Nghị quyết quy định hai mức hỗ trợ: 30.000 đồng/học sinh/ngày đối với học sinh tại các xã miền núi và xã thuộc bãi giữa sông Hồng; 20.000 đồng/học sinh/ngày đối với học sinh ở các địa bàn còn lại của Hà Nội. Trong trường hợp mức tiền ăn thực tế cao hơn, phần chênh lệch do phụ huynh tự chi trả.
Thống kê cho thấy, 703 trong tổng số 778 trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội đang tổ chức ăn bán trú, đạt tỷ lệ gần 90,4%. Tỷ lệ này tại các khu vực miền núi, bãi giữa sông Hồng là 86,36%; ở khu vực còn lại là 90,48%. Về cơ sở vật chất, khoảng 90% trường có đủ điều kiện tổ chức bán trú cho toàn bộ học sinh.
![]() |
Các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết tại Kỳ họp thứ 25, HĐND TP.Hà Nội. |
Các bữa ăn hiện được tổ chức theo hai hình thức: Trường tự nấu hoặc liên kết với đơn vị cung cấp suất ăn. Đối với khu vực miền núi và các xã thuộc bãi giữa sông Hồng, tất cả các trường công lập đều liên kết với bên ngoài để cung cấp bữa ăn. Ở khu vực nội thành, 90,58% trường công lập sử dụng dịch vụ cung cấp suất ăn, trong khi các trường tư thục có tỷ lệ tự tổ chức nấu cao hơn, lên tới 64,58%.
Theo tờ trình của UBND TP.Hà Nội, hiện toàn thành phố có hơn 763.000 học sinh tiểu học, trong đó có hơn 502.000 em đang tham gia ăn bán trú, chiếm khoảng 65,8%. Việc hỗ trợ kinh phí được kỳ vọng sẽ nâng tỷ lệ này lên 99,17%, góp phần giảm gánh nặng cho phụ huynh, đồng thời cải thiện chất lượng chăm sóc học sinh trong ngày học hai buổi. |
Với chính sách hỗ trợ mới, TP.Hà Nội sẽ hỗ trợ bữa ăn chính cho khoảng 768.000 học sinh, bao gồm hơn 707.000 học sinh công lập và hơn 60.000 học sinh tư thục. Nguồn kinh phí sẽ do ngân sách thành phố và các xã, phường chi trả, trong đó cấp xã, phường đảm nhận phần lớn (khoảng 3.055 tỷ đồng).
HĐND TP.Hà Nội cũng đã thông qua Nghị quyết quy định nội dung và mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn Thủ đô. Nghị quyết này áp dụng cho những người đang thường trú tại Hà Nội và có nhu cầu được hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế.
Về bảo hiểm xã hội tự nguyện, thành phố hỗ trợ thêm 50% mức đóng đối với người thuộc hộ nghèo theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ thêm 60% mức đóng đối với người thuộc hộ cận nghèo; hỗ trợ thêm 10% mức đóng đối với một số đối tượng khác theo quy định.
Về bảo hiểm y tế, thành phố hỗ trợ 100% mức đóng bảo hiểm y tế cho thành viên hộ gia đình được công nhận thoát nghèo đồng thời thoát cận nghèo hoặc thoát cận nghèo. Thời gian hỗ trợ lên đến 36 tháng.
Thành phố cũng hỗ trợ 100% mức đóng cho người cao tuổi từ 70 đến dưới 75 tuổi và người khuyết tật nhẹ (không bao gồm trẻ em dưới 16 tuổi) chưa có thẻ bảo hiểm y tế, người dân tộc thiểu số chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Đặc biệt, người dân tộc thiểu số tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn trước đây nhưng nay không còn trong danh sách sẽ được hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế.
Ngoài ra, hỗ trợ thêm 70% mức đóng bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc hộ nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình; hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình.
Kinh phí để thực hiện nghị quyết sẽ được lấy từ ngân sách nhà nước theo phân cấp.