Bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam, Phó Trưởng Nhóm công tác chia sẻ, kể từ khi ra mắt năm 2020, NPAP Việt Nam đã kết nối hơn 200 tổ chức và hỗ trợ trên 160 dự án giảm thiểu ô nhiễm nhựa. Sáng kiến này cũng đã thúc đẩy hơn 570 giải pháp sáng tạo, huy động tổng vốn đầu tư hơn 1 triệu USD.
![]() |
Các diễn giả chia sẻ về các giải pháp tuần hoàn nhựa. |
Tại phiên thảo luận kỹ thuật với chủ đề “Từ dữ liệu đến hành động”, các diễn giả đã tập trung thảo luận các phương pháp tiếp cận dựa trên dữ liệu để thúc đẩy các giải pháp kinh tế tuần hoàn nhựa.
Đồng thời, chia sẻ các phân tích chuyên sâu từ dòng vật liệu nhựa, kiểm toán rác thải nhựa đến việc tích hợp khu vực phi chính thức vào hệ thống quản lý chất thải rắn. Từ đó cung cấp những thông tin thực tiễn quan trọng hỗ trợ quá trình hoạch định chính sách và triển khai sáng kiến.
Hội thảo cũng đã góp ý xây dựng Lộ trình tài chính NPAP cho Hành động giảm thiểu ô nhiễm nhựa tại Việt Nam đến năm 2030. Dự kiến ra mắt quý III/2025, lộ trình này hướng tới mục tiêu đánh giá nhu cầu tài chính, xác định các cơ hội đầu tư và đưa ra khuyến nghị nhằm mở khóa nguồn tài chính cho việc giải quyết ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.
Tại sự kiện, Hội nghị Nhóm công tác triển khai Chương trình NPAP Việt Nam lần thứ 6 đã chính thức công bố Nhóm kỹ thuật chính sách - một cơ chế được thiết kế để thúc đẩy sự thống nhất giữa các khuôn khổ pháp lý liên quan đến hành động về nhựa và tính tuần hoàn.
Nhóm kỹ thuật chính sách quy tụ 15 thành viên là các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và đối tác phát triển. Nhóm kỹ thuật sẽ hoạt động chặt chẽ với 2 nhóm kỹ thuật hiện hành của NPAP (Đổi mới sáng tạo và tài chính; Bình đẳng giới và bao trùm xã hội), qua đó củng cố cách tiếp cận tích hợp và toàn diện để giải quyết ô nhiễm nhựa tại Việt Nam.
Bà Clemence Schmid - Giám đốc Chương trình Đối tác hành động toàn cầu về nhựa (GPAP) thuộc Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) chia sẻ: “Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên tiên phong áp dụng mô hình NPAP, là một minh chứng mà sự dẫn dắt từ cấp quốc gia, tinh thần hợp tác đa bên cùng các giải pháp dựa trên dữ liệu và mang tính bao trùm có thể mang lại. Việc thành lập Nhóm kỹ thuật chính sách đã đánh dấu thêm một bước tiến quan trọng trong hành trình của Việt Nam hướng tới nền kinh tế nhựa tuần hoàn, bảo vệ cả con người và hành tinh”.