Thu ngân sách trong khó khăn

Năm 2022, nhiệm vụ thu ngân sách nội địa của Cục Thuế Hải Phòng được giao là 31.728,5 tỷ đồng; HĐND thành phố giao chỉ tiêu phấn đấu thu 41.000 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với dự toán.

Ông Hà Văn Trường - Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng cho biết, bên cạnh những thuận lợi cơ bản thì trong quý I/2022, Cục Thuế Hải Phòng phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, khi tình hình dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Đồng thời, nhiều chính sách của Quốc hội và Chính phủ về giãn, giảm thuế tiếp tục được triển khai quyết liệt hơn năm 2021 đã tác động không nhỏ tới tình hình thu nộp ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn.

Trong khi đó, nguồn thu của thành phố tiếp tục có những biến động lớn do Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh Vinfast công bố ngừng sản xuất xe xăng, chuyển sang sản xuất xe điện với mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt chỉ còn 3%, đã tác động giảm nguồn thu nộp vào NSNN hàng trăm tỷ đồng.

Hải Phòng vượt dự toán thu quý I trong khó khăn
Người nộp thuế làm thủ tục hành chính tại cơ quan thuế. Ảnh: Mai Lan

Xác định nhiệm vụ thu ngân sách trong quý I/2022 là hết sức khó khăn, hàng tháng, ban lãnh đạo Cục Thuế Hải Phòng đã tổ chức họp giao ban nắm bắt tình hình, điều chỉnh kịch bản, dự toán thu ngân sách cho từng thời điểm, đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế.

Đặc biệt, Cục Thuế Hải Phòng đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền chính sách thuế, thủ tục hành chính thuế ở tất cả các khâu, các bộ phận, lĩnh vực thông qua việc đổi mới phương thức, phát triển đa dạng, phong phú các hình thức tuyên truyền.

Đồng thời, Cục Thuế Hải Phòng đã chỉ đạo Phòng Kê khai kế toán thuế và các chi cục thuế chú trọng rà soát thông tin người nộp thuế trên ứng dụng, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác quản lý kê khai thuế đối với người nộp thuế; tập trung kiểm tra, rà soát số lượng doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, số lượng doanh nghiệp tạm nghỉ kinh doanh, ngừng hoạt động, đảm bảo đưa vào quản lý thuế đối với các doanh nghiệp thực hiện hoá đơn điện tử có mã của cơ quan thuế. Cùng với đó, đơn vị chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan đăng ký kinh doanh tiếp tục thực hiện đăng ký thuế, đóng mở mã số thuế, thay đổi thông tin doanh nghiệp theo cơ chế liên thông kịp thời, đúng quy định, tiết giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp mới thành lập.

Với các giải pháp đã thực hiện, lũy kế 3 tháng đầu năm, Cục Thuế Hải Phòng đã thu nộp NSNN 9.516,7 tỷ đồng, đạt 30% dự toán trung ương giao, đạt 23,2% dự toán HĐND thành phố giao, tăng 10,8% so cùng kỳ. Nếu không tính thu tiền sử dụng đất, đơn vị thu đạt 33,7% dự toán trung ương; 29,1% dự toán HĐND và tăng 29,7% so với cùng kỳ.

Chú trọng thanh tra, kiểm tra thuế

Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới tiến độ thu của Hải Phòng

- Thuế tiêu thụ đặc biệt của Vinfast quý I/2022 nộp giảm 480 tỷ đồng so cùng kỳ, do sản lượng xe tiêu thụ giảm.

- Khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương và doanh nghiệp nhà nước địa phương hầu như không tăng trưởng và giảm so cùng kỳ do hoạt động sản xuất kinh doanh giảm sút (đặc biệt doanh nghiệp sản xuất bia và điện).

- Thu tiền sử dụng đất quý I mới đạt 10% dự toán trung ương, 5% chỉ tiêu HĐND giao, bằng 30,6% so thực hiện cùng kỳ 2021 (số tuyệt đối giảm 1.137 tỷ đồng), do chậm triển khai đấu giá các dự án đất trên địa bàn.

- Một số các chính sách giảm thuế ảnh hưởng giảm số thu nộp quý I/2022 so cùng kỳ như: giảm 2% thuế GTGT (tương đương 20% số phát sinh thuế GTGT phải nộp vào NSNN từ tháng 2/2022); giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất lắp ráp trong nước cũng làm giảm nguồn thu khoảng 80 tỷ đồng.

- Phí sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển nộp 235,6 tỷ đồng, giảm 78,3 tỷ đồng so cùng kỳ; các khoản phí còn lại là 185,8 tỷ đồng, bằng 95,4% so cùng kỳ.

Dự báo thu ngân sách quý II/2022 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, hơn nữa hàng năm thường quý II có số thu thấp so với các quý còn lại. Cùng với đó, bắt đầu từ ngày 1/4/2022, áp dụng chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, cùng với hàng loạt chính sách giảm thuế được áp dụng trong quý II (giảm 2% thuế GTGT, giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước) và dự báo nguồn thu từ thuế tiêu thụ đặc biệt của Vinfast sẽ sụt giảm mạnh.

Ông Hà Văn Trường cho biết, để đảm bảo thu NSNN đạt ở mức cao nhất, Cục Thuế Hải Phòng đã yêu cầu các chi cục thuế trực thuộc đẩy mạnh tiến độ công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các doanh nghiệp lớn, có dấu hiệu rủi ro; đồng thời xử lý dứt điểm các kết luận thanh tra, kiểm tra thuế, đặc biệt các kết luận có số tăng thu lớn, thu nộp vào ngân sách nhà nước trong quý II/2022.

Các chi cục thuế chủ động tham mưu chính quyền địa phương trong việc đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất; đôn đốc thu nợ dứt điểm tiền sử dụng đất và thuê đất của một số dự án như: Dự án Đồi Rồng, Cầu Vồng - Hoa Lan...; đôn đốc và thu hồi nợ đọng thuế; rà soát và thực hiện nghiêm túc các kết luận của kiểm toán và thanh tra; xây dựng kế hoạch làm việc với một số doanh nghiệp lớn nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất kinh doanh, đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Cục Thuế Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật thuế qua các hình thức trực tuyến, điện thoại, đáp ứng kịp thời nhu cầu nắm bắt, tìm hiểu pháp luật nói chung và pháp luật thuế nói riêng của mọi đối tượng. Cơ quan thuế địa phương duy trì hiệu quả hoạt động đối thoại thường xuyên với người nộp thuế nhằm hỗ trợ, giải đáp kịp thời các chính sách, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất để người nộp thuế ổn định sản xuất, kinh doanh, thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.