Nhân dịp này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Công Tứ - Tổng giám đốc VINARE.
PV: Được A.M.Best Châu Á – Thái Bình Dương công bố xếp hạng “Năng lực tài chính” mức B++ (Tốt) và “Năng lực tín dụng của tổ chức phát hành” mức “bbb” (Triển vọng ổn định). Ông có cảm nhận và kỳ vọng gì qua kết quả xếp hạng này?
Ông Phạm Công Tứ: Kết quả xếp hạng của A.M.Best thể hiện VINARE là nhà tái bảo hiểm có năng lực tài chính vững chắc, kết quả kinh doanh ổn định, thanh khoản tốt và có vị thế mạnh trên thị trường tái bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam.
Kết quả xếp hạng kỳ vọng sẽ mang lại cho VINARE các lợi ích to lớn trong việc hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược phát triển: Nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường khai thác và trao đổi dịch vụ tái bảo hiểm với thị trường bảo hiểm, tái bảo hiểm trong khu vực và trên toàn thế giới một cách có hiệu quả, tăng cường doanh số, khả năng tiếp cận hiệu quả thị trường vốn, tăng cường khả năng đáp ứng các yêu cầu pháp luật, các chuẩn mực quốc tế về bảo hiểm và khả năng thanh toán theo chuẩn mực quốc tế, nâng cao tính minh bạch và tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư, tiếp nhận các ý kiến khách quan từ bên ngoài, đặc biệt là từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đối với hoạt động của VINARE.
|
Trong lĩnh vực trao đổi dịch vụ tái bảo hiểm, kết quả xếp hạng này tạo điều kiện cho VINARE củng cố thị trường cung cấp dịch vụ trong nước, mở rộng quan hệ với các đối tác trên thị trường quốc tế và trong khu vực. Đối với các nhà tái bảo hiểm, các công ty bảo hiểm và kể cả khách hàng tham gia bảo hiểm, khi thiết lập quan hệ trao đổi dịch vụ với đối tác, xếp hạng doanh nghiệp là yếu tố xem xét đầu tiên. Việc đạt thứ hạng tốt là điều kiên tiên quyết quyết định mức độ hợp tác trao đổi dịch vụ, điều kiện thương thảo dịch vụ.
Xếp hạng tín nhiệm tốt sẽ có cơ hội cho VINARE khai thác các lợi thế của thị trường vốn mang lại, tìm kiếm được nhà đầu tư tiềm năng khi cần thiết.
Đối với nhà đầu tư trước khi quyết định đầu tư, họ hầu hết đều phải thông qua một tổ chức nào đó để xác định độ tin cậy của đối tượng đầu tư. Thông qua một tổ chức trung gian có các thông tin về doanh nghiệp sẽ giúp cho các nhà đầu tư mạnh dạn trong quyết định đầu tư. Thông qua kết quả xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ hiểu rõ hơn về sức mạnh tài chính của các công ty, dễ dàng đánh giá các tổ chức tài chính có quan hệ kinh doanh hoặc quan tâm tới việc đầu tư vào cổ phiếu của các công ty được xếp hạng… hoặc những phản hồi của nhà đầu tư, của tổ chức xếp hạng quốc tế đối với doanh nghiệp cũng là một giá trị quan trọng đối với việc phát triển của doanh nghiệp được xếp hạng cũng như đối với VINARE.
Chúng tôi đón nhận kết quả xếp hạng tín nhiệm quốc tế trong sự vui mừng, bởi lẽ sau một thời gian dài nỗ lực, cố gắng đã hoàn thành được một trong những mục tiêu , một mốc son quan trọng trong quá trình hoạt động của VINARE. Tuy nhiên, những khó khăn thách thức vẫn còn tiếp tục bởi chúng tôi nhận thức rằng : việc duy trì một thứ hạng xếp hạng tín nhiệm tốt và sức ép nâng hạng vừa là thách thức, vừa là động lực phát triển đối với VINARE.
PV: Có thể thấy rằng, kết quả xếp hạng tín nhiệm này của A.M.Best là một niềm tự hào của VINARE nói riêng và lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nói chung. Ông có thể chia sẻ một số khó khăn, kinh nghiệm trong quá trình xếp hạng tín nhiệm tại VINARE ?
Ông Phạm Công Tứ: Trên thế giới, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp (gọi tắt là rating) là hoạt động phổ biến nhưng ở Việt Nam, điều này vẫn khá mới mẻ. Đơn giản mà nói, được xếp hạng tín nhiệm quốc tế tốt có thể coi là "tấm hộ chiếu", hay “giấy thông hành” đối với doanh nghiệp trong quá trình hội nhập và quốc tế hóa thương hiệu.
Một thực tế là, trong quá trình hội nhập quốc tế, xuất phát điểm năng lực cạnh tranh quốc tế của các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung còn yếu. Xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi tốc độ và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, mức độ cạnh tranh của thị trường …và VINARE cũng không phải là trường hợp ngoại lệ.
Phấn đấu được xếp hạng tín nhiệm quốc tế ở mức độ tốt là một trong những mốc quan trọng trong quá trình hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của VINARE.
Mục tiêu chiến lược của VINARE đã được hoạch định là: phấn đấu trở thành nhà tái bảo hiểm chuyên nghiệp đứng đầu thị trường bảo hiểm Việt Nam và khu vực, với các cam kết tối ưu hóa lợi tức cổ đông, cung cấp giá trị gia tăng và các giải pháp phát triển bền vững cho thị trường và đối tác, thực hiện trách nhiệm cộng đồng.
Để đạt được mục tiêu chiến lược đã hoạch định, VINARE phải tiến hành hàng loạt các giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, tiến tới các chuẩn mực quốc tế và mở rộng phạm vi hoạt động trên thị trường khu vực và thế giới.
Các giải pháp mang tính chiến lược đã được thực hiện như: hoàn thiện chiến lược kinh doanh và quản trị chiến lược, tái cấu trúc bộ máy, hoàn thiện chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, tăng cường năng lực vốn, quản trị vốn và khả năng sinh lời bền vững của đồng vốn, tìm kiếm cổ đông chiến lược, xây dựng hệ thống IT hiện đại, tăng cường năng lực cung cấp sản phẩm, quản trị rủi ro hoạt động, củng cố và mở rộng thị trường hoạt động... nhằm phát triển VINARE một cách bền vững và hiệu quả.
Chúng tôi cho rằng năng lực hoạt động, chất lượng, hiệu quả và sự phát triển bền vững của tổ chức, là yếu tố quan trọng hàng đầu có ý nghĩa quyết định đối với mức xếp hạng tín nhiệm. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thị trường cạnh tranh gay gắt, năng lực cạnh tranh với xuất phát điểm thấp so với quốc tế, muốn đạt mức xếp hạng tín nhiệm tốt thì cần phải có thời gian chuẩn bị tích cực và hết sức kỹ lưỡng.
PV: Năm 2013 được đánh giá là một năm rất khó khăn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm nói chung và VINARE nói riêng. Xin Ông có thể cho biết giải pháp ứng phó cơ bản của VINARE và kết quả hoạt động kinh doanh của VINARE trong năm 2013?
Ông Phạm Công Tứ: Thực tế cho thấy, trong năm 2013, với các khó khăn của nền kinh tế Việt Nam, của thị trường bảo hiểm thế giới có quan hệ đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu về bảo hiểm tại Việt Nam không được tăng trưởng như kỳ vọng, đặc biệt là các dịch vụ có tái bảo hiểm bị giảm sút, tăng trưởng thấp, thậm chí tăng trưởng âm ở một số lĩnh vực. Bên cạnh đó, thị trường bảo hiểm Việt Nam nói chung vẫn còn những hạn chế, quan ngại nhất định về năng lực cạnh tranh, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, các nỗi quan ngại về rủi ro thảm họa của thị trường bảo hiểm tại Việt Nam cũng như trên thế giới, sự thiếu hụt các giải pháp phát triển bền vững, kết quả kinh doanh nghiệp vụ thấp…
Để đối phó và thích ứng, VINARE chủ trương tăng cường việc kiểm soát rủi ro, thắt chặt điều kiện, điều khoản, không chạy theo doanh số, mục tiêu hiệu quả phải được đặt lên hàng đầu, góp phần cùng với thị trường từng bước nâng cao chất lượng hoạt động, lành mạnh hóa thị trường cạnh tranh được VINARE kiên quyết theo đuổi thực hiện và coi đây là giải pháp bắt buộc nếu muốn tới một sự phát triển bền vững và hiệu quả.
Sự giảm sút của thị trường dịch vụ liên quan đến tái bảo hiểm, với chủ trương kiểm soát rủi ro, đặt hiệu quả kinh doanh và an toàn lên hàng đầu, VINARE kiên quyết từ chối nhận tái bảo hiểm các dịch vụ không đảm bảo về chất lượng, không tuân thủ các kỹ luật về khai thác và đánh giá rủi ro.
Vì vậy, kế hoạch doanh thu phí nhận tái bảo hiểm của VINARE năm 2013 giảm khoảng 13% so với năm trước. Trong năm 2013, VINARE cũng tiến hành thay đổi phương án thu xếp tái bảo hiểm theo hướng tối ưu hóa hiệu quả để đảm bảo mục tiêu hiệu quả kinh doanh.
Như thông tin VINARE đã công bố, lợi nhuận nghiệp vụ năm 2012 VINARE chỉ đạt 38 tỷ VND. Trong năm 2013, lợi nhuận nghiệp vụ dự kiến đạt 97 tỷ VND và tổng lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 360 tỷ VND và tăng trưởng 20% so với năm 2012. Điều này chứng tỏ rằng chúng tôi đã lựa chọn được giải pháp đúng trong bối cảnh khó khăn và điều quan trọng hơn là tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của VINARE, đóng góp tích cực vào việc tăng cường kỷ luật khai thác, lành mạnh hóa thị trường cạnh tranh của ngành bảo hiểm.
PV: Năm 2014, theo Ông cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp bảo hiểm nói chung và VINARE nói riêng là gì, thưa ông?
Ông Phạm Công Tứ: Mặc dù nền kinh tế xã hội vẫn còn nhiều khó khăn thử thách, tuy nhiên về cuối năm 2013 đã xuất hiện những điểm sáng trong quá trình phục hồi và phát triển. Nhu cầu về bảo hiểm, tái bảo hiểm tiếp tục tăng theo đà phát triển kinh tế và nhận thức xã hội về bảo hiểm. Bên cạnh đó, ngành bảo hiểm được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Bộ tài chính trong việc hoạch định các chính sách phát triển, kiểm soát và chỉ đạo hướng tới xây dựng một thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, bền vững.
Thực tế cho thấy, nếu so sánh với khu vực và thế giới, ngành bảo hiểm Việt Nam vẫn còn dư địa lớn để phát triển xuất phát từ khả năng cung cấp sản phẩm bảo hiểm, khai thác dịch vụ chưa được đáp ứng hết so với nhu cầu bảo hiểm, từ sự gia tăng nhu cầu mới như bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, năng lượng hạt nhân, nông nghiệp, bảo hiểm thiên tai,…
Đầu tư vào Việt Nam nói chung và ngành Bảo hiểm Việt Nam nói riêng vẫn giành được sự quan tâm, thu hút đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Quá trình Việt Nam hội nhập toàn cầu cũng là cơ hội để các doanh nghiệp gia tăng qui mô, phạm vi hoạt động và tầm ảnh hưởng trên phạm vi quốc tế. Đó là những cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm và VINARE cũng không phải ngoại lệ.
Bên cạnh các cơ hội phát triển, một thực tế thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp bảo hiểm, tái bảo hiểm Việt Nam. Đó là năng lực cạnh tranh tại mỗi doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cần phải được tiếp tục cải thiện với các mức độ khác nhau, đặc biệt ở các doanh nghiệp nhỏ, mới được thành lập: Năng lực hoạch định chiến lược và quản trị chiến lược, năng lực tài chính, quản trị vốn và chi phí, năng lực cung cấp sản phẩm, các hệ thống công cụ đánh giá kiểm soát rủi ro, đề phòng hạn chế tổn thất, năng lực IT, đội ngũ nguồn nhân lực. Đó là những thách thức từ bên ngoài như tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, phi kỹ thuật, biến động khó lường của các hậu quả thiên tai, vấn đề nợ xấu và môi trường đầu tư vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro...
Là một công ty chuyên doanh tái bảo hiểm, khách hàng trực tiếp của VINARE là các công ty bảo hiểm gốc và nhận dịch vụ từ họ (trực tiếp hoặc gián tiếp qua môi giới), thành công và hiệu quả hoạt động của các công ty gốc trong kinh doanh dịch vụ bảo hiểm ảnh hưởng quan trọng tới hiệu quả hoạt động của VINARE. Đối với việc thu hút dịch vụ có chất lượng từ nước ngoài cũng là vấn đề nan giải đó là năng lực cạnh tranh phải đủ mạnh, đó là vấn đề quốc tế hóa thương hiệu,…
PV: Xin trân trọng cám ơn ông!
Mai An