Cân nhắc các ưu tiên khi sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế |
Sáng 25/9, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã trình bày tờ trình về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT.
Bỏ thủ tục chuyển tuyến với một số bệnh hiểm nghèo
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia BHYT, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh BHYT, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật; được bố cục gồm 2 điều về nội dung sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và hiệu lực thi hành của Luật.
Theo tinh thần cải cách thủ tục hành chính, dự thảo đã quy định phân cấp 3 nội dung, cải cách 8 thủ tục, trong đó có việc bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.
Trường hợp người mắc bệnh mãn tính chuyển về cấp thấp hơn được sử dụng thuốc như cấp cao hơn và điều chỉnh tỷ lệ hưởng BHYT trong một số trường hợp để phát huy vai trò của y tế cơ sở.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan |
Dự thảo điều chỉnh giảm 1% tỷ lệ chi phí quản lý quỹ BHYT để tăng chi trực tiếp cho khám bệnh, chữa bệnh từ đầu năm (kinh phí khám bệnh, chữa bệnh tăng từ 90% lên 91%, chi phí quản lý tối đa giảm từ 5% còn là 4%), tiết kiệm thủ tục, thời gian phân bổ, điều chỉnh kinh phí. |
Để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, dự thảo bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc, để bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, không để người bệnh phải tự mua, tự chi trả.
Theo đó, các cơ sở có thể điều chuyển thuốc từ nơi sẵn có được mua sắm đúng quy định và thanh toán trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) theo giá thanh toán BHYT. Việc điều chuyển thuốc thực hiện trong trường hợp đã mua sắm đầy đủ theo quy định của pháp luật đấu thầu mà vẫn thiếu thuốc được quy định thay cho hình thức thanh toán trực tiếp đối với thuốc, vật tư y tế do người bệnh tự mua, đã được đánh giá tác động bổ sung.
Thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh các điều khoản bám sát 4 chính sách đã được thông qua tại đề nghị xây dựng Luật, dự thảo bổ sung đối tượng tham gia BHYT đồng bộ với các quy định của pháp luật có liên quan như Luật BHXH, Luật Dân quân tự vệ...
Cơ bản nhất trí với nội dung, tuy nhiên cơ quan thẩm tra đề nghị đánh giá tác động kỹ lưỡng, toàn diện việc mở rộng các nhóm đối tượng được NSNN đóng, NSNN hỗ trợ đóng, nhóm do người sử dụng lao động và người sử dụng lao động đóng, trong đó có đối tượng “hoạt động không chuyên trách ở cấp xã”, “làm việc trong tổ chức cơ yếu và thân nhân của họ”,“thân nhân của dân quân thường trực”.
Thận trọng với việc mở rộng quyền lợi, mức hưởng bảo hiểm y tế
Ngoài ra, tại Điều 21, Điều 22, dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi hưởng, mức hưởng BHYT đối với một số đối tượng.
Trong bối cảnh dự án Luật được trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị ban soạn thảo khi chưa đánh giá tác động kỹ lưỡng đến NSNN và quỹ BHYT, cần cần thận trọng đối với việc mở rộng quyền lợi và mức hưởng BHYT.
Đồng thời, hạn chế điều chỉnh mức hưởng, phạm vi được hưởng với một số nhóm đối tượng và cần đảm bảo bình đẳng về quyền lợi giữa các đối tượng tham gia BHYT có tính chất tương đồng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh |
Đối với nội dung về thanh, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT và quy định của Luật BHYT về giám định BHYT, Ủy ban Xã hội cũng cơ bản nhất trí.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh, một số ý kiến cho rằng vấn đề bức xúc nhất hiện này trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT là việc đánh giá tính hợp lý của cung cấp dịch vụ y tế khi giám định BHYT.
Việc ‟treo” quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT là do khó đạt được thống nhất giữa cơ quan thực hiện giám định và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về tính hợp lý của việc cung ứng dịch vụ. Có ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa lại khái niệm “giám định BHYT” tại Luật hiện hành.
Về phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu mở rộng quyền lợi cho người tham gia BHYT phù hợp với khả năng cân đối Quỹ BHYT, mở rộng phạm vi BHYT đối với các hoạt động khám, chẩn đoán, đánh giá nguy cơ, tình trạng sức khỏe, điều trị sớm một số bệnh… |
Do đây là vấn đề bức xúc và còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Xã hội đề nghị UBTVQH xem xét, cho ý kiến chỉ đạo.
Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ BHYT là một cơ chế tài chính y tế, đồng thời là chính sách an sinh xã hội, theo mục tiêu công bằng, hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thách thức lớn hiện nay là đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHYT, giảm chi tiêu cá nhân của người sử dụng dịch vụ y tế, nâng cao hiệu quả hoạt động y tế cơ sở, nâng cao độ phủ của BHYT trong toàn dân,
Góp ý kiến tại phiên họp, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự thảo Luật đã quy định rõ hơn về hành vi chậm đóng, trốn đóng BHYT. Đây là điều rất cần thiết nhằm nâng cao tính răn đe đối với các hành vi vi phạm trong việc thực hiện nghĩa vụ đóng BHYT. Tuy nhiên, cần rà soát để đảm bảo tương thích với quy định của Luật BHXH vừa được Quốc hội thông qua.
Do dự án Luật sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình rút gọn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị chỉ nên sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hiện hành để giải quyết một số vấn đề vướng mắc, bất cập có tính cấp thiết./.