Phát huy vai trò của cộng đồng dân cư
Ông Nguyễn Hưng Thịnh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đánh giá, so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, luật mới có những điểm mang tính đột phá chính như lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính...
“Bên cạnh đó, luật đã thể chế hóa kịp thời nhiều chủ trương mới của Đảng, Nhà nước liên quan đến bảo vệ môi trường, tiếp cận hài hòa với luật quốc tế, sửa đổi nhiều nội dung về quản lý chất lượng môi trường phù hợp với tình hình thực tiễn, hướng tới bảo vệ sức khỏe người dân” – ông Thịnh nhấn mạnh.
![]() |
Đổi rác lấy quà cách làm hay để bảo vệ môi trường. Ảnh: Đức Cảnh |
Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Môi trường, đây là lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định như một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Với quy định này, Luật Bảo vệ môi trường 2020 kỳ vọng sẽ góp phần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng dân cư để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
Cụ thể là phát huy tính đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau vì quyền lợi chung, sự sáng tạo và duy trì các sáng kiến gắn với địa bàn, lòng tự hào về truyền thống của làng xóm, quê hương của cộng đồng dân cư đối với công tác bảo vệ môi trường. Qua đó sẽ hình thành, thúc đẩy và duy trì hiệu quả các mô hình chung tay bảo vệ môi trường ngay tại cơ sở như mô hình đường làng, ngõ xóm xanh - sạch - đẹp, phân loại rác tại nguồn; bảo vệ môi trường trong hương ước…
Sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ môi trường không chỉ tạo thêm nguồn lực tại chỗ cho công tác này mà còn là lực lượng đóng góp, cung cấp thông tin, giám sát môi trường nhanh và hiệu quả, giúp giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường ngay từ khi mới xuất hiện, nhất là các vấn đề môi trường liên quan trực tiếp đến số đông dân cư, ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng như ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước, sự cố môi trường, rác thải…
Việc phát huy vai trò, tạo điều kiện thuận lợi đối với sự tham gia của cộng đồng dân cư cũng nâng cao hiệu quả tham vấn, phản biện và quá trình thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
Nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng dân cư phát huy được vai trò của mình, luật đã xác lập, thể hiện rõ quyền, trách nhiệm của cộng đồng dân cư cũng như quy định rõ các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường. Đặc biệt là luật đã bổ sung quy định thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường. Đồng thời, người dân có thể tham gia giám sát thông qua công nghệ thông tin, tương tác bằng các ứng dụng thông minh trên điện thoại di động.
Tiền đề để thay đổi, bắt kịp với các nước tiên tiến
Cũng theo ông Nguyễn Hưng Thịnh, công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam trong thời gian qua còn có nhiều bất cập từ chính sách, cơ sở hạ tầng cho đến cách thức tổ chức thực hiện. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp còn cao là do chưa chú trọng đến công tác phân loại rác thải tại nguồn.
Tại một số địa phương, các mô hình phân loại rác ở quy mô nhỏ đã được triển khai thí điểm nhưng hiệu quả đạt được không như kỳ vọng do chưa đồng bộ từ hạ tầng tiếp nhận rác sau khi phân loại đến khâu thu gom và cuối cùng là khâu xử lý.
Để khắc phục triệt để các bất cập này, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có quy định đột phá trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Đó là quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay.
Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn. Rác thải sinh hoạt phải được phân làm 3 loại là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng sẽ không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, xử lý. Ông Nguyễn Hưng Thịnh cho rằng, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình và kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới hiện đang thực hiện rất thành công việc thu phí xử lý rác thải qua hình thức bán bao bì, thiết bị đựng rác như Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia phát triển khác.
Về lộ trình thực hiện, luật đã có quy định giao UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương sẽ quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất ngày 31/12/2024.
Do vậy, lộ trình này là do UBND cấp tỉnh quyết định chứ không phải áp dụng cho tất cả các địa phương từ ngày luật có hiệu lực thi hành.
Ông Nguyễn Hưng Thịnh cho hay, để bảo đảm tính khả thi của cơ chế quản lý chất thải rắn sinh hoạt, luật đã đưa ra một số quy định như tại các điểm tập kết rác thải, nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm.
Việc phát hiện vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị - xã hội có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân.
UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ, xử lý hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt.
Về hạ tầng kỹ thuật, luật cũng giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan liên quan để bảo đảm các điều kiện về hạ tầng tốt nhất cho người dân để thực hiện chính sách về phân loại rác như UBND các cấp có trách nhiệm bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải sử dụng thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp với từng loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại. Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các loại chất thải.
“Đây sẽ là tiền đề để thay đổi toàn diện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam hiện nay, sớm bắt kịp với các nước tiên tiến trên thế giới” - ông Thịnh nhấn mạnh./.