7 trợ lực quan trọng

Tại hội thảo “Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024”, do CafeF tổ chức ngày 26/3 tại Hà Nội, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho biết Việt Nam đang có 7 trợ lực quan trọng cho thị trường trong năm nay.

Đó là kinh tế thế giới và Việt Nam đang phục hồi nhưng lạm phát giảm nhanh và lãi suất thế giới bắt đầu giảm. Đối với Việt Nam, dự báo năm 2024-2025 sẽ tốt hơn. Lạm phát tăng trong mục tiêu và lãi suất còn giảm nhẹ, tỷ giá sẽ ổn định hơn. Bên cạnh đó, triển vọng và xu hướng thị trường tích cực, nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đã qua giai đoạn khó khăn nhất và khả năng tiếp cận vốn được duy trì.

Ngoài ra, vướng mắc về pháp lý dần được tháo gỡ; thể chế được quan tâm hoàn thiện; niềm tin kinh doanh phục hồi, dù còn chậm. Cuối cùng, khả năng huy động vốn và nguồn lực đầu tư - kinh doanh dễ dàng hơn, vay vốn lãi suất thấp hơn, thanh khoản thị trường tốt hơn.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp từ những chuyển biến vĩ mô tích cực?
TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Mai Tấn

Còn theo TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia, dù kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn, chưa đạt được mức tăng trưởng trung bình trong nhiều năm qua, nhưng vẫn có một số điểm tốt. Cụ thể, nguy cơ suy thoái của các đối tác thương mại tài chính, đầu tư lớn nhất của Việt Nam thấp; lạm phát giảm nhanh nên áp lực lên chính sách tiền tệ sẽ giảm. Bên cạnh đó, các xu thế như số hoá, xanh, công nghệ... đang phát triển rất mạnh mẽ; Việt Nam là nước được hưởng lợi lớn nhất vì sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trong khi khu vực châu Á chứng kiến sự sụt giảm vốn FDI: các quốc gia lớn như Trung Quốc giảm 6%, Ấn Độ giảm 47% và khu vực ASEAN giảm 16%, Việt Nam lại là một ngoại lệ với mức tăng 32%, tổng vốn đăng ký hơn 36 tỷ USD, trong đó trên 3.100 dự án FDI mới.

Dưới góc độ ngân hàng, ông Ngô Tấn Long - Phó Tổng giám đốc ACB, phụ trách khối khách hàng, cũng nhận định, FDI được xem là một điểm sáng, động lực quan trọng góp phần phục hồi kinh tế Việt Nam năm 2024.

Lũy kế đến hiện tại, có đến hơn 49.000 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. Với nhu cầu đa dạng hoá chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất đa quốc gia, nền tảng kinh tế chính trị xã hội ổn định, lao động có trình độ năng lực... dự kiến vốn đầu tư FDI vào Việt Nam trong năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực.

Kinh tế số tăng trưởng mạnh mẽ trên 20% mỗi năm

Cũng theo ông Long, với những con số ấn tượng trên cho thấy, các ngân hàng Việt sẽ có nhiều cơ hội hơn trong cung cấp các dịch vụ tài chính ngân hàng cho doanh nghiệp FDI. Hiện nay, các ngân hàng Việt đã đầu tư nguồn lực, công nghệ cũng như các chính sách phù hợp cho phân khúc FDI nhằm đồng hành lâu dài cùng sự phát triển của các doanh nghiệp này tại Việt Nam. Đặc biệt, nhóm doanh nghiệp FDI quy mô vừa có doanh thu từ 50 triệu USD hàng năm trở xuống có địa bàn hoạt động trải dài nhiều tỉnh thành sẽ rất phù hợp khi có mối quan hệ hợp tác với ngân hàng Việt.

“Với lợi thế am hiểu địa bàn, thị trường, văn hóa, con người Việt Nam và mạng lưới hoạt động rộng, các ngân hàng nội đang dần trở thành đối tác tin cậy của doanh nghiệp FDI khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam” - ông Long chia sẻ.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp từ những chuyển biến vĩ mô tích cực?
Các diễn giả chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Mai Tấn

Còn bà Đào Thị Thiên Hương - Phó Tổng giám đốc EY-Parthenon - Tư vấn chiến lược, Công ty CP Tư vấn EY Việt Nam, cho rằng bất chấp khó khăn, nền kinh tế số tăng trưởng vẫn mạnh mẽ trên 20% mỗi năm và sẽ tiếp tục xu hướng này đến năm 2030.

Một trong những trọng tâm của nền kinh tế số là thương mại điện tử đang có đà tăng trưởng trên 25% trong 5 năm qua và sẽ tăng trưởng trên 20% trong 5 năm tới. Thương mại điện tử đi kèm với đó, logistics phục vụ cho mảng này cũng phát triển.

Bà Đỗ Thụy Như Thùy - Giám đốc toàn quốc Khối Quản lý thanh toán và tiền tệ toàn cầu, HSBC Việt Nam, nêu quan điểm Việt Nam có vị trí kề bên một nước láng giềng có nguồn lực lớn, đó cũng là lợi thế rất tốt cho nhà đầu tư quan tâm tới.

Bà Thuỳ phân tích, không chỉ doanh nghiệp FDI mà tất cả doanh nghiệp quyết định đầu tư vào một nơi nào đó sẽ nhìn đầu tiên là các yếu tố kinh tế vĩ mô có ổn định hay không. Theo đó, thị trường Việt Nam đang có một nền kinh tế mở. Đây là yếu tố mà Việt Nam sở hữu khiến nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Ngoài ra, chính sách thu hút đầu tư, chi phí, chất lượng nhân lực, công nghệ… hiện có cũng là các yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài./.

Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết quay trở lại xu hướng tăng

Theo các chuyên gia, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết quay trở lại xu hướng tăng trưởng kể từ quý IV/2023. Các ngành chịu ảnh hưởng bởi biến động giá hàng hóa như vật liệu xây dựng, nông sản và xuất khẩu được kỳ vọng tăng trưởng khả quan nhờ kinh tế toàn cầu phục hồi.

Trong khi đó, tăng trưởng lợi nhuận của nhóm ngân hàng có thể được cải thiện trong năm 2024 nhờ triển vọng tín dụng tích cực hơn. Các nhóm ngành như sản xuất ứng dụng công nghệ cao, logistic, hạ tầng giao thông/năng lượng, công nghệ, tiêu dùng/bán lẻ được đánh giá có triển vọng tăng trưởng giá trị vốn hóa trong giai đoạn tới.