CK

Trong nước, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang rút vốn với quy mô rất lớn và nếu không có dòng vốn từ nhà đầu tư cá nhân trong nước, thị trường đã chịu tác động mạnh.

Nhiều chỉ số chứng khoán thế giới đã có tuần điều chỉnh giảm thứ hai liên tiếp, làm nổi lên lo ngại về nguy cơ đạt đỉnh, hoặc ít nhất sẽ điều chỉnh ngắn hạn. Chỉ số S&P500 trong 10 phiên gần nhất đã giảm 2,29%, DJI giảm 2,43%... Chứng khoán Mỹ đang được dự báo có khả năng điều chỉnh và đây là rủi ro cụ thể nhất đối với các thị trường khác, trong đó có chứng khoán Việt Nam.

Về tổng thể VN-Index từ đầu năm 2021 đến nay vẫn có mối tương quan tốt với chỉ số đại diện chứng khoán Mỹ S&P500. Cụ thể, tính từ đầu năm, VN-Index tăng hơn 20% thì S&P500 cũng tăng xấp xỉ 20%. Tuy nhiên từ đầu tháng 7 đến hết tháng 8, chứng khoán Việt Nam đã mối tương quan ngược với chứng khoán Mỹ. Cụ thể, trong khi S&P500 vẫn tăng 3,91% thì VN-Index đã giảm 6,25%.

Các chỉ số đại diện của thị trường Mỹ đạt đỉnh từ đầu tháng 9 và đang trên đà đi xuống như mới nói ở trên. Ngược lại, VN-Index nửa đầu tháng 9 lại tăng 1,59%. Đây là yếu tố tạo nên kỳ vọng ảnh hưởng nếu có từ các thị trường khác sẽ ít tác động đến Việt Nam. Khả năng duy trì mối tương quan ngược này cần thời gian để chứng minh, nhưng cũng có nhiều yếu tố khác biệt trong bối cảnh củng cố kỳ vọng này.

Thứ nhất là mối tương quan ngược chính là cơ hội. Chứng khoán Mỹ điều chỉnh vì đã tăng rất mạnh gần đây. Trong khi đó thị trường Việt Nam lại mới trải qua một đợt điều chỉnh dài và chỉ bắt đầu phục hồi. Nếu như khi chứng khoán Mỹ và thế giới tăng, Việt Nam giảm, thì rất có thể thế giới điều chỉnh, Việt Nam cũng sẽ ít bị ảnh hưởng.

Thứ hai là mức định giá. Chứng khoán Mỹ được gióng hồi chuông cảnh báo đạt đỉnh và điều chỉnh trên cơ sở mức P/E hơn 22 lần, S&P500 thậm chí có P/E hơn 34 lần. Trong khi đó VN-Index đến ngày 17/9 có P/E khoảng 16,3 lần. Do chưa cập nhật kết quả kinh doanh quý 3/2021 – dự kiến có thể không tốt – nên thị trường Việt Nam vẫn được coi là khá rẻ.

sp500
Từ đầu tháng 7 đến nay VN-Index đã đi ngược hướng với S&P500

Thứ ba là ảnh hưởng từ việc phong tỏa chặt chẽ để kiểm soát dịch bệnh Covid-19 đang đi đến hồi kết. Các hoạt động kinh tế trong nước dự kiến được khởi động trở lại từng bước. Đây là yếu tố đặc thù ngắn hạn của chứng khoán Việt Nam có khả năng tác động mạnh đến tâm lý và kỳ vọng của nhà đầu tư.

Có điều thị trường chứng khoán đã chứng minh là, hiện tại không quan trọng bằng kỳ vọng. Điều này rõ nhất là năm 2020 khi dịch bệnh lan tràn nhưng chứng khoán toàn cầu vẫn bỏ qua con số hàng ngàn ca tử vong mỗi ngày. Nhà đầu tư hoàn toàn ý thức được việc giãn cách xã hội trong quý 3 đã đóng băng nhiều hoạt động sản xuất, giao thương nên lợi nhuận quý 3 sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên thị trường chứng khoán Việt Nam lại chỉ điều chỉnh mạnh nhất giai đoạn nửa đầu tháng 7 và từ khi chạm đáy đến nay, thị trường duy trì đi ngang và không giảm thêm. Điều đó cũng có nghĩa là nhà đầu tư đã bỏ qua những ảnh hưởng sẽ xuất hiện lên báo cáo tài chính quý 3 tới đây.

Liên quan đến dòng tiền, nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang duy trì chuỗi tháng bán ròng liên tục cực mạnh. Trong tháng 8 vừa qua, tổng giá trị rút vốn ròng trên thị trường cổ phiếu HoSE lên tới trên 7 ngàn tỷ đồng, chưa kể các chứng chỉ quỹ ETF nội cũng bị rút vốn ròng xấp xỉ 710 tỷ đồng nữa. Từ đầu tháng 9 đến nay, tổng hợp các giao dịch rút vốn của khối ngoại trên sàn HoSE lại thêm -7.708 tỷ đồng nữa.

Hoạt động bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài không mới vì đã kéo dài suốt từ năm ngoái. Bình thường cường độ bán như vậy sẽ làm khuynh đảo thị trường, nhưng hiện tỷ trọng giao dịch của khối ngoại ngày càng nhỏ lại, do dòng vốn trong nước tăng lên. Cụ thể, hồi tháng 1 năm nay, tỷ trọng giải ngân hàng ngày của nhà đầu tư nước ngoài đâu đó 10% giá trị sàn HoSE. Từ tháng 8 đến nay tỷ trọng này co lại còn khoảng 6%/phiên. Vì vậy hoàn toàn có thể trông đợi nguồn nội lực trong nước sẽ tạo sự khác biệt nếu chứng khoán thế giới tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn.

Trọng Nghĩa