Theo số liệu từ TP. Hà Nội, tính đến ngày 30/6/2025, giải ngân vốn đầu tư công của thành phố đạt 29,7 nghìn tỷ đồng (34,1% dự toán), tăng 52,5% so với cùng kỳ, cao hơn cả nước (32,5%), khối lượng đứng đầu cả nước.
Tuy nhiên, so với yêu cầu vẫn còn chậm do vướng mắc giải phóng mặt bằng (70% dự án chậm tiến độ) do các nguyên nhân: có tranh chấp nguồn gốc đất (trong 60% trường hợp), giá bồi thường chưa đồng thuận (70% hộ dân chưa đồng thuận), và chênh lệch chính sách theo Luật Đất đai 2024 (các hộ được phê duyệt sau ngày 1/8/2024 được lợi hơn 20 - 30%).
![]() |
Khu vực tại xã Đông La (nay là xã An Khánh) chưa được giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô. Ảnh: Thanh Hiếu |
UBND TP. Hà Nội đã giao 5.704,43m2 đất tại xã Đông La (nay là xã An Khánh) để xây dựng khu tái định cư, gỡ nút thắt cho GPMB dự án đường Vành đai 4. |
Trong bối cảnh kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, trong 6 tháng cuối năm, TP. Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục tháo gỡ đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Theo đó, thành phố sẽ đẩy nhanh 282 dự án đầu tư công, với 85 dự án giao thông (22,9 nghìn tỷ đồng), giải quyết giải phóng mặt bằng cho 90% dự án trong năm 2025.
Đặc biệt, TP. Hà Nội chú trọng tập trung thúc đẩy các dự án giao thông trọng điểm, như: Vành đai 4, tuyến đường sắt đô thị Metro số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo), Metro số 5 (Văn Cao - Hòa Lạc) và khởi công các cây cầu qua sông, gồm: Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi, Vân Phúc dịp 2/9 và cầu Thượng Cát dịp 10/10. Đồng thời, tăng cường giải ngân đường Vành đai 4 lên 50% kế hoạch vào quý IV/2025.
Bên cạnh đó, thành phố sẽ bổ sung các tuyến đường sắt đô thị vào danh mục quy hoạch không gian ngầm. Tới đây, Hà Nội sẽ rà soát, điều chỉnh cục bộ các quy hoạch phân khu, quy hoạch không gian ngầm khu vực nội đô để đảm bảo tổng thể với đề án phát triển đường sắt đô thị.
Dự án đường Vành đai 4, hay còn gọi là đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, là một dự án giao thông quan trọng của Việt Nam, kết nối Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh, và dự kiến sẽ hoàn thành cuối năm 2025. |