Chương trình phục hồi hiệu quả, thu ngân sách đạt khá

Thu NSNN 6 tháng đầu năm đã đạt 66,7% dự toán, cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng mừng là nhiều khoản thu tăng so với cùng kỳ năm 2021, nhất là các khoản thu từ khu vực sản xuất kinh doanh. Trong thu nội địa, có 10/12 khoản thu và nhóm khoản thu nội địa tiến độ thu đạt khá so dự toán (trên 55%); thu từ 3 khu vực kinh tế (chiếm 52% dự toán tổng thu nội địa) đều có mức tăng khá, trong đó thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh đạt 67,4% dự toán, tăng 20,5%.

6 tháng chi NSNN ước đạt 713 nghìn tỷ đồng, bằng 40% dự toán; trong đó: chi đầu tư phát triển đạt 28,6% dự toán, chi trả nợ lãi đạt 50,1% dự toán, chi thường xuyên đạt 45,8% dự toán, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện và dự toán được giao của các đơn vị sử dụng ngân sách. Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã giao 542,1 nghìn tỷ đồng, bên cạnh đó các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương…) tăng thêm khoảng 43,5 nghìn tỷ đồng so kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Nguồn: Bộ Tài chính    	     								    Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Kết quả thu NSNN 6 tháng đầu năm khả quan có nguyên nhân từ kinh tế đang trên đà phục hồi và phát triển, nhiều doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và có đóng góp về cho ngân sách. GDP quý II/2022 đã tăng 7,72%, đây cũng là tốc độ tăng cao nhất trong 11 năm qua, đưa 6 tháng đầu năm tăng 6,42% cho thấy rõ sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế.

Chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, để đạt được những kết quả này là do các chương trình phục hồi nền kinh tế của Chính phủ đã được các bộ ngành, địa phương triển khai tích cực, hiệu quả. Đồng thời, ông đưa ra dự báo, GDP năm nay có thể đạt và vượt kết hoạch đặt ra trên 7%.

Với tốc độ tăng trưởng khả quan của nền kinh tế trong năm 2022, dự báo ngành Tài chính sẽ đảm bảo tiến độ thu ngân sách, đáp ứng các nhiệm vụ chi đã có trong dự toán, chi cho an sinh xã hội và các nhiệm vụ quan trọng khác.

Chính sách tài chính luôn lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Tuy nhiên, những thách thức trong 6 tháng cuối năm rất lớn, như giá cả nguyên nhiên vật liệu tăng cao tiềm ẩm sức ép lạm phát; xu hướng thắt chặt các điều kiện tài chính toàn cầu đang gia tăng, lãi suất USD tăng cũng là nhân tố ảnh hưởng tới Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội...

Dù vậy, nhiều chuyên gia dự báo, GDP năm nay có thể đạt 6,5 - 7,5%. Với dự báo tăng trưởng khả quan, nhưng hiện giá dầu tăng cao, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào tăng lên sẽ có những tác động đến lạm phát. Do đó, cần có sự điều chỉnh thận trọng hơn về tăng giá của một số lĩnh vực theo quy định.

Xây dựng chính sách lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, quan điểm xuyên suốt là thu ngân sách phải căn cứ vào "sức khỏe" của doanh nghiệp, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả mới đóng góp được cho ngân sách. Do đó, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng chính sách, dọn đường cho phát triển đó chính là lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Ngoài ra, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, giảm lãi suất để doanh nghiệp tiếp cận vốn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo tỷ giá ổn định.

Mức tăng trưởng dự báo nêu trên cũng sẽ là cơ sở để ngành Tài chính đảm bảo các cân đối lớn về thu - chi NSNN.

Những tháng còn lại của năm, để hoàn thành các nhiệm vụ thu, chi NSNN năm 2022, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đặt ra, đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu rất lớn của các ngành, các cấp từ trung ương đến địa phương trong việc tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.

Trong lĩnh vực tài chính - NSNN, tiếp tục tổ chức điều hành dự toán NSNN năm 2022 chủ động, chặt chẽ, trong phạm vi dự toán được giao và khả năng thu NSNN; phấn đấu tăng thu; giảm bội chi NSNN so với dự toán Quốc hội quyết định; kiểm soát chặt chẽ nợ công trong giới hạn cho phép; tăng cường quản lý giá, thị trường; phát triển đồng bộ các thị trường tài chính, đơn vị sự nghiệp công lập...

Phát biểu tại hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách 6 tháng của ngành Tài chính, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, quan điểm xuyên suốt là thu ngân sách phải căn cứ vào "sức khỏe" của doanh nghiệp, doanh nghiệp hoạt động kinh doanh có hiệu quả mới đóng góp được cho ngân sách. Do đó, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý đến việc xây dựng chính sách, dọn đường cho phát triển đó chính là lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Ngoài ra, thực hiện đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, giảm lãi suất để doanh nghiệp tiếp cận vốn thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo tỷ giá ổn định.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung quản lý chống trốn thuế, chuyển giá, đặc biệt là chống thất thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử.

Được biết, từ nay đến cuối năm, ngành Tài chính tiếp tục điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, thận trọng, bám sát diễn biến của dịch Covid-19, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, nhằm thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch, vừa hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó các bộ, ngành, địa phương cần tập trung ưu tiên toàn lực triển khai chương trình phòng, chống dịch Covid-19, chuẩn bị sẵn sàng phương án, nguồn lực ứng phó với dịch bệnh, nỗ lực kiểm soát dịch bệnh; tăng cường chỉ đạo, điều hành đảm bảo hoạt động sản xuất - kinh doanh; theo dõi chặt chẽ tình hình biến động giá cả, thị trường, điều hành cung ứng và luân chuyển hàng hoá để đáp ứng nhu cầu, kiểm soát giá cả, thị trường.

Lạc quan về triển vọng tăng trưởng cuối năm

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế cho rằng, những tháng cuối năm các gói hỗ trợ nền kinh tế cần được tổ chức và triển khai tốt, giúp các hoạt động sản xuất kinh doanh hồi phục nhanh, từ đó tạo điều kiện cho thu hút đầu tư trong và ngoài nước.

Đối với áp lực về sức ép kìm chế lạm phát, ông Lộc cho rằng, cần duy trì được đà tăng trưởng như hiện nay và phối hợp được các chính sách tài khóa, tiền tệ một cách khá nhuần nhuyễn như thời gian mấy năm qua.

Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù áp lực lạm phát trên thế giới đang rất cao, nhưng ở trong nước, phục hồi nền kinh tế cũng cần có một quá trình, tổng cầu trong nền kinh tế cũng không thể tăng một cách đột biến, nên áp lực lạm phát sẽ không quá lớn. Trên thực tế, trong quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam chậm hơn so với thế giới một nhịp nên hiện quá trình phục hồi mới chỉ bắt đầu, việc thực hiện các chính sách nới lỏng tài khóa, tiền tệ cần tiếp tục. Với kinh nghiệm trong điều hành, chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được mục tiêu kiềm chế lạm phát trong năm nay.

Lạc quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế của năm, theo các chuyên gia của HSBC, Việt Nam sẽ lấy lại mức tăng trưởng ổn định 6,2% trong năm 2022, nhưng sẽ đối mặt với lạm phát cao hơn ở mức 3,7% và một lần nữa đối mặt với thâm hụt tài khoản vãng lai ở mức 0,2% GDP. Bên cạnh những khó khăn thì kinh tế Việt Nam vẫn còn nhiều điểm sáng như: động lực tăng trưởng bên ngoài vững vàng. Nhất là việc mở cửa du lịch cho sự phục hồi của ngành dịch vụ, kích thích tăng trưởng.

Trong bối cảnh kinh tế như vậy, giới chuyên gia nhận định, nhiều khả năng Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia tăng trưởng vượt bậc trong khu vực.

Đối với ngành Tài chính, trong quản lý điều hành, việc đẩy mạnh tăng thu ở những lĩnh vực còn dư địa, đồng thời siết chặt kỷ cương kỷ luật ngân sách, tăng cường chống chất thu thuế được coi là một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu. Cụ thể, ngành Tài chính tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, chuyển giá, gian lận thương mại, trốn lậu thuế, nhất là đối với các hình thức kinh doanh qua mạng, thương mại điện tử, quảng cáo trên mạng...; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế; quản lý chặt chẽ hoàn thuế; quyết liệt xử lý, thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu NSNN so dự toán.

Trong bối cảnh, tình hình diễn biến của dịch bệnh còn phức tạp, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục theo dõi, bám sát tình hình thực tiễn để có phương án chủ động điều hành, ứng phó kịp thời; phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2022 đã đề ra.