Chủ trương nhất quán

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh. Điều đó khẳng định chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Việt Nam là quyết tâm ứng phó với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường.

Công nghệ khí hậu ở Việt Nam hứa hẹn nhiều tăng trưởng trong tương lai
Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt và các nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh. Ảnh: Hoàng Dương.

Việc Việt Nam tham gia Hội nghị Thượng đỉnh Hiệp ước Tài chính toàn cầu mới tại Paris (Pháp) vào cuối tháng 6/2023 là tiếp tục sự cam kết mạnh mẽ, nhất quán trong ứng phó biến đổi khí hậu, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam chung tay với cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức toàn cầu.

Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Trước đó, tại Hội nghị COP 26 năm 2021 tổ chức tại London (Anh), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định chính phủ Việt Nam cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050. Cũng tại hội nghị này, Việt Nam đã đưa ra các cam kết với một chương trình nghị sự đầy tham vọng nhằm xây dựng một nền kinh tế carbon thấp bằng cách ngừng xây dựng các nhà máy sử dụng năng lượng than và chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Tại Hội nghị COP 27, tổ chức tại Ai Cập vào cuối năm 2022, các quốc gia tham dự (trong đó có Việt Nam) đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ rằng, thế giới cần khẩn thiết hành động trước thời điểm không thể thay đổi về khí hậu.

Đó đều là những khẳng định của Việt Nam về việc xác định tăng trưởng xanh là một chiến lược quan trọng nhằm hướng đến phát triển bền vững. Những cam kết này sẽ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nước, đồng thời cũng đóng góp cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với biến đổi khí hậu.

Hứa hẹn nhiều tăng trưởng

Theo báo cáo tại buổi công bố “Báo cáo đầu tư khởi nghiệp công nghệ khí hậu tại Việt Nam 2024”, do New Energy Nexus Vietnam và Clickable Impact Consulting Group tổ chức ngày 30/9/2024, tại TP. Hồ Chí Minh, lĩnh vực công nghệ khí hậu ở Việt Nam tuy nhỏ nhưng hứa hẹn nhiều tăng trưởng. Giống bất kỳ hệ sinh thái khởi nghiệp nào, sự phát triển của lĩnh vực này sẽ song hành và phụ thuộc vào mức độ tăng trưởng của nguồn vốn đầu tư.

Công nghệ khí hậu ở Việt Nam hứa hẹn nhiều tăng trưởng trong tương lai
Tháng 4/2022, Dat Bike gọi vốn thành công 5,3 triệu USD từ vòng gọi vốn Series A do quỹ Jungle Ventures dẫn đầu cùng sự tham gia của Wavemaker Partners. Ảnh: Hoàng Dương.

Cụ thể, sự phát triển kinh tế nhanh chóng của quốc gia và sự nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp đã tạo ra môi trường thuận lợi cho những đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực hỗ trợ chuyển đổi năng lượng, nông nghiệp và sản xuất thực phẩm, kinh tế tuần hoàn, phương tiện giao thông, hạ tầng xây dựng, quản lý carbon và kinh tế biển. Việt Nam đang đứng trước một ngã rẽ quan trọng trên hành trình công nghệ khí hậu bởi những cam kết mạnh mẽ của chính phủ nhằm đạt mức phát thải ròng bằng không vào năm 2050.

Bà Thảo Trần - Giám đốc quốc gia của New Energy Nexus tại Việt Nam, cho biết: Từ năm 2015 đến 2023, các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu ở Việt Nam đã đạt được 121 thỏa thuận được công bố rộng rãi, với số tiền tài trợ 92,6 triệu USD. Giai đoạn này chứng kiến sự tăng tốc đáng kể về đầu tư, với nguồn tài trợ cho các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu của Việt Nam tăng 365%/năm trong thời kỳ từ năm 2021 đến năm 2023.

Theo bà Thảo Trần, các nhà đầu tư rất hào hứng với triển vọng đầu tư vào công nghệ khí hậu và mong đợi tăng trưởng bền vững trong những năm tới ở Việt Nam. Họ đặc biệt tập trung vào các mục tiêu như giảm lượng khí thải CO2, chuyển đổi sang các nguồn năng lượng sạch hơn, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và giải quyết những thách thức trong ngành công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp.

Hầu hết các giao dịch đều ở giai đoạn đầu, với nguồn tài trợ hạt giống và Series A chiếm 47% tổng số giao dịch. Chỉ có hai công ty khởi nghiệp đã hoàn thành vòng Series B (vòng cấp vốn báo hiệu sự sẵn sàng đi lên của một công ty khởi nghiệp ) là: Công ty TNHH Công nghệ Logivan Việt Nam - doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động hậu cần và vận tải đường bộ bằng cách kết nối các chủ hàng có sẵn tài xế xe tải, đã huy động được Series B trị giá 5,5 triệu USD vào năm 2019 và Công ty TNHH Entobel Bà Rịa – Vũng Tàu - công ty tận dụng hoạt động nuôi côn trùng bền vững để sản xuất thức ăn có hàm lượng protein cao, đã huy động được 33 triệu USD vào năm 2022.

Bên cạnh đó, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và sản xuất thực phẩm đã huy động được 48,4% tổng số tiền tài trợ cho công nghệ khí hậu tại Việt Nam. Ngoài ra, các công ty trong lĩnh vực phương tiện như Dat Bike, hướng tới trở thành “Honda của xe máy điện” và Selex Motors, tập trung vào phân khúc giao hàng chặng cuối trong ngành logistics của Việt Nam, đã huy động được 40,1%. Các công ty khởi nghiệp hỗ trợ chuyển đổi năng lượng, kinh tế tuần hoàn, hạ tầng xây dựng, quản lý carbon và kinh tế biển huy động được số vốn đầu tư nhỏ hơn, Giám đốc quốc gia của New Energy Nexus tại Việt Nam thông tin.

Công nghệ khí hậu ở Việt Nam hứa hẹn nhiều tăng trưởng trong tương lai
Tại buổi buổi công bố “Báo cáo đầu tư khởi nghiệp công nghệ khí hậu tại Việt Nam 2024”, nhiều chuyên gia, khách mời cho rằng, công nghệ khí hậu ở Việt Nam hứa hẹn nhiều tăng trưởng trong tương lai. Ảnh: Hoàng Dương.

Cũng tại buổi báo cáo, nhiều khách mời và chuyên gia cho rằng, ngoài việc nguồn vốn đầu tư còn hạn chế là một “nút thắt cổ chai” thì các nhà đầu tư đánh giá những thương vụ khởi nghiệp công nghệ khí hậu ở Việt Nam có xu hướng là các nhà đầu tư mạo hiểm truyền thống chứ chưa phải là những nhà đầu tư hướng tới tác động. Do đó, họ ưa thích các công ty có khả năng tạo ra lợi nhuận kinh tế mạnh, mở rộng thị trường, cũng như các đội nhóm nhân sự ngang bằng với các cơ hội đầu tư mạo hiểm khác.

Tuy nhiên, Việt Nam đang chứng kiến một xu hướng mới nổi hướng tới nguồn vốn tạo tác động, với các nhà đầu tư như quỹ đầu tư Touchstone Partners và Temasek Foundation (một tổ chức phi lợi nhuận đến từ Singapore),… báo hiệu mối quan tâm lớn hơn đến công nghệ khí hậu. Các nhà đầu tư sẽ tiếp tục đánh giá startup chủ yếu về mặt tiêu chí thương mại, song họ cũng đang tìm kiếm các startup công nghệ khí hậu trong hệ sinh thái và sẽ cam kết nắm giữ đầu tư lâu hơn, khoảng 12 năm thay vì 5-7 năm.

Bên cạnh đó, nguồn vốn tài trợ đóng một vai trò rất quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, các chương trình như: Vườn ươm Công nghệ xanh của GIZ, Startup Wheel của Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp kinh doanh Business Startup Support Centre, hay Innovation Challenge của Qualcomm Việt Nam và Thử thách Net Zero của Touchstone Partners và Temasek đã mang đến gần 2 triệu USD cho các công ty khởi nghiệp công nghệ khí hậu Việt Nam đang ở giai đoạn đầu. Điều này hứa hẹn nhiều tăng trưởng trong tương lai về công nghệ khí hậu ở Việt Nam.