Đã đến lúc xóa bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Theo Khoản 10 Điều 3 Luật Giá 2012, bình ổn giá là việc Nhà nước áp dụng biện pháp thích hợp về điều hòa cung cầu, tài chính, tiền tệ và biện pháp kinh tế, hành chính cần thiết khác để tác động vào sự hình thành và vận động của giá, không để giá hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý. Việc bình ổn giá được thực hiện khi giá hàng hóa, dịch vụ có biến động bất thường, ảnh hưởng đến ổn định kinh tế - xã hội.

Theo quy định tại Nghị định 83 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu, mỗi lít xăng dầu trước khi bán ra thị trường được trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu (BOG) 300 đồng. Vai trò "van xả" của Quỹ BOG được cho rằng rất cần thiết, nhất là ở thời điểm giá xăng dầu liên tục tăng cao như nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, Bộ Tài chính khi lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), cũng đưa ra đề xuất bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá, bao gồm cả Quỹ BOG đã nhận được sự quan tâm bình luận và đồng thuận của giới chuyên gia kinh tế.

Theo Bộ Tài chính, dự thảo sửa đổi Luật Giá theo nguyên tắc kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường. Trong thời gian qua đã có nhiều ý kiến khác nhau về việc trích lập và sử dụng Quỹ BOG. Để phù hợp và tiến tới nguyên tắc thị trường, phải đảm bảo giá của xăng dầu phù hợp với nguyên tắc thị trường. Cùng với đó, cơ quan chức năng sử dụng các công cụ khác như thuế để ổn định giá xăng dầu.

Nguồn: Bộ Tài chính  Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Dự thảo Luật Giá sửa đổi nêu rõ, sau khi bỏ Quỹ BOG, nếu giá xăng dầu tăng quá cao hoặc giảm quá thấp ảnh hưởng đến kinh tế xã hội hoặc trong các trường hợp khẩn cấp, cơ quan chức năng sẽ triển khai bình ổn giá theo các bước: kiểm tra yếu tố hình thành giá; kiểm soát hàng hóa tồn kho; kiểm tra số lượng, khối lượng hàng hóa hiện có để xác định nguyên nhân làm cơ sở cho việc lựa chọn biện pháp bình ổn giá phù hợp, quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp bình ổn giá theo quy định.

Nêu quan điểm về Quỹ BOG, TS. Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, mục tiêu của quỹ nhằm giảm biến động giá xăng dầu thế giới vào giá bán trong nước. Tuy nhiên, tính toán của chuyên gia, giai đoạn từ năm 2020 đến nay, việc có quỹ không còn phù hợp với thực tế khi giá xăng dầu liên tục tăng cao. Về cơ bản, Quỹ BOG không giúp người tiêu dùng giảm chi phí. Quỹ hoạt động theo cách thức “tiền của người dân ứng trước vào quỹ và trả lại vào kỳ điều hành sau”.

TS. Phạm Thế Anh phân tích, dẫn chứng, từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2022, có 56 lần điều chỉnh giá, xăng E5 RON 92 có 43 lần được xả quỹ và chỉ có 13 lần phải trích nộp quỹ; xăng RON 95 có 33 lần được xả quỹ trong khi chỉ phải trích nộp 20 lần... Việc sử dụng Quỹ BOG cũng không khác so với không có quỹ và bỏ Quỹ BOG là cần thiết để giá xăng dầu sát với thị trường…

Nhiều ý kiến đồng thuận đề xuất của Bộ Tài chính

Việc lập Quỹ BOG bản chất là sự can thiệp bằng "bàn tay hữu hình" của Nhà nước vào một loại mặt hàng có tính nhạy bén rất cao với thị trường. Quỹ này bản chất là của người tiêu dùng góp vào và được sử dụng vào thời gian sau (nói cách khác là người dân ứng trước tiền). Sự can thiệp mang tính hành chính dù với mục đích gì cũng đều khiến giá xăng dầu trong nước và thế giới không đồng nhất, làm méo mó tính chất thị trường của hàng hóa.

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, xăng dầu cần sớm tiến tới vận hành theo cơ chế thị trường. Cơ quan quản lý, nếu có thể can thiệp điều tiết, bù giá thì chỉ nên dựa vào ngân sách thông qua việc giảm thu các khoản phí, thuế từ xăng dầu.

“Bản chất Quỹ BOG là người dân nộp tiền trước để bình ổn cho chính mình. Khi giá xăng dầu tăng cao, phần quỹ đã được tạm ứng cho vào giá, đẩy rủi ro về phía doanh nghiệp (DN). Khi giá xăng cao, nhiều DN đầu mối xăng dầu âm quỹ cả trăm tỷ đồng. Vì vậy, đề xuất bỏ Quỹ BOG phù hợp với thực tế hiện nay.”- ông Đậu Anh Tuấn nêu quan điểm.

Tiến tới vận hành theo cơ chế thị trường

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, xăng dầu cần sớm tiến tới vận hành theo cơ chế thị trường. Cơ quan quản lý, nếu có thể can thiệp điều tiết, bù giá thì chỉ nên dựa vào ngân sách thông qua việc giảm thu các khoản phí, thuế từ xăng dầu.

Đồng quan điểm, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho rằng, thực tế Quỹ BOG đến nay có thể xóa bỏ khi giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường. DN cũng không được lợi gì từ Quỹ BOG, nếu DN nào sử dụng âm thì sẽ nợ đọng ngân hàng. Đây là điều mà các DN đầu mối không hề mong muốn.

Đề xuất của Bộ Tài chính cũng được người dân và DN vận tải đồng thuận đón nhận. Anh Nguyễn Cao Hoàng - nhân viên vận chuyển dầu nhớt cho một công ty tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ: "Nhiều khi giá xăng dầu thế giới tăng thì giá trong nước tăng rất nhanh, nhưng giá thế giới giảm thì giá trong nước vẫn không giảm hoặc chỉ giảm nhẹ. Vì vậy, tôi đồng thuận với việc bỏ Quỹ BOG, để giá xăng dầu vận hành theo giá thị trường lên cùng lên, xuống cùng xuống".

Đại diện cho DN vận tải, ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty cổ phần vận tải, thương mại và dịch vụ Đất Cảng cũng cho rằng, việc theo dõi hoạt động bù trừ của Quỹ BOG là rất khó, vì vậy nên bỏ Quỹ BOG cũng là hướng tốt vận hành theo cơ chế thị trường. “Như vậy DN vận tải cũng dễ tính được chi phí và giá cước với khách hàng. Tôi cho rằng DN và người tiêu dùng cũng sẽ ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính.”- Thanh Hải nói.