Chủ động các giải pháp phòng vệ thương mại tại thị trường FTA
Nguồn: Trung tâm WTO và Hội nhập. Đồ họa: Phương Anh

Hơn 200 vụ việc bị điều tra

Các chuyên gia kinh tế, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp đều có chung một nhận định, Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, nhiều mặt hàng xuất khẩu đang trên đà tăng trưởng mạnh. Đây là một lợi thế, tuy nhiên, đồng nghĩa hàng Việt bị đối diện trước các vụ kiện phòng vệ thương mại (PVTM).

Theo số liệu của Bộ Công thương, thống kê đến thời điểm này, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã đối diện với 234 vụ việc điều tra PVTM tại 24 thị trường khác nhau. Đặc biệt, thời gian gần đây, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp PVTM với Việt Nam có xu hướng gia tăng, nhất là thị trường Hoa Kỳ (thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn nhất của Việt Nam).

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra cảnh báo các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hoá Việt Nam gia tăng mạnh khi kim ngạch xuất khẩu hàng Việt tăng nhanh, trong đó có cả việc áp thuế carbon.

Thống kê của Trung tâm WTO và Hội nhập cho thấy, số lượng các vụ việc PVTM ở trong vài năm trở lại đây tăng nhanh hơn nhiều so với giai đoạn trước. Từ năm 2017 đến nay số lượng vụ việc PVTM mà hàng hóa xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt ở các thị trường nước ngoài chiếm tới trên 52% tổng số vụ việc PVTM mà Việt Nam đã đối mặt trong hơn 30 năm qua.

Trong đó, số vụ việc chống lẩn tránh biện pháp PVTM mà Việt Nam bị kiện từ năm 2017 đến nay chiếm tới gần 60% tổng số vụ kiện chống lẩn tránh mà chúng ta đã phải đối diện từ trước đến nay.

Về cơ cấu mặt hàng, bà Nguyễn Thu Trang và các chuyên gia kinh tế cũng chia sẻ, danh mục các mặt hàng, ngành hàng bị kiện PVTM đã mở rộng hơn nhiều. Trước đây chỉ ở những thị trường xuất khẩu trọng điểm chúng ta mới bị kiện PVTM, nhưng đến nay thì có thể thấy là các thị trường khác, kể cả những thị trường mới của Việt Nam, có số vụ việc PVTM cũng chiếm tỷ lệ rất lớn. Các thị trường gia tăng kiện PVTM để chống lại sức ép của hàng hóa nhập khẩu.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Vũ Văn Phụ - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm Việt Nam cho biết, ngành nhôm đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây và các doanh nghiệp ngành nhôm cũng tận dụng tối đa các lợi thế của các FTA, đặc biệt là CPTPP với các thị trường như: Canada, Nhật Bản và các thị trường tiềm năng như châu Mỹ hoặc châu Úc, Nam Mỹ...

Song hành cùng với cơ hội, hàng hóa Việt đã và đang đối mặt với xu hướng nhiều thành viên CPTPP đề nghị điều tra, áp dụng biện pháp PVTM đối với hàng hoá Việt Nam. “Tăng trưởng xuất khẩu nhanh, những doanh nghiệp ngành nhôm cũng bị rất nhiều các rủi ro về PVTM. Điển hình là trong năm 2023 ngành nhôm cũng đã phải đối diện với 3 vụ việc đến từ Hoa Kỳ…” - ông Vũ Văn Phụ nói.

Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó

Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo - Ảnh 1.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phòng tránh rủi ro PVTM, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho biết, đơn vị luôn chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các giải pháp PVTM. Cập nhật thường xuyên các cảnh báo sớm về PVTM.

Bảo vệ thành công quyền lợi doanh nghiệp

Theo ông Chu Thắng Trung, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đã đem lại những kết quả tích cực, ghi nhận nhiều vụ việc Việt Nam thành công trong việc chứng minh doanh nghiệp không bán phá giá hay Chính phủ không trợ cấp, không can thiệp vào thị trường để tạo lợi thế bất bình đẳng cho doanh nghiệp xuất khẩu.

Trong đó, đáng chú ý có 4 vụ việc liên quan đến các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam là pin năng lượng mặt trời, dây cáp nhôm, bánh xe kéo bằng thép, thép không gỉ cán nguội.

Hiện nay, Bộ Công thương cũng công bố danh sách 18 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra PVTM, trong đó có đến 17/18 mặt hàng là xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Trong đó, đáng chú ý có 4 vụ việc liên quan đến các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam là pin năng lượng mặt trời, dây cáp nhôm, bánh xe kéo bằng thép, thép không gỉ cán nguội.

Trong bối cảnh này, Bộ Công thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu xử lý hiệu quả các vụ việc PVTM nước ngoài thông qua các hoạt động đa dạng.

Cụ thể, với các thị trường mới, Bộ Công thương đã có những đề án chuyên sâu về PVTM, xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để thành lập những đề án trong rất nhiều năm với cái nhìn dài hạn nhằm phổ cập những kiến thức chung về phòng vệ thương mại.

Những năm tới, Bộ Công thương sẽ giới hạn các nhóm đối tượng và sẽ thực hiện những buổi đào tạo nâng cao nhận thức một cách chuyên sâu hơn để các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp không có đủ nguồn lực tự nghiên cứu sẽ có cơ hội tham gia.

Ông Chu Thắng Trung khuyến cáo, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu Việt Nam cần có sự chuẩn bị, hướng dẫn về lĩnh vực PVTM để có ứng phó phù hợp trong trường hợp bị các nước thành viên của Hiệp định khởi xướng điều tra áp dụng biện pháp PVTM.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cần tăng cường phổ biến thông tin, cảnh báo sớm về nguy cơ để giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro bị điều tra hoặc hạn chế tối đa tác động của việc bị điều tra phòng vệ thương mại. Qua đó tăng trưởng xuất khẩu bền vững hơn, tận dụng tốt cơ hội từ các FTA trong bối cảnh mới.

Về phía doanh nghiệp, ông Vũ Văn Phụ cho hay, doanh nghiệp cũng luôn chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó với PVTM khi thâm nhập thị trường các FTA.

Doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị, thái độ chủ động, tích cực khi đối diện với các vụ việc, giữ liên hệ chặt chẽ với các hiệp hội ngành và cơ quan chức năng để nhận được sự hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, doanh nghiệp không nên cạnh tranh về giá vì đây là một điều rủi ro rất lớn khi bị điều tra về PVTM.

Cảnh báo sớm, giữ vững lợi thế cho hàng Việt Nam

Để hạn chế rủi ro đối với hàng Việt Nam, Bộ Công thương đã triển khai Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại thực hiện theo Quyết định số 316/QĐ-TTg (ngày 1/3/2020).

Hệ thống này cho phép, cơ quan quản lý quan sát, theo dõi toàn bộ hoạt động trao đổi thương mại giữa các nước trên thế giới đã phát sinh những vụ việc điều tra phòng vệ thương mại nào, với những ngành hàng nào.

Bên cạnh việc thu thập và phân tích các dữ liệu thông tin này, hệ thống cảnh báo sớm cũng dựa thêm vào những nguồn thông tin khác, như thông tin gửi về từ hệ thống hơn 60 thương vụ Việt Nam tại nước ngoài và các đối tác, tổ chức làm trong lĩnh vực phòng vệ thương mại,… liên quan đến nguy cơ, khả năng xảy ra điều tra phòng vệ thương mại, những xung đột giữa hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam với hàng hóa tại thị trường sở tại.

Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương đã cập nhật theo dõi trên 170 mặt hàng, trong đó đưa ra danh sách cảnh báo sớm đối với 18 mặt hàng có nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp PVTM.

Từ đó giúp các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động trong công tác ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài và chủ động xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu, chuẩn bị nguồn lực; xây dựng kế hoạch ứng phó, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực do biện pháp PVTM của nước ngoài gây ra.