Phát biểu tại Diễn đàn Công nghiệp sản xuất M-TALKS 2025: “Đổi mới tương lai ngành sản xuất điện tử Việt Nam: Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), tự động hóa và hội nhập chuỗi cung ứng toàn cầu”, diễn ra ngày 2/7, bà Đỗ Thị Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) cho hay, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 29% tổng kim ngạch xuất khẩu.
![]() |
Bà Đỗ Thị Thúy Hương phát biểu về giải pháp ứng phó với tác động thuế quan Hoa Kỳ. Ảnh: Hải Anh |
Hiện, Việt Nam đứng thứ 5 thế giới về xuất khẩu điện tử, máy tính và linh kiện, đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu điện thoại và linh kiện. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu điện tử đạt 134,5 tỷ USD. 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu ngành điện tử tăng trưởng mạnh, đạt 60,8 tỷ USD, tăng 39% so cùng kỳ, giữ vững vị thế ngành mũi nhọn trong cơ cấu xuất khẩu của cả nước. |
Riêng năm 2024, xuất khẩu máy và thiết bị điện tử, thu âm của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 41,7 tỷ USD, chiếm 34,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Trong trường chính sách thuế tăng có thể làm tăng chi phí sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam. Giá nguyên liệu tăng, chi phí sản xuất cũng tăng, ảnh hưởng đến lợi nhuận và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Làm thế nào để ứng phó với tác động thuế quan toàn cầu, bà Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường đám phán; tìm kiếm các giải pháp vận chuyển tiết kiệm như hợp tác với các hãng tàu lớn hoặc sử dụng cảng trung chuyển chi phí thấp để giảm áp lực chi phí trong trường hợp thuế tăng.
Song song, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kịch bản ứng phó với các mức thuế, bằng cách lập kế hoạch tài chính dự phòng, tính toán chi phí tác động của các kịch bản thuế hoặc cao hơn để chuẩn bị nguồn vốn dự phòng, tái cơ cấu chi phí hoặc đàm phán vay vốn với lãi suất ưu đãi; giữ mối liên hệ chặt chẽ với Bộ Công thương, các hiệp hội ngành hàng để nắm bắt thông tin, chính sách, tham gia các chương trình xúc tiến thương mại.
Cùng với đó, các doanh nghiệp cần đa dạng thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 FTA mà Việt Nam đã ký với gần 70 nền kinh tế. Nghiên cứu các thị trường tiềm năng như Ấn Độ, Trung Đông hoặc châu Phi; đầu tư vào nghiên cứu thị trường và xây dựng thương hiệu tại các thị trường mới.
Giải pháp quan trọng nữa là các doanh nghiệp cũng cần tái cơ cấu sản xuất và nâng cao giá trị gia tăng. Theo đó, cần đầu tư vào công nghệ và sản phẩm xanh, chuyển đổi sản xuất theo hướng bền vững như sử dụng năng lượng tái tạo, vật liệu thân thiện môi trường để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của Hoa Kỳ và các thị trường phát triển./.
Theo bà Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng, Việt Nam cần đẩy mạnh cải cách nội tại, bao gồm đầu tư vào R&D, đào tạo nhân lực kỹ năng cao, đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Nâng cao năng lực cạnh tranh, ngành điện tử Việt Nam có thể vượt qua khó khăn và củng cố vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. |