1. Cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được dư luận rất quan tâm. Một lần nữa, hiệu quả từ chủ trương, đường lối của Đảng ta trong lĩnh vực này được khẳng định, đem lại niềm tin cho xã hội. Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã thực sự trở thành “cuộc chiến” không của riêng cá nhân, tổ chức nào.

Trước hết, phải khẳng định, tham nhũng và tiêu cực là vấn đề tồn tại ở tất cả các kiểu nhà nước đã có trong lịch sử. Ngay cả ở các nước được cho là có nền dân chủ tiên tiến cũng tồn tại tham nhũng với các mức độ khác nhau. Hằng năm, Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) đều có báo cáo, chấm điểm và đánh giá về tình hình tham nhũng ở các quốc gia.

Nghiên cứu của TI chỉ ra, trong gần một thập kỷ qua, hầu hết quốc gia đạt được rất ít hoặc không đạt được tiến bộ nào trong việc giải quyết tham nhũng, với hơn 2/3 trong số 180 quốc gia được đánh giá chỉ đạt điểm dưới 50 trên thang điểm 100. TI nhận định, tham nhũng là cuộc khủng hoảng lớn.

Nhiều quốc gia trên thế giới đã tăng cường phòng, chống tham nhũng và đã thu được kết quả khả quan, trong đó Việt Nam là một điển hình. Năm 2021, TI công bố, Chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) của Việt Nam đạt 39/100 điểm, đứng thứ 87 trong số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, tăng 3 điểm và 17 bậc so với năm 2020.

Báo cáo của TI cho thấy, năm 2022, Việt Nam tăng 3 điểm CPI so với năm 2021, từ 39 lên 42 trên thang điểm 100 (với 0 là tham nhũng nhất và 100 là trong sạch nhất). Trong bảng xếp hạng CPI 180 quốc gia, vùng lãnh thổ, Việt Nam đã tiến 10 bậc, từ xếp thứ 87 (năm 2021) lên 77 (năm 2022).

Tuy nhiên, dù cố gắng và nỗ lực ngăn chặn, đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực bao nhiêu thì các thế lực thù địch, những kẻ thiếu thiện chí với Việt Nam vẫn liên tục rêu rao rằng, Đảng bao bọc, dung túng cán bộ làm sai. Nguy hiểm hơn khi chúng tung ra luận điệu, việc xử lý cán bộ tham nhũng ở Việt Nam là cuộc thanh trừng nội bộ, phe phái tranh giành quyền lực. Đây là những luận điệu xuyên tạc trắng trợn tình hình của Việt Nam.

Bởi thế, cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm rõ các vấn đề này, là bằng chứng sắc bén đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch.

2. Trong cuốn sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định nhất quán mục tiêu đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thông qua giáo dục tư tưởng, hoàn thiện cơ chế, thể chế, “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế” để cán bộ không dám, không muốn, không cần tham nhũng.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ phương pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là sử dụng công cụ kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và tiến hành quyết liệt, khẩn trương; đồng thời phát huy vai trò "tai mắt" của nhân dân để tạo thành sức mạnh tổng hợp, làm trong sạch bộ máy. Đối tượng phòng, chống tham nhũng được hướng tới là bất kỳ ai và không có ngoại lệ, không có vùng cấm. Tổng Bí thư từng phát biểu đại ý trong một hội nghị rằng, đây là cuộc chiến lâu dài, phải tiến hành không ngừng nghỉ và ai không làm thì đứng ra một bên.

Chống tham nhũng, tiêu cực vốn là vấn đề khó vì đối tượng thường là các cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực công. Họ không chỉ lạm quyền, lộng quyền, hình thành những ê kíp nội bộ hoạt động kín kẽ thông qua xây dựng cơ chế, chính sách mà còn câu kết với các chủ doanh nghiệp bên ngoài để tìm mọi cách rút ruột ngân sách nhà nước với các thủ đoạn tinh vi.

Họ luôn tìm cách che đậy hành vi phạm tội; dùng quyền lực, uy thế để trù úm những người đấu tranh; dùng các mối quan hệ, dùng tiền và vật chất giá trị để mua chuộc, thậm chí "chạy án". Trong các vụ án gần đây, các đối tượng tham nhũng, tiêu cực thường là những cán bộ, đảng viên có chức quyền và những doanh nhân nổi tiếng. Khi bị phát hiện, họ tìm mọi cách để lấp liếm hành vi phạm tội, mong được giảm nhẹ và "xử lý nội bộ".

Để cuộc chiến này thực sự mang lại hiệu quả thì điều kiện tiên quyết là phải có quyết tâm lớn và tiến hành kiên trì. Không chỉ trong cuốn sách, mà trong các bài phát biểu tại các hội nghị lớn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng nhấn mạnh, cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực và quan trọng của các tầng lớp nhân dân, trong đó, phát huy vai trò của nhân dân là hết sức cần thiết. Để làm được điều này thì phải có các giải pháp tổng thể.

Trước hết, cần phát huy dân chủ và quyền làm chủ của nhân dân, của công luận trong công tác kiểm tra, giám sát, đấu tranh phát hiện, ngăn chặn những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực. Mọi công dân đều có trách nhiệm hiểu rõ quyền cá nhân, quyền dân chủ ở cơ sở để phát huy quyền làm chủ trực tiếp của chính mình và của toàn xã hội. Đồng thời, tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức Đảng các cấp với công tác này.

Một trong những giải pháp quan trọng là cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, nhận thức pháp luật, để công dân hiểu đúng và nắm được quyền, nghĩa vụ của mình. Mặt khác, muốn thực hiện hiệu quả quan điểm, mục tiêu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, cần triển khai nghiêm túc Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; tăng cường các hình thức tiếp nhận phản ánh, phát hiện của nhân dân về những sai phạm của cán bộ, đảng viên, tổ chức, như: Thiết lập đường dây nóng, hộp thư kín, thực hiện tiếp công dân…

Bên cạnh đó, cần bổ sung chế tài, nghiêm khắc xử lý người đứng đầu có hành vi cố tình không cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin đến người dân hoặc có hành vi cản trở quyền tố cáo và các quyền dân chủ của công dân.

Dân là gốc, biết dựa vào dân để phát huy sức mạnh đoàn kết là bài học vô giá đã được Đảng ta chứng minh trong lịch sử. Đây cũng chính là thông điệp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm trong cuốn sách này. Trọng dân thì muôn đời thịnh!