Các mặt hàng thực phẩm trong tháng 7 tăng 0,18%. Ảnh: cpv.org.vn

Nguyên nhân chính khiến CPI tiếp tục tăng trong tháng 7 có thể thấy được thông qua các tác động mang tính mùa vụ như: các đợt thi đại học và cao đẳng diễn ra ở một số tỉnh, thành phố trọng điểm hay các quyết định mang tính chất hành chính như tăng giá xăng dầu. Ngoài ra, còn có các tác động đến từ một số chính sách đang dần biểu hiện rõ nét như việc tăng lương cơ bản cho cán bộ công chức từ 1/7/2013 và việc nới lỏng tỷ giá thêm 1%.

Trong các nhóm hàng hóa, nhóm giao thông có mức tăng cao nhất, 1,34% so với tháng trước do tác động từ việc tăng giá xăng dầu liên tục của hai ngày 14/6/2013 và 28/6/2013 vừa qua. Tác động của đợt tăng giá xăng dầu ngày 17/7/2013 chưa ảnh hưởng đến CPI tháng này.

Điểm đáng lưu ý nhất trong diễn biến giá của tháng 7 là các mặt hàng thực phẩm. Sau 4 tháng giảm liên tục từ sau Tết Nguyên đán, chỉ số giá thực phẩm đã tăng 0,18% so với tháng trước, trở thành 7/24 tháng có chỉ số giá thực phẩm tăng trong vòng 2 năm trở lại đây. Việc tăng 0,18% của tháng này cũng đã khiến cho bình quân 7 tháng đầu năm nay so với 7 tháng đầu năm 2012 giá thực phẩm tăng thêm 1,82%.

So sánh với chỉ số giá bán sản phẩm của người sản xuất hàng nông, lâm, thủy sản thì 6 tháng đầu năm giá các sản phẩm chăn nuôi như lợn, trâu bò và các mặt hàng thủy sản đều giảm hoặc tăng thấp hơn mức tăng chung trong CPI.

Xét trong 10 tỉnh, thành phố được Tổng cục Thống kê lựa chọn để công bố chỉ số, ngoài Hà Nội và TP.HCM chỉ số giá đều tăng dưới chỉ số chung, các tỉnh còn lại đều cho mức tăng cao hơn chỉ số chung cả nước. Đặc biệt, CPI tại thành phố Cần Thơ tăng tới 0,7% so tháng trước trong khi bên kia bờ sông Hậu, CPI tại Vĩnh Long chỉ tăng bằng một nửa, ở mức 0,33%./.

Đ.T (theo cpv.org.vn)