IMF đang dự trữ 90,5 triệu ounce vàng (khoảng 2.814,1 tấn). Ảnh minh họa |
Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh các nước có thu nhập thấp đang phải đối mặt với nhiều thách thức chồng chất, từ đại dịch COVID-19 đến các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng.
Để đối phó, nhiều quốc gia, từ vùng Caribe cho đến châu Phi, đã phải vay vốn từ IMF, khiến gánh nặng nợ ngày càng lớn.
Theo báo cáo do nhà nghiên cứu tại Trung tâm phát triển toàn cầu của Đại học Boston soạn thảo, mặc dù IMF có một cơ chế gọi là Quỹ Cứu trợ phòng ngừa thảm họa (CCRT) để hỗ trợ các quốc gia nghèo trong những tình huống khẩn cấp, quỹ này chỉ áp dụng cho 30 quốc gia và hiện tại chỉ còn vỏn vẹn 103 triệu USD trong ngân quỹ.
CCRT cung cấp hỗ trợ tài chính cho các quốc gia trong vòng 2 năm để giúp họ trả nợ cho IMF. Tuy nhiên, nhiều quốc gia nghèo lại không thể tiếp cận được CCRT vì cơ chế này chưa tính đến các yếu tố dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu trong khi nguồn tài trợ lại quá hạn chế.
Do đó, một giải pháp được các chuyên gia đưa ra là IMF có thể bán một phần trong số 90,5 triệu ounce vàng dự trữ của mình, tận dụng giá vàng cao hiện nay để tạo nguồn tài chính bổ sung cho các quốc gia đang cần hỗ trợ.
Theo nghiên cứu, việc IMF bán 4% số vàng này sẽ mang lại khoảng 9,52 tỷ USD, đủ để giải quyết gánh nặng nợ cho 86 quốc gia.
Báo cáo cho rằng với giá vàng hiện tại khoảng 2.600 USD/ounce, việc bán một phần nhỏ lượng vàng của IMF có thể tạo ra nguồn thu lớn, đồng thời bổ sung vào quỹ CCRT, giúp quỹ này tiếp tục hoạt động hiệu quả.
Cũng theo báo cáo, các khoản vay từ IMF đang ngày càng chiếm một phần lớn trong tổng chi phí trả nợ hằng năm của các quốc gia dễ bị tổn thương, điều này có thể gây sức ép tài chính cho những nền kinh tế này.
Đơn cử như Madagascar dự kiến sẽ phải trả 106 triệu USD cho IMF trong năm tới, chiếm 25% tổng chi phí trả nợ của quốc gia này, và con số này dự báo sẽ tăng lên 158 triệu USD vào năm 2026.
Việc bán vàng của IMF không phải là điều thường xuyên xảy ra. Lần gần đây nhất IMF bán vàng là vào năm 2009-2010, khi thể chế tài chính này bán đi 1,25% trong số vàng dự trữ của mình để nâng cao khả năng cho vay trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Khi IMF được thành lập vào năm 1944, các quốc gia thành viên đã đóng góp vốn vào thể chế này bằng vàng và IMF đã tích lũy lượng vàng với giá trị ban đầu chỉ 45 USD/ounce.
Tuy nhiên, việc bán vàng sẽ cần sự đồng thuận từ đa số thành viên trong ban điều hành của thể chế tài chính này và các quốc gia thành viên có cổ phần cần cam kết chuyển số tiền thu được vào CCRT.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh: “Việc bổ sung tài chính cho CCRT là một ưu tiên quan trọng, bởi khác với các chương trình cho vay khác của IMF, CCRT không đi kèm với điều kiện ràng buộc”. /.