Xung đột và các biện pháp trừng phạt của phương Tây

Xung đột Nga – Ukraine bùng phát ngày 24/2/2022 khi Nga thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào Ukraine, sau khi chính thức công nhận nền độc lập của "Cộng hòa nhân dân Donetsk" và "Cộng hòa nhân dân Lugansk" là các tỉnh của Ukraine 3 ngày trước đó. Đây được xem như cuộc khủng hoảng lớn nhất ở châu Âu từ sau chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.

Mức độ ảnh hưởng của cuộc xung đột còn phụ thuộc vào thời gian và những diễn biến chính trên chiến trường. Bloomberg Economic đã đưa ra 3 kịch bản, theo đó ngoài kịch bản giao tranh kết thúc nhanh chóng, các kịch bản xấu hơn sẽ đẩy kinh tế toàn cầu, đặc biệt là khu vực EU, Mỹ thêm khó khăn.

Theo đó, lạm phát tại Mỹ có thể đẩy lên 9% vào tháng 3 và giữ ở mức 6% giai đoạn cuối năm, trong khi việc Nga cắt dòng cung cấp khí đốt có thể khiến chỉ số lạm phát ở EU tăng lên mức 4% và kinh tế giảm 3 điểm phần trăm trong năm.

Cuộc xung đột Nga – Ukraine gây lạm phát và chậm đà phục hồi kinh tế thế giới
Cuộc xung đột Nga – Ukraine khiến giá hàng hóa tăng phi mã trên toàn cầu. Ảnh: TL

Trước khi Nga đưa quân tấn công vào Ukraine, các biện pháp trừng phạt đã được phương Tây đưa ra bao gồm: Các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với lĩnh vực tài chính của Nga; Các biện pháp trừng phạt khiến các công ty quốc doanh lớn của Nga ngừng kinh doanh; Kiểm soát xuất khẩu sang Nga các sản phẩm dân sự.

Ngay sau khi Nga đưa quân vào Ukraine, Mỹ, Anh, EU đã lần lượt ban hành các lệnh trừng phạt kinh tế bao phủ toàn bộ 3 nhóm biện pháp nêu trên được đánh giá là mạnh mẽ nhất từ trước đến nay.

Xuất khẩu của Nga sụt giảm do bị ách tắc ở khâu vận chuyển bởi các biện pháp cấm vận biên giới, việc một số ngân hàng của Nga bị loại khỏi hệ thống Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) cũng sẽ khiến hoạt động giao thương trở nên khó khăn hơn. Hiện Nga là nước đứng thứ 2 sau Mỹ về số người sử dụng hệ thống này với khoảng 300 ngân hàng và tổ chức của nước này sử dụng SWIFT, hơn một nửa tài chính tín dụng tham gia.

Việc duy trì nguồn cung hàng hóa cũng sẽ bị ảnh hưởng khi đường ống dẫn dầu, dẫn khí đốt có thể bị hư hỏng do xung đột. Trong khi các doanh nghiệp đối tác, bao gồm cả hoạt động đầu tư gián tiếp sẽ tạm ngưng hợp tác với các doanh nghiệp Nga, để hạn chế nguy cơ chịu các biện pháp trừng phạt mới từ phía phương Tây.

Lạm phát trầm trọng và phục hồi kinh tế chậm hơn

Xung đột khiến nhiều hàng hóa quan trọng như dầu mỏ, khí đốt, lương thực chứng kiến mức giá cả tăng phi mã trên phạm vi toàn cầu, trong bối cảnh tỷ trọng xuất khẩu của Nga đang ở mức cao. Nga hiện là một trong số các nước sản xuất, xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt lớn nhất thế giới, nước này cung cấp tới 40% khí đốt và 20% dầu thô cho châu Âu.

Ngay khi xung đột xảy ra, mặc dù phía Mỹ cam kết sẽ hạn chế các biện pháp trừng phạt vào lĩnh vực năng lượng, trong khi Nga cũng cam kết sẽ tiếp tục cung cấp dầu mỏ và khí đốt cho thế giới, nhưng số liệu của EIA, trong ngày 24/2, giá dầu vẫn tăng mạnh, dầu WTI có thời điểm vượt 100 USD/thùng khi đạt mức 100,54 USD/thùng, trong khi dầu Brent ở mức 105,79 USD/thùng, trước khi kết phiên ở mức 91,37 USD/thùng và 96,72 USD/thùng. Cuối tháng 2, giá 2 loại dầu trên vẫn đang ở mức cao với 91,21 và 97,13 USD/thùng.

Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ dự báo, nếu xung đột không sớm kết thúc, giá dầu sẽ vượt mức 120 USD/thùng trong thời gian tới. Nếu giá dầu tăng lên mức 150 USD/thùng, lạm phát toàn cầu có thể tăng gấp đôi lên mức 7%.

Giá khí đốt cũng chứng kiến mức tăng phi mã, nhất là khi Đức dừng cấp phép cho dự án Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu, theo đó giá khí đốt giao tháng 3 đã tăng 62% (mức tăng cao nhất từ năm 2005), trong khi giá điện hợp đồng tương lai ở Đức cũng tăng kỷ lục 58%.

Bên cạnh giá nhiên liệu, giá các mặt hàng thiết yếu khác như như lúa mỳ, ngô cũng được dự báo tăng 20-30% khi xuất khẩu của Nga hiện chiếm 29% lúa mỳ, 19% ngô và 80% dầu hướng dương của thế giới, lạm phát tại các nước phát triển theo đó có thể tăng từ 0,2-0,4 điểm phần trăm trong các tháng tới.

Giá các sản phẩm xây dựng, bao bì, ô tô, pin xe điện cũng được dự báo sẽ tăng khi Nga đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu niken, nhôm, giá các mặt hàng này đã tăng mạnh trong thời gian qua khi xung đột xảy ra.

Lạm phát cao sẽ làm giảm đà phục hồi kinh tế toàn cầu vốn đang “chông chênh” sau cú sốc đại dịch, đặc biệt khi chứng kiến chỉ số này mức cao kỷ lục tại Anh, Mỹ trong vài thập niên gần đây. Oxford Economics dự kiến kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức tăng trưởng 3,8% trong năm nay, giảm so với mức 4% dự báo trước khi xảy ra xung đột./.