Chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa để tạo bước đột phá trong quản lý quỹ
Lĩnh vực quản lý quỹ còn nhiều dư địa để phát triển. Ảnh: Duy Dũng

Khó khăn dần được tháo gỡ, thị trường tích cực trở lại

Thông tin Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC), tính tới thời điểm cuối tháng 10/2023, VSDC đang cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho 53 quỹ mở, tăng 12 quỹ mở so với cuối năm 2022. Cơ cấu 53 quỹ mở bao gồm 25 quỹ đầu tư cổ phiếu, 23 quỹ đầu tư trái phiếu và 5 quỹ đầu tư cân bằng.

Số lượng tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ mở tiếp tục tăng trưởng, đạt 1.197.212 tài khoản tính tới cuối tháng 9/2023, tăng +29,8% so với cuối năm 2022.

VSDC cũng cung cấp dịch vụ đại lý chuyển nhượng cho 14 quỹ ETF, tăng 3 quỹ so với năm 2022. Tính tới hết tháng 9/2023, VSDC thực hiện 2.107 phiên giao dịch hoán đổi ETF sơ cấp, tổng số lượng chứng chỉ quỹ phát hành là 1.072 triệu chứng chỉ quỹ và tổng số lượng chứng chỉ quỹ mua lại là 696 triệu chứng chỉ quỹ. Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ ETF tới ngày 30/9/2023 đạt gần 33.479 tỷ đồng, tăng 21,9% so với mức 27,4 ngàn tỷ đồng cùng kỳ 2022. VSDC đang cung cấp dịch vụ cho 3 quỹ đóng, với tổng số lượng 44.960.800 chứng chỉ quỹ.

Trong mảng dịch vụ dành cho quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện, VSDC hiện đang cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản hưu trí cá nhân cho 7 quỹ hưu trí thuộc chương trình của 4 công ty quản lý quỹ. Tổng số tài khoản hưu trí cá nhân tăng từ 1.699 tài khoản cuối năm 2022 lên 21.971 tài khoản tính tới ngày 31/10/2023.

Đánh giá về lĩnh vực quản lý quỹ, ông Dương Văn Thanh - Tổng Giám đốc VSDC cho rằng, trong năm 2023, mặc dù tổng tài sản quản lý của các quỹ đầu tư có giảm nhẹ so với cuối năm 2022, nhưng rất nhiều thách thức khó khăn đã dần được tháo gỡ. Theo đó, mức độ tăng trưởng tài khoản giao dịch và số lượng các quỹ mở mới và đi vào hoạt động vẫn đang tiếp tục mở rộng. Dự kiến sang năm 2024, VSDC sẽ tiếp tục mở rộng dịch vụ cho các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện - đây là mảng thị trường được đánh giá là sẽ có nhiều đột biến về số lượng tài khoản sử dụng dịch vụ.

Tại Hội nghị tổng kết hoạt động cung cấp dịch vụ quỹ năm 2023 mới tổ chức gần đây, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) Lương Hải Sinh cũng đánh giá rằng, thị trường chứng chỉ quỹ đầu tư đang tiếp tục mở rộng và tăng trưởng, phát huy vai trò kết nối giữa nhà đầu tư với thị trường, huy động được nguồn vốn dài hạn, ổn định để phát triển thị trường chứng khoán (TTCK).

Tuy vậy, cũng theo Lãnh đạo UBCKNN, với tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ đầu tư chứng khoán mới chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với GDP, số lượng nhà đầu tư tham gia mới chiếm 250 nghìn nhà đầu tư, chiếm 0,25% dân số, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực… nên lĩnh vực quản lý quỹ của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa phát triển trong thời gian tới.

Chuyển đổi số mạnh hơn

Chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa để tạo bước đột phá trong quản lý quỹ
Chuyển đối số mạnh mẽ hơn nữa để tạo bước đột phá trong quản lý quỹ

Nhiều ý kiến cho rằng, sự tham gia của các nhà đầu tư cá nhân tăng trong vài năm gần đây, cũng như tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) ở các ngân hàng liên tục duy trì ở mức cao cho thấy dòng tiền nhàn rỗi có thể được tối ưu hơn cho khách hàng bằng các sản phẩm mới. Khách hàng của các công ty quản lý quỹ cũng đang có sự chuyển biến lớn, với xu hướng trẻ hơn, đa dạng hơn, yêu cầu cao hơn và ưa thích giao dịch online. Trong xu hướng này, các công ty quản lý quỹ cần tập trung vào việc ứng dụng giải pháp công nghệ, phát triển sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu mới.

Theo đó, nhiều ý kiến cũng khẳng định chuyển đổi số là hướng đi cần thiết với lĩnh vực quản lý quỹ. Cùng với đó, các công ty quản lý quỹ cũng cần đa dạng hóa sản phẩm đầu tư, bên cạnh các loại hình quỹ đầu tư truyền thống là các loại hình như quỹ bất động sản, quỹ hỗn hợp, quỹ hưu trí, quỹ công nghệ, quỹ mạo hiểm, quỹ trái phiếu xanh, quỹ Môi trường - Xã hội - Quản trị (ESG)...

Theo ông Nguyễn Sơn - Phụ trách Hội đồng thành viên VSDC, năm 2023, lĩnh vực quản lý quỹ đã có bước phát triển và chuẩn bị cho đà tăng trưởng cho những năm tới. Chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý tài sản đang là một xu hướng mới, xu thế toàn cầu để tạo ra những bước đột phá. VSDC cũng đang hướng tới chuyển đổi số, áp dụng ESG vào trong hoạt động lĩnh vực quản lý quỹ.

Phó Chủ tịch UBCKNN Lương Hải Sinh cũng cho rằng, trong thời gian tới, các công ty quản lý quỹ cần ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa trong hoạt động kinh doanh. Phát triển cơ sở nhà đầu tư đa dạng, trong đó chú trọng nhà đầu tư tổ chức, chuyên nghiệp vẫn là một trong 4 trụ cột về giải pháp phát triển TTCK.

Song song với các chính sách phát triển thị trường, UBCKNN sẽ tiếp tục nghiên cứu để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực quản lý quỹ; tục rà soát, hoàn thiện khung pháp lý, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam.

Theo đó, tiếp tục nghiên cứu để đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán; ứng dụng chuyển đổi số vào ngành quỹ; đa dạng hóa kênh phân phối chứng chỉ quỹ theo thông lệ; đồng thời kiểm soát, quản trị rủi ro hoạt động quản lý quỹ trong thời kỳ mới - thời kỳ phát triển mạnh mẽ của cuộc cách công nghệ thông tin.

Đồng thời, cùng với việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, các dịch vụ quản lý quỹ; tăng cường công tác quản lý, giám sát nhằm tăng cường niềm tin của nhà đầu tư vào TTCK nói chung, lĩnh vực quản lý quỹ nói riêng.

Bên cạnh đó, thực hiện dài hạn định hướng phát triển một nền tài chính xanh, thúc đẩy đầu tư vốn vào các sản phẩm xanh, gần với các tiêu chuẩn về ESG quốc tế.

Còn nhiều dư địa để phát triển

“Dù đã có bước phát triển và chuẩn bị cho đà tăng trưởng cho những năm tới, song lĩnh vực quản lý quỹ của Việt Nam vẫn còn nhiều dư địa để phát triển trong thời gian tới. Về phía cơ quan quản lý, sẽ tiếp tục sát cánh và hỗ trợ để phát triển lĩnh vực này hơn nữa, hướng đến phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp hỗ trợ TTCK hoạt động ổn định, bền vững” - Phó Chủ tịch UBCKNN Lương Hải Sinh