Tín dụng bứt tốc 9,9%, giữ thế chủ động điều hành lãi suất khi bỏ room
Bỏ room tín dụng, hoạt động cho vay sẽ trở nên linh hoạt hơn, vốn lưu thông nhanh hơn, đáp ứng nhu cầu đầu tư, sản xuất. Ảnh: Đức Thanh

Chia sẻ tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2025 do Ngân hàng Nhà nước vừa tổ chức, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết, với những giải pháp đồng bộ, tín dụng tăng trưởng tích cực ngay từ đầu năm, cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2024. "Đến ngày 30/6, tín dụng nền kinh tế đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và tăng 19,32% cùng kỳ, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh" - ông Hà nói.

Lãi suất thấp, hướng dòng vốn vào nhiều ngành ưu tiên

Một trong những yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng được Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà chỉ ra, đó là Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp, qua đó có điều kiện để hỗ trợ nền kinh tế.

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu hạ lãi suất cho vay.

Room tín dụng chỉ còn áp dụng với ngân hàng thương mại trong nước

"Trong năm 2025, chúng tôi gỡ bỏ việc giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với nhóm ngân hàng nước ngoài, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Như vậy, hiện chỉ còn các ngân hàng thương mại trong nước là Ngân hàng Nhà nước còn giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Đây là lộ trình tiến tới gỡ bỏ hoàn toàn giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thời gian tới. Hệ luỵ của quá khứ vẫn còn tồn tại, khó khăn của tổ chức tín dụng vẫn còn, để có những giải pháp xử lý tổng thể, trọn vẹn, việc dỡ bỏ room tín dụng phải có biện pháp, chính sách phù hợp đặc thù của Việt Nam" - ông Vũ Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh.

Kết quả, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại ở mức 6,29%/năm, giảm 0,64%/năm so với cuối năm 2024.

Làm rõ nguyên nhân tín dụng tăng trưởng mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2025, theo ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), trên cơ sở các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và lạm phát năm 2025 do Quốc hội và Chính phủ đề ra, Ngân hàng Nhà nước dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được giao cho các ngân hàng ngay từ đầu năm để các tổ chức tín dụng chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai.

Song song với đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro và tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Trong đó, dòng vốn tín dụng đổ vào nhiều lĩnh vực ưu tiên. Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 5,31% so với cuối năm 2024 và chiếm 23,16% dư nợ tín dụng nền kinh tế. Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 5,71% so với cuối năm 2024, chiếm 17,51% (cùng kỳ năm 2024 giảm 0,15% so với cuối năm 2023).

Tín dụng xuất khẩu (không bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) tăng 2,91% so với cuối năm 2024, chiếm 2,06% (cùng kỳ năm 2024 giảm 0,89%).

Tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 15,69% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 3,24% (cùng kỳ năm 2024 tăng 9,67%). Tín dụng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 17,59% so với cuối năm 2024, chiếm 0,43% dư nợ tín dụng nền kinh tế.

Ngoài ra, ngành ngân hàng tích cực triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết 33/NQ-CP, với quy mô hiện là 145.000 tỷ đồng; Chương trình tín dụng 500.000 tỷ đồng cho vay đầu tư hạ tầng, công nghệ số nhằm thực hiện các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia thuộc các lĩnh vực giao thông, điện lực và công nghệ số theo danh mục do các bộ, ngành công bố; cho vay đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản nâng quy mô lên 100.000 tỷ đồng…

Tín dụng tăng nhanh vượt huy động nhiều năm

Liên quan đến thực trạng tăng trưởng tín dụng cao hơn tăng trưởng huy động vốn, ông Vũ Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, trong 2 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng huy động vốn chỉ bằng khoảng một nửa so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Huy động vốn toàn hệ thống tăng 6,57% cùng kỳ, trong đó riêng khu vực dân cư tăng 4,44%, đây là mức tăng khá.

Việc tín dụng tăng nhanh hơn huy động do nền kinh tế đang trên đà phục hồi và tăng trưởng, dẫn đến nhu cầu tín dụng tăng mạnh ở nhiều lĩnh vực. Dù vậy, theo ông Quang, đây vẫn được xem là diễn biến bình thường trong hoạt động của ngành ngân hàng.

Cũng trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đang được đẩy mạnh, nhiều ý kiến quan tâm đến lộ trình nới lỏng và tiến tới xóa bỏ trần tăng trưởng tín dụng (room tín dụng).

Thông tin về lộ trình này, ông Phạm Chí Quang cho biết, từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu áp dụng cơ chế hạn mức tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh các tổ chức tín dụng tăng nóng bình quân 30%/năm, cá biệt có thời điểm lên tới 54%, lãi suất thị trường đẩy lên cao và các ngân hàng rơi vào vòng xoáy cạnh tranh không lành mạnh. Việc áp dụng biện pháp này đóng góp tích cực trong kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mỗ, tránh gây ra đổ vỡ và đảm bảo sự an toàn của hệ thống.

"Tuy nhiên, không có công cụ nào là vĩnh viễn. Thời gian qua, nhận thức đây là giải pháp mang tính hành chính, chúng tôi có các biện pháp, lộ trình cải tiến, đổi mới phương pháp điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, đặc biệt từ năm 2024 - 2025" - ông Quang nêu rõ.

Cùng với đó, hiện nay, bối cảnh ngành ngân hàng có nhiều thay đổi, phần lớn các tổ chức tín dụng đều đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vốn khắt khe và quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế. Điều này tạo nền tảng cho ngành ngân hàng vận hành theo cơ chế thị trường linh hoạt và hiện đại hơn.

Bỏ room tín dụng đòi hỏi tính chủ động cao trong điều hành lãi suất

Theo ông Vũ Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, việc bỏ room tín dụng vừa tăng tính tự chủ của tổ chức tín dụng, vừa hài hoà các mục tiêu đảm bao an toàn hệ thống và kiểm soát lạm phát.

"Một khi bỏ room tín dụng, dư nợ nhiều tổ chức tín dụng sẽ tăng cao, lãi suất sẽ tăng. Các tổ chức quốc tế khuyến nghị khi chúng ta bỏ room tín dụng, một trong những biện pháp chính sách là tính chủ động rất cao trong việc quyết sách và điều hành lãi suất" - lãnh đạo Vụ Chính sách tiền tệ nhấn mạnh.

Dưới góc nhìn từ phía các ngân hàng, ông Lê Thanh Tùng - Thành viên Hội đồng Quản trị VietinBank cho rằng, việc tiến tới dỡ bỏ trần tín dụng là xu hướng tất yếu. Để đảm bảo an toàn hệ thống, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai đồng bộ nhiều quy định và chính sách về quản trị rủi ro.

Trong đó, Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam như: tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, hệ số an toàn vốn... Đây là các quy định yêu cầu các ngân hàng thương mại khi cho vay ra đảm bảo các tỷ lệ, chỉ tiêu nhất định. Ngân hàng VietinBank sẽ đảm bảo tuân thủ mọi quy định của Ngân hàng Nhà nước.