Phát biểu khai mạc hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2025 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, là năm quan trọng để đánh giá, tổng kết trong nhiệm kỳ vừa qua khẳng định nỗ lực, đóng góp của ngành ngân hàng trong tiến trình phát triển kinh tế đất nước.
![]() |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm. Ảnh: T.L. |
Thống đốc nhận định, trong năm 2025, điều hành chính sách tiền tệ đối diện nhiều khó khăn thách thức. Theo đó, trên thế giới, diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, căng thẳng chính trị leo thang, chính quyền Mỹ tuyên bố áp thuế với các quốc gia… đã tác động tới tình hình kinh tế, tài chính tiền tệ quốc tế. Với độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam cũng chịu không ít ảnh hưởng.
Năm 2025, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8%, tạo đà tăng trưởng cao vào những năm tiếp theo. “Bối cảnh thì khó khăn nhưng mục tiêu đòi hỏi chúng ta phải chủ động, bứt phá đặt ra nhiều thách thức cho Ngân hàng Nhà nước trong điều hành và cả hoạt động của các tổ chức tín dụng”, Thống đốc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước cũng như các bộ, ngành thực hiện một nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ, đó là tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động theo Nghị quyết 18-NQ/TW.
Đặc biệt, điểm nhấn trong 6 tháng đầu năm của ngành ngân hàng là tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XV đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng. Đây là một nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Cũng theo Thống đốc, trong 6 tháng đầu năm, hàng loạt chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước đã được ban hành và triển khai mạnh mẽ, đặc biệt là “bộ tứ trụ cột” tạo nền tảng để Việt Nam cất cánh trong kỷ nguyên mới. Đó là Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Để đảm bảo các nghị quyết này nhanh chóng đi vào cuộc sống, ngành ngân hàng cũng đang quyết liệt triển khai.
Phát biểu về báo cáo tổng kết hoạt động của ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng hiệu quả góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên trong năm 2025 theo chủ trương của Chính phủ.
Cùng với đó, ngành ngân hàng khẩn trương, quyết liệt hoàn thành việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo đúng chỉ đạo và vẫn đảm bảo hệ thống hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt.
Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó một số chương trình rất hiệu quả.
Với giải pháp đồng bộ, hiệu quả, tăng trưởng tín dụng tích cực cải thiện so với cùng kỳ năm 2024. Đến ngày 30/6/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, tăng 19,32% so với cùng kỳ năm 2024.
Các mặt công tác khác cũng tiếp tục được triển khai tốt như: quyết liệt tổ chức thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và tích cực xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt là đã hoàn thành việc chuyển giao bắt buộc 02 ngân hàng yếu kém. Nợ xấu được tập trung xử lý và kiểm soát trong bối cảnh nền kinh tế và sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng luôn được Ngân hàng Nhà nước chú trọng, đổi mới và tăng cường nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của tổ chức tín dụng, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành ngân hàng./.