sách đến tín dụng đều đạt mục tiêu.

Tuy nhiên, đến năm 2020, dịch Covid-19 xảy ra khiến tăng trưởng dự kiến chỉ đạt 2% - 3%. Như vậy bình quân tăng trưởng 5 năm chỉ còn đạt 5,8% - 5,9% và bình quân 10 năm đạt 5,9%, thấp hơn kế hoạch. Song Bộ trưởng cũng cho biết giai đoạn này ổn hơn giai đoạn 2011 - 2015 bởi chúng ta có dư địa điều hành từ 4 năm 2016 - 2019. Cùng với việc tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngân sách, các chỉ tiêu vĩ mô như bội chi, nợ công, cân đối ngân sách, tín dụng đều sát với tăng trưởng kinh tế.

Nhờ đó, chúng ta đã có dư địa xử lý kịp thời các chính sách ứng phó, khắc phục ảnh hưởng của dịch bệnh, như giãn, hoãn, giảm thuế, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, mà vẫn đảm bảo các mục tiêu về bội chi, nợ công của giai đoạn 5 năm 2016 - 2020 đã đề ra. Đặc biệt, tốc độ tăng nợ công được kiểm soát rất tốt đã tạo nền tảng vĩ mô ổn định cho cả giai đoạn. Trong giai đoạn 2011 - 2015, tốc độ tăng nợ công lên đến 18,1%, gấp 3 lần tăng trưởng kinh tế, thì giai đoạn 2016 - 2019, tốc độ tăng nợ công chỉ là 6,7% - 6,8%, tương đương tăng trưởng kinh tế. Riêng năm 2020, tốc độ tăng nợ công tăng hơn nhưng cũng chỉ lên mức 8% bình quân trong 5 năm.

Có thể thấy, kết quả tích luỹ 4 năm vừa qua rất quan trọng, mặc dù những biến động của năm 2020 làm một số chỉ tiêu phải thay đổi, như bội chi, nợ công tăng. "Với tình hình hiện nay, dự đoán thời gian tới nợ xấu ngân hàng cũng sẽ tăng khi doanh nghiệp còn gặp khó khăn", Bộ trưởng Bộ Tài chính đánh giá.

Mục tiêu tăng trưởng 7% có thể khá rủi ro

Từ thực tế, kinh nghiệm trên, lãnh đạo ngành Tài chính cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP giai đoạn 10 năm tới là 7%, giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 là 6,5% - 7% có thể khá rủi ro dù nếu đạt được là rất tốt. Với tình hình dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được sớm, suy thoái kinh tế có thể kéo dài 2 đến 3 năm, thậm chí 4 năm. Hơn nữa, mức tăng GDP này lại tính trên quy mô GDP theo cách tính mới, tăng 25% - 27% so với cách tính cũ, thì mục tiêu này lại càng nhiều thách thức.

Theo dự toán ngân sách năm 2021, GDP tăng 6,5%, nhưng tăng thu ngân sách nội địa chỉ khoảng 5,6%, bằng một nửa thay vì tương đương GDP danh nghĩa do tình hình còn khó khăn. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng đây cũng là con số khá rủi ro bởi tình hình năm tới chưa thể dự đoán. Điều này sẽ lại tác động rất lớn đến các chỉ tiêu vĩ mô bội chi, nợ công, nợ xấu và tín nhiệm quốc gia.

Từ quan điểm này, đề xuất của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng là trong kế hoạch phát triển 5 năm nên chăng có khoảng cách, hay như các đại biểu đề nghị là phải có vài ba phương án, kịch bản để linh hoạt trong điều hành thay vì đặt một mục tiêu cứng.

Trong tinh thần chúng ta phấn đấu đạt mục tiêu nước có thu nhập trung bình cao thì đây là kế hoạch thích hợp. "Tuy nhiên, quyết tâm cao nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận đúng thực trạng, đánh giá đúng bản chất, để đưa ra được giải pháp đúng và trúng. Có như vậy thì mới tổ chức thực hiện hiệu quả được" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh và cũng cho rằng, đặt mục tiêu thấp nhưng đạt cao thì sẽ điều hành dễ dàng hơn nhiều so với khi đặt mục tiêu cao nhưng đạt thấp./.

Phát biểu tại phiên họp tổ, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng với những kết quả đạt được hiện nay cho thấy, chúng ta đã đi đúng hướng trong điều hành khi kiểm soát được lạm phát, thực thi chính sách tài khoá chặt chẽ, chính sách tiền tệ linh hoạt, qua đó giữ được ổn định vĩ mô, nâng cao tín nhiệm quốc gia.

Tuy nhiên, các mục tiêu tổng quát đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội có những điểm cần được tính toán thận trọng như GDP/người, mục tiêu nước có thu nhập trung bình cao… Với các mục tiêu cụ thể, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn khi giai đoạn 2020 - 2021, dịch Covid-19 vẫn hoàn hành, việc xác định tốc độ tăng trưởng là rất khó khăn. Nên chăng có thể phân chia từng giai đoạn phát triển, như là giai đoạn 2021 - 2022 khi dịch vẫn còn và 2023 - 2025 khi dịch Covid-19 đã qua. Việc đặt ra một mục tiêu tăng trưởng chung 6,5% - 7% cho cả kỳ đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, đại biểu nhận định.

Hoàng Yến