Sau đây là ghi nhận của phóng viên Báo Tài chính - Đầu tư về nhận định của một số chuyên gia đánh giá tác động của thông tin đàm phán thuế quan tới thị trường chứng khoán trong nước.

Ông Trương Hiền Phương – Giám đốc cấp cao, Công ty CP Chứng khoán KIS Việt Nam:

Cởi bỏ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư

Dù chưa chính thức nhưng mức thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đăng tải trên mạng xã hội là "mừng nhiều hơn lo", bởi mức này cũng nằm trong một số dự đoán của giới chuyên gia tài chính, mức thuế quan không quá cao và không gây lo lắng nhiều. Con số cụ thể cần chờ đợi đến lúc hai nước công bố chính thức, tuy nhiên mức thuế sẽ khác nhau giữa các ngành nghề, mặt hàng.

Các mặt hàng do Việt Nam sản xuất sẽ có mức thuế thấp hơn, còn các mặt hàng có "gắn nhãn trung chuyển" có thể phải chịu mức thuế cao hơn.

Thông tin thuế quan tích cực tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán?
Ông Trương Hiền Phương

Đối với thị trường chứng khoán, tôi dự báo rằng, thị trường sẽ khởi sắc hơn do thông tin thuế quan cũng nhẹ hơn so với những gì chúng ta đang quan ngại. Hoặc nếu so sánh với mức thuế đối ứng của một số nước trong khu vực, Việt Nam sẽ được hưởng lợi nhiều hơn.

Về mặt tâm lý. mức thuế quan lo lắng con số 46% trước đây đã được cởi bỏ; do đó, nhà đầu tư sẽ tập trung nhiều hơn vào các thông tin tích cực khác như: tăng trưởng kinh tế, nâng hạng, kết quả kinh doanh quý II được công bố...

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam:

Căng thẳng thuế quan đã hạ nhiệt là tín hiệu tích cực

Mặc dù kết quả chính thức vẫn chưa được công bố, nhưng căng thẳng thuế quan đã phần nào hạ nhiệt hoặc cải thiện tích cực và tiếp tục chờ đợi kết quả cụ thể. Mức độ ảnh hưởng lên thị trường chứng khoán sẽ thấp hơn.

Ghi nhận trên thực tế, diễn biến của các cổ phiếu tại Hoa Kỳ và Việt Nam cũng đang cho thấy tín hiệu lạc quan từ vòng đàm phán lần này.

Thông tin thuế quan tích cực tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán?
Ông Nguyễn Thế Minh

Đồng thời, tương tự như các sự kiện khác thì mức độ tác động của thuế quan cũng sẽ giảm dần vì vẫn còn chờ thời gian và sự thích nghi khi có mức áp thuế cụ thể, cho nên các nhà đầu tư không nên có hành động bán, thậm chí các nhịp điều chỉnh (nếu có) có thể được xem là cơ hội mua vào.

Nếu trên quan điểm thận trọng, các nhà đầu tư vẫn nên quan sát và tìm hiểu kỹ hơn các nhóm cổ phiếu chịu tác động trực tiếp từ thuế quan lần này. Việc đảm bảo danh mục hợp lý là điều rất quan trọng trong bối cảnh các thông tin bất ngờ có thể tác động lên tâm lý chung của thị trường.

Ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc SSI Research:

Nhà đầu tư quay trở lại tập trung vào yếu tố tăng trưởng nội địa

Thông tin về kết quả đàm phán thuế Việt Nam - Hoa Kỳ là một tin tương đối tích cực với Việt Nam. Trong số đối tác thương mại lớn của Mỹ, Việt Nam là quốc gia thứ 3 kết thúc đám phán khung, thể hiện Việt Nam là đối tác lớn trong lĩnh vực thương mại, đây là một trong những tín hiệu tốt. Quan trọng hơn, nếu đi kèm với quy tắc xuất xứ thuận lợi, thỏa thuận này sẽ trở thành động lực bền vững, không chỉ mang tính tạm thời.

Thông tin thuế quan tích cực tác động như thế nào đến thị trường chứng khoán?
Ông Phạm Lưu Hưng

Phản ứng đầu tiên của thị trường là tích cực, tránh được việc giảm bất định thông tin, giúp nhà đầu tư quay trở lại tập trung vào yếu tố tăng trưởng nội địa.

Không chỉ có cổ phiếu ngành xuất khẩu mà lợi ích sẽ lan tỏa chung cho toàn bộ vốn đầu tư nước ngoài khi rủi ro về thuế giảm. Đặc biệt, nếu Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, doanh nghiệp Việt sẽ tránh được các rào cản phòng vệ thương mại, giúp thủy sản, dệt may… hưởng lợi mạnh trong dài hạn.

Thỏa thuận thuế quan Mỹ – Việt Nam không chỉ mang lại sự “hạ nhiệt” nhất thời cho rủi ro chính sách, mà còn mở ra một chu kỳ định giá lại các cổ phiếu dẫn dắt gắn với tăng trưởng nội địa và hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc lựa chọn nhóm ngành có sức bật nội tại và nền tảng tài chính bền vững sẽ là chìa khóa để nhà đầu tư nắm bắt cơ hội trung và dài hạn một cách hiệu quả./.