Thủ đô La Habana (Cuba) mở cửa lại bãi biển và bể bơi,

Thủ đô La Habana (Cuba) mở cửa lại bãi biển và bể bơi, du khách tới nghỉ tại bãi biển ở Varadero, Cuba ngày 3/9/2021.

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 5/10 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 236.054.492 ca, trong đó có 4.820.614 người tử vong.

Trong mấy ngày qua, số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục xu thế chững lại trên phạm vi toàn cầu, những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu đều chứng kiến số ca tử vong và mắc mới đều có xu thế giảm.

Chỉ còn vài nước tình hình vẫn đáng ngại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta. Trong số này, Mỹ, Ấn Độ, Iran, Nga và Brazil số ca mắc mới vẫn cao. Mỹ lại quay lại vị trí quốc gia có số ca mắc mới trong ngày cao nhất thế giới với trên 45.000 ca, trong khi số ca tử vong cũng dẫn đầu với trên 300 trường hợp, tức là giảm mạnh so với thời gian trước.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 221 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 213 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 18 triệu ca và trên 96.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 4/10, thế giới có 122 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 720.994 ca tử vong trong tổng số 44.609.503 ca. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 4409.300 ca tử vong trong số trên 33.851.00 ca. Brazil đứng thứ 3 với 598.152 ca tử vong trong số 21.478.546 ca.

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 76,32 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với 59,44 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận 53,53 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là 37,87 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Phi (8,41 triệu ca nhiễm) và châu Đại Dương (238.851 ca nhiễm). Tình hình dịch bệnh tại châu Á đã có những dấu hiệu cải thiện, đặc biệt tại các nước như Nhật Bản và Indonesia. Nhiều nước cũng đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế khi tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh được cải thiện với mục tiêu sống chung an toàn với COVID-19.

Tại Hàn Quốc, ngày 4/10, giới chức cảng Incheon thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với tàu du lịch quốc tế từ tháng 3/2022, hơn hai năm sau khi lệnh trên được áp đặt đối với tàu du lịch. Chính phủ Hàn Quốc áp đặt lệnh cấm nhập cảnh đối với các tàu hạng sang vào tháng 2/2020 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 sau khi phát hiện 130 ca bệnh trên một tàu du lịch được cách ly ngoài khơi bờ biển Nhật Bản gần thành phố Yokohama.

Tại Ấn Độ, Bộ trưởng Y tế Mansukh Mandaviya ngày 4/10 cho biết trong số những người trưởng thành của nước này, 70% đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19 và 25% đã tiêm đầy đủ hai mũi.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Mandaviya tự hào viết: “Quốc gia hùng mạnh, tiêm chủng nhanh chóng: Ấn Độ đã tiêm 1 liều vaccine COVID-19 cho 70% người trưởng thành. Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Narendra Modi, Ấn Độ đang đạt được những dấu mốc mới trong cuộc chiến chống đại dịch. Ấn Độ cố lên, chúng ta hãy chiến đấu với virus corona”.

Trong ngày 4/10, Ấn Độ đã tiêm 7,2 triệu liều vaccine phòng COVID-19, nâng tổng số vaccine đã tiêm ở nước này lên hơn 910 triệu liều. Theo số liệu thống kê của chính phủ, trong tháng 5 vừa qua, Ấn Độ đã tiêm trung bình gần 2 triệu liều/ngày. Con số này đã tăng mạnh lên 7,9 triệu liều trong tháng 9 vừa qua.

Bộ Y tế Ấn Độ khẳng định, chương trình tiêm chủng là một công cụ để bảo vệ các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất trong nước trước dịch bệnh COVID-19. Chương trình này sẽ tiếp tục được đánh giá và theo dõi thường xuyên ở cấp cao nhất.

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 3 giờ sáng 5/10 (theo giờ Hà Nội), Ấn Độ ghi nhận 33.851.005 ca mắc COVID-19, trong đó có 449.283 trường hợp tử vong và 33.142.966 bệnh nhân đã bình phục.

Tại châu Âu, Nga đang là điểm nóng của dịch COVID-19. Ngày 4/10, nước này ghi nhận 25.781 ca mắc mới - cao nhất kể từ ngày 2/1/2021. Hiện giới chức Nga đã hối thúc người dân nước này đi tiêm chủng, khẳng định đây là biện pháp duy nhất để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Một số địa phương có kế hoạch ban hành quy định yêu cầu người tới các khu vực công cộng cần trình chứng nhận đã tiêm chủng, hoặc kết quả xét nghiệm âm tính và bằng chứng đã miễn dịch COVID-19.

Tại Đức, nhiều bang bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế, trong đó có quy định đeo khẩu trang tại trường học để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục liên bang Anja Karliczek khuyến cáo nếu dỡ bỏ hoàn toàn các quy định về bắt buộc đeo khẩu trang, các trường cần đảm bảo tiếp tục thực hiện các xét nghiệm COVID-19 và thậm chí là tăng tần suất xét nghiệm nhằm đề phòng nguy cơ bùng phát dịch bệnh tại môi trường có nhiều rủi ro này.

Theo báo cáo của Bộ Y tế Ai Cập, nước này đã ghi nhận 768 ca mắc mới và 37 trường hợp tử vong do COVID-19 trong ngày 3/10. Tính đến này, Ai Cập ghi nhận tổng cộng 306.798 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 17.436 người tử vong.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 4/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 27.697 ca mắc COVID-19 so với 1 ngày trước; Trong khi tổng số ca tử vong tới nay tăng lên trên 265.200 người.

Số ca mắc mới của toàn khối ở tiếp tục xu thế giảm của mấy ngày gần đây. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Brunei và Việt Nam.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong bắt đầu giảm mạnh. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” ghi nhận chưa tới 1.000 ca bệnh mới và chỉ có 88 ca tử vong.

Nhân viên y tế đưa bệnh nhân COVID-19
Nhân viên y tế đưa bệnh nhân COVID-19 tới bệnh viện dã chiến tại Manila, Philippines, ngày 1/9/2021.

Diễn biến dịch vẫn nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Ngày 4/10, Philippines chứng kiến số ca mắc mới và tử vong cao nhất Đông Nam Á. Malaysia tình hình dịch bệnh cũng đáng lo ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Song trong ngày 4/10, Malaysia không công bố số liệu dịch bệnh.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu về dịch. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Thái Lan là điểm nóng dịch mới khi số ca lây nhiễm cộng đồng tăng mạnh trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 4/10 ghi nhận thêm trên 9.900 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 97 người, đứng thứ hai toàn khối.

Campuchia có xu thể dịch đi ngang mấy ngày trước đây, với 219 bệnh nhân mới và 23 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 265.212 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 403 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên trên 12,2 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 11,4 triệu trường hợp.

Nhìn chung, toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 7/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới, trong khi 3 nước không công khai số liệu.

Ngày 4/10, Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) đã chính thức phê chuẩn tiêm mũi tăng cường (mũi thứ 3) vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho người từ 18 tuổi trở lên. Ngoài ra, cơ quan này cũng nhất trí rằng liều tăng cường vaccine của hãng Moderna và Pfizer/BioNTech là cần thiết đối với những người có hệ miễn dịch suy giảm.

Trong tuyên bố của mình, EMA nêu rõ có thể xem xét tiêm mũi thứ ba này cho người trên 18 tuổi và thời gian tiêm là tối thiểu 6 tháng sau khi tiêm mũi thứ hai. Với những người bị suy giảm miễn dịch, EMA khuyến cáo nên tiêm mũi thứ 3 của Moderna hoặc Pfizer/BioNTech ít nhất 28 ngày sau mũi thứ hai. Tuy nhiên, cơ quan trên cũng khẳng định quyết định cuối cùng liên quan đến mũi tiêm tăng cường phải do cơ quan có thẩm quyền của mỗi quốc gia đưa ra.

Vaccine ngừa COVID-19 ít hiệu quả hơn đối với những người có hệ miễn dịch yếu. Đây là kết quả của 3 công trình nghiên cứu quy mô nhỏ công bố ngày 4/10 ở Italy, cho thấy sự cần thiết phải tiêm các liều tăng cường cho nhóm có nguy cơ cao mắc COVID-19.

Các nghiên cứu thực hiện tại bệnh viện Bambino Gesu ở Rome cho thấy trung bình 30% số bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch không phát triển khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 sau khi tiêm chủng. Số còn lại đều đáp ứng với vaccine, đặc biệt là sau khi tiêm mũi thứ hai, nhưng mức độ đáp ứng thấp hơn so với người khỏe mạnh.

Tham gia các nghiên cứu trên có 21 bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch nguyên phát, 34 trẻ em và người lớn trẻ tuổi đang được cấy ghép tim và phổi, cùng 45 người trẻ được ghép gan và thận. Kết quả các nghiên cứu cho thấy sự cần thiết phải tăng mức độ bảo vệ đối với những người dễ bị tổn thương nhất trước COVID-19 với liều vaccine tăng cường.

Các nghiên cứu của bệnh viện Bambino Gesu được công bố trong bối cảnh Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) dự kiến cùng ngày sẽ đưa ra quyết định về việc có nên phê duyệt tiêm vaccine mũi thứ ba hay không.

Hiện một số nước như Mỹ, Anh và Israel đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19. Ở Italy, mũi vaccine bổ sung đã được triển khai tiêm cho người có sức đề kháng kém, người cao tuổi và các nhân viên y tế, tổng số lên tới khoảng 9 triệu người.

Theo TTXVN