Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu - một trong những ngôi trường được xây dựng bằng NSNN

Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lai Châu - một trong những ngôi trường được xây dựng bằng NSNN.

Bộ Tài chính cho rằng, rất cần các bộ, ngành, địa phương phối hợp huy động các nguồn lực tài chính khác hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, cải thiện đời sống xã hội.

Khoảng 230 nghìn tỷ đồng hỗ trợ từ nguồn NSNN

Chính sách dân tộc luôn được Đảng và Nhà nước ưu tiên để đảm bảo phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ngày 14/1/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/NĐ-CP về công tác dân tộc giai đoạn 2011 - 2015. Đây là văn bản có tính pháp lý cao nhất trong quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tài chính và trên cơ sở nhiệm vụ được giao tại Nghị định này, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành ban hành 19 văn bản quy phạm pháp luật và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 16 văn bản pháp luật.

Những văn bản pháp luật chủ yếu là Nghị định về miễn, giảm lệ phí trước bạ đối với nhà ở, đất ở và miễn thuế đối với thu nhập dạy nghề, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp dành riêng cho người dân tộc thiểu số; giảm thuế đối với doanh nghiệp sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số, doanh nghiệp thực hiện chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng trình Thủ tướng ban hành chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường trên các địa bàn khó khăn, tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân, thực hiện định canh, định cư cho đồng bào dân tộc…

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2011- 2015, NSNN đã bố trí vốn thực hiện các chính sách an sinh xã hội (ASXH) khoảng 230 nghìn tỷ đồng, trong đó bao gồm đối tượng thụ hưởng là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm khoảng 5% so với tổng chi NSNN. Ngoài ra, đã thực hiện bố trí 1.102 tỷ đồng để thực hiện chính sách vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Huy động thêm nguồn lực ngoài ngân sách

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn về công tác dân tộc trong lĩnh vực tài chính đảm bảo kịp thời, đầy đủ, tạo hành lang pháp lý trong việc kiểm soát chi tiêu cho công tác dân tộc; đảm bảo trong khả năng cân đối ngân sách để thực hiện các chính sách, chế độ hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển ở vùng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn.

Mặc dù vậy, những năm qua điều kiện thu NSNN khó khăn, trong khi phải thực hiện đồng bộ giải pháp vừa đầu tư phát triển kinh tế tạo nguồn thu cho NSNN, đảm bảo an ninh quốc phòng, vừa phải bố trí nguồn lực tài chính hợp lý để thực hiện các chính sách an sinh xã hội, trong đó có các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số nên nguồn tài chính vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ các yêu cầu.

Bên cạnh đó, việc huy động các nguồn lực tài chính từ doanh nghiệp, ngân sách địa phương và các tổ chức, cá nhân khác còn rất hạn chế so với phương án chính sách đề ra. Các bộ, ngành khi xây dựng chính sách chưa có sự phối hợp chặt chẽ dẫn đến còn chồng chéo, như tại chính sách hỗ trợ học nghề; chính sách tín dụng ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số...

Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ tình hình thực hiện các chính sách dân tộc thiểu số trên địa bàn, đánh giá, xác định những chính sách cần tiếp tục thực hiện, những chính sách cần sửa đổi, bổ sung, từ đó đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách cho phù hợp với yêu cầu thực tế; trong đó, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, chính sách phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, trợ giúp pháp lý, thông tin, truyền thông, bảo vệ môi trường… Đồng thời, xây dựng hoàn thiện cơ chế khuyến khích, huy động nguồn lực từ người dân và cộng đồng cho công tác hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, giảm nghèo. Đổi mới hình thức hỗ trợ chuyển dần từ bao cấp toàn bộ sang đồng chia sẻ về kinh phí. Các địa phương cũng cần ưu tiên bố trí ngân sách địa phương và các nguồn lực khác để cùng nguồn lực ngân sách trung ương hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số.

Bộ Tài chính cũng yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn thực hiện chính sách dân tộc, đảm bảo các chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đến với người dân đầy đủ, kịp thời; sử dụng kinh phí đúng mục đích, tiết kiệm hiệu quả; hạn chế tình trạng vốn bố trí trong năm không sử dụng hết phải chuyển nguồn năm sau.

Trong giai đoạn 2011 - 2015 NSNN đã hỗ trợ Chương trình 135 khoảng 15.798 tỷ đồng; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn là 2.127,6 tỷ đồng; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở cho người dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long là 578 tỷ đồng; hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư là 2.076 tỷ đồng; hỗ trợ gạo cho học sinh gồm 163.940 tấn gạo, tương đương 1.639 tỷ đồng; kinh phí khám chữa bệnh cho người nghèo, người dân tộc thiểu số và trẻ em dưới 6 tuổi khoảng 61.255 tỷ đồng.

Bộ Tài chínhh

Hoàng Minh