Hỗ trợ hàng nghìn doanh nghiệp bán hàng qua mạng

Tại hội thảo tuyên truyền, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trên sàn thương mại điện tử (TMĐT) diễn ra ngày 15/9, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước đã đề cập đến thành công, thách thức và giải pháp thúc đẩy tiêu thụ nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân.

Còn nhiều dư địa tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử
Hội thảo thu hút được đông đảo doanh nghiệp, hộ sản xuất nông sản đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước đến học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm bán hàng thông qua TMĐT. Ảnh: Hải Anh
Nhiều sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo như vải thiều Lục Ngạn, cam Cao Phong, chè Shan Tuyết, mận tam hoa Bắc Hà, mật ong bạc hà Hà Giang hay nước mắm Phan Thiết... đã được đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh TMĐT, mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh và giảm sự phụ thuộc vào phương thức bán hàng truyền thống.

Bà Việt Nga cho hay, thực hiện Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn II (từ năm 2021 - 2025) tại Quyết định số 1162/QĐ-TTg và Quyết định số 1034/QĐ-BTTTT (ngày 21/7/2021) của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc tiêu thụ nông sản trên sàn TMĐT, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp, nông thôn bước đầu gặt hái được kết quả tích cực.

Trong thời gian qua, nhiều hoạt động phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương với những nền tảng TMĐT lớn như Sendo, Voso, Tiki, Shopee, Lazada hay Postmart… đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hoá trên TMĐT.

Minh chứng hiệu quả của TMĐT, bà Tô Thị Ngọc Hoa, đại diện sàn giao dịch TMĐT Postmart cho hay, sàn giao dịch TMĐT Postmart.vn, thuộc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam đã có 5,4 triệu tài khoản người mua, bán; hơn 668.000 nhà cung cấp tham gia bán hàng trên sàn; hơn 152.000 sản phẩm được kinh doanh trên sàn, xấp xỉ đạt 1,3 triệu giao dịch phát sinh, đồng thời có hơn 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng kinh doanh trên sàn TMĐT.

Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đến 2025

Tại hội thảo, ông Hoàng Văn Dự - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp cho hay, nhờ TMĐT, các sản phẩm này đã tiêu thụ khá tốt ngay tại thị trường trong nước, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. “Việc chúng ta đẩy mạnh tuyên truyền, tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa trên sàn TMĐT đã và đang giúp góp phần mở thị trường tiêu thụ các sản phẩm này tới với người tiêu dùng trong và ngoài nước” - ông Văn Dự nhấn mạnh.

Đồng thuận với quan điểm nêu trên, theo bà Việt Nga, tiếp nối thành công của giai đoạn I, Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo trong giai đoạn II (từ năm 2021 - 2025) được phê duyệt tại Quyết định số 1162/QĐ-TTg, các bộ, ngành, địa phương sẽ ưu tiên đẩy mạnh TMĐT.

Cụ thể là xây dựng và phát triển hệ thống phân phối sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thu hẹp khoảng cách về phát triển thương mại của khu vực này với các vùng miền khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân.

Phạm vi áp dụng của Chương trình bao gồm 287 huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo thuộc 48 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đây là những địa bàn gặp nhiều khó khăn về vị trí địa lý, hạ tầng cơ sở, trình độ lao động và quy mô thị trường.

Còn nhiều dư địa tiêu thụ nông sản qua kênh thương mại điện tử
Chị Thùy Dung (thứ 2 bên phải) kết hợp cùng Học viện Eco Academy tham gia hướng dẫn và trực tiếp livestream cùng các bạn thanh niên và bà con tại huyện Sơn Động - Bắc Giang. Ảnh: Nguyễn Vân

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, chị Phạm Thị Thùy Dung (Học viện Eco Academy) khẳng định, TMĐT đang là xu hướng của thời đại và đây là một kênh bán hàng tiềm năng cho bà con nông dân trên mọi miền của Tổ quốc. Thông qua đó, nông sản đặc sản sẽ có thể nhanh chóng chuyển từ nơi có sản lượng nhiều, nhu cầu ít, đến tay người tiêu dùng trên toàn quốc. Điều này không chỉ giúp bà con nông dân bán được hàng, mà còn giúp bà con giảm bớt gánh nặng được mùa mất giá.

Chị Thùy Dung dẫn chứng, trong một dịp về thăm người thân ở Bắc Giang, thấy bà con người dân ở đây sản xuất măng ngâm rất ngon, bán có 35.000 đồng - 50.000 đồng/hộp mà không có ai mua, rất khó bán. Thùy Dung nảy ra ý tưởng, livestream bán măng ngâm giúp bà con. Sau 30 phút bà con đã bán được 2 triệu đồng. Số tiền này không lớn nhưng bằng doanh thu cả tháng bán măng của bà con nơi đây.

"Cầm tay chỉ việc" giúp bà con nông dân giới thiệu sản phẩm qua mạng

Theo chị Thùy Dung, xuất phát từ thành công ban đầu, chị và cộng sự tham gia hỗ trợ bà con bán nông sản trên sàn TMĐT nhiều hơn. Chúng tôi kết hợp với các chương trình của các bộ, các hội doanh nhân trẻ của các tỉnh, tham gia hướng dẫn bà con từ cách chụp ảnh sản phẩm, đến cách đăng ký thông tin và hiểu về các quy định của các sàn. Đồng thời, hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, giúp bà con và các bạn thanh niên livestream bán hàng trên các nền tảng TMĐT.