![]() |
Cựu chiến binh Mỹ John Cimino trao lại chiếc ví kỷ vật của liệt sĩ Hoàng Quang Lợi cho Ban liên lạc tìm đồng đội Trung đoàn 209. (Ảnh: nhandan.vn) |
Quá khứ ám ảnh và thôi thúc
Một cuộc chiến tranh không thể chỉ đong đếm những được – mất bằng bao nhiêu bom đạn, xe tăng, máy bay, bao nhiêu thương binh, liệt sỹ hay bao nhiêu km đất đai chiếm giữ. Những hậu quả của chiến tranh để lại cho đất nước Việt Nam, cho từng gia đình, từng số phận… là rất nặng nề và nhức nhối.
Còn ở phía Mỹ, theo một thống kê đã đăng trên báo chí, tại chiến trường Việt Nam có 58.220 lính Mỹ đã chết và 305.000 thương tật. Khoảng 700.000 lính Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam đã mắc chứng rối loạn tâm thần và hàng chục nghìn người trong số họ đã tự sát.
Với một đất nước mà chiến tranh theo suốt chiều dài lịch sử như Việt Nam, thì chúng ta thấm thía rằng, dù thắng hay thua, cả hai bên đều phải chịu rất nhiều mất mát, đau thương, mà chỉ có thể dùng sự cảm thông và tình yêu thương để chữa lành.
Những năm gần đây, nhiều cựu chiến binh Mỹ đã trở lại Việt Nam, cùng đồng hành với các cựu chiến binh Việt Nam đi tìm hài cốt liệt sỹ. Từng đối đầu nhau trong quá khứ nhưng giờ đây họ đã trở thành bạn bè. Hàng trăm cựu binh Mỹ đang trở lại sinh sống và làm việc ở chiến trường xưa tại Việt Nam để giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh. Thống kê từ 1993 đến nay, phía Mỹ đã cung cấp cho Việt Nam 300 bộ hồ sơ liên quan tới hơn 12.000 trường hợp bộ đội hy sinh; giúp tìm kiếm, quy tập gần 1.500 hài cốt liệt sỹ. |
Tom Wilber – con trai của cựu tù binh phi công Eugene Wilber đã đến để tìm hiểu lý do tại sao cha mình sau khi bị bắt tại Việt Nam lại trở thành người phản chiến. Câu chuyện được kể trong phim tài liệu “Tiếng nói của lương tri”, phát trên VTV1 lúc 22 giờ 26/4 thu hút nhiều sự quan tâm của người xem. Ông Tom Wilber bị thôi thúc bởi mong muốn phải tìm đến Việt Nam, thăm tận nơi máy bay của cha ông bị bắn rơi, gặp những người đã bắt cha ông làm tù binh. Thậm chí, ông trải nghiệm cảm giác ngồi trong nhà giam Hỏa Lò, để hiểu thêm những gì người cha đã trải qua. Qua những cuộc gặp gỡ, những gì được nhìn, được nghe, ông đã tìm được câu trả lời cho câu hỏi suốt cuộc đời mình: Rằng, cha ông dù là tù binh nhưng đã được đối xử rất nhân đạo, rất tình người, từ những người Việt Nam yêu hòa bình và đấu tranh để bảo vệ độc lập, thống nhất đất nước. Cha của ông đã tham gia phản chiến vì lương tri, đạo đức và chính nghĩa!
Cũng như vậy, bộ phim "Cuộc đọ sức của ý chí" phát tập 1 trong chương trình VTV đặc biệt tối 25/4 đã đưa người xem đi theo hành trình của ông Craig McNamara - con trai của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara, người được coi là “kiến trúc sư trưởng” của cuộc chiến tranh tại Việt Nam và lý giải tại sao người Việt Nam có thể thắng trong cuộc chiến khi phía Mỹ có những vũ khi hiện đại, tối tân bậc nhất.
Ông Craig luôn nghĩ mình phải có trách nhiệm phần nào trong việc sửa chữa sai lầm mà người cha đã gây ra. Trong ông luôn tồn tại nhiều câu hỏi chưa có lời đáp, và để tìm câu trả lời cho những câu hỏi ấy, ông nhận lời tham gia bộ phim tài liệu và tìm đến nhiều vùng đất lịch sử của Việt Nam. Chuyến đi đã cho ông đáp án: Ý chí quật cường, sự kiên gan của người Việt Nam, tình cảm yêu thương mãnh liệt trong mỗi gia đình Việt Nam… là một trong những nhân tố quan trọng làm nên chiến thắng trước những người Mỹ phi lý.
Cùng với ông Craig, nhóm tác giả thực hiện bộ phim còn phỏng vấn 50 nhân vật khác nữa. Một số người đã thẳng thắn thừa nhận: “Những người Cộng sản rất kiên cường và kỷ luật”, “họ rất thông minh”… Qua góc nhìn của người Mỹ, bộ phim khắc hoạ nên một cách chân thực và sống động sự kiên gan anh dũng, ý chí quật cường của quân và dân Việt Nam.
Chuyển hóa nỗi đau thành những hành động cao cả
![]() |
Các cựu chiến binh Mỹ trở lại Việt Nam giúp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trong trận đánh đồi Xuân Sơn. Ảnh: VOV |
Qua những thước phim tư liệu, chúng ta đã hiểu thêm nhiều điều về những người Mỹ từng ở “phía bên kia chiến tuyến”, và cả thế hệ con cái của họ. Đã từng là đối phương, là kẻ thù, song họ đã thay đổi suy nghĩ của bản thân bởi chính đối phương của mình. Cách ứng xử nhân văn của chúng ta với tù binh Mỹ khiến những năm tháng họ bị cầm tù trở thành kỷ niệm, khiến họ yêu thích bánh chưng, nem rán; con trai họ biết thắp nén hương trước mộ cha mình là cựu binh Mỹ theo như phong tục người Việt. Đặc biệt, hình ảnh những cựu binh Mỹ thắp hương trên từng phần mộ của các liệt sỹ tại Nghĩa trang Trường Sơn và cúi đầu rơi lệ là điều mà ngay cả chúng ta cũng không thể nào quên…
Những cựu chiến binh Mỹ đã trở thành mối dây liên kết đặc biệt khi họ trân trọng trao những kỷ vật của các liệt sỹ Việt Nam, đã được họ cất giữ nhiều năm sau chiến tranh. Họ cũng đã trở lại mảnh đất khốc liệt mang tên Việt Nam từng làm họ giật mình bao đêm không ngủ, để cùng hợp tác tìm hài cốt các liệt sỹ quân giải phóng. Chính họ, các cựu tù binh Mỹ đã cùng những người dân Mỹ yêu hòa bình khác dành cả đời mình đấu tranh phản chiến, đấu tranh đòi công lý cho những nạn nhân chất độc da cam, khắc phục hậu quả chiến tranh.
Họ đang làm tất cả như là một cách để trả món nợ lương tri. Những người Mỹ như thế này là một trong những nhân tố quan trọng góp phần đưa quan hệ 2 nước Việt - Mỹ gác lại quá khứ, hướng tới tương lai như ngày hôm nay.
Việt Nam đã trở thành ngôi nhà thứ hai “Thương đau của quá khứ chỉ có thể được chữa lành bằng sự cảm thông và lòng tốt. Khi tôi bắt đầu hành trình này, Việt Nam chỉ là một cái tên. Giờ đây, Việt Nam đã trở thành ngôi nhà thứ hai, và ở Việt Nam tôi đã tìm thấy sự bình an cho chính mình”. (Tom Wilber – con trai của cựu tù binh phi công Eugene Wilber nói trong phim tài liệu Tiếng nói của lương tri, phát trên VTV1). |