Công nghiệp, thương mại là động lực tăng trưởng chủ lực
Trong 6 tháng đầu năm 2025, GRDP ngành công nghiệp và xây dựng tại Bình Định tăng 11,61% (riêng công nghiệp tăng 12,18%), trong khi tại Gia Lai mới đạt mức tăng 10,48% (công nghiệp tăng 11,02%). Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ghi nhận mức tăng 9,03% tại Bình Định và 9,68% tại Gia Lai, với ngành chế biến, chế tạo đóng vai trò dẫn dắt (tăng lần lượt 8,83% và 7,98%).
Bình Định ghi nhận 49 dự án công nghiệp mới đi vào hoạt động, với tổng vốn đầu tư hơn 3.341 tỷ đồng, trong đó 4 dự án trọng điểm chiếm 2.135 tỷ đồng. Tại Gia Lai, Khu công nghiệp Trà Đa thu hút 62 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 3.767,5 tỷ đồng, thực hiện 2.953,8 tỷ đồng, cho thấy sức hút lớn của các khu công nghiệp.
Sự hợp nhất Bình Định và Gia Lai thành tỉnh Gia Lai mới từ ngày 1/7/2025 mở ra cơ hội phát triển kinh tế vượt bậc. Với GRDP 6 tháng đầu năm 2025 đạt mức tăng trưởng ấn tượng (Bình Định 7,92%, Gia Lai mới 7,49%), tỉnh đang tận dụng tốt tiềm năng công nghiệp, du lịch và thương mại. |
Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp đang đối mặt với khó khăn từ thay đổi chính sách thuế quan và biến động địa chính trị, kinh tế toàn cầu, đặc biệt từ giữa quý II/2025. Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Gia Lai mới nhấn mạnh: “Tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, đòi hỏi tỉnh phải chủ động phối hợp giữa các sở, ngành của hai khu vực Bình Định và Gia Lai để rà soát, điều chỉnh chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội phù hợp".
Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật tại một số cụm công nghiệp như Nam Pleiku hay Bùi Thị Xuân còn chậm tiến độ, thiếu đồng bộ, khiến việc thu hút đầu tư gặp trở ngại. Trong khi đó, 5 dự án điện gió và Khu công nghiệp Nam Pleiku vẫn chưa được tháo gỡ vướng mắc, làm giảm hiệu quả đầu tư.
Để khắc phục, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, ưu tiên hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu công nghiệp trọng điểm mới, như: Khu công nghiệp Hoài Mỹ, Khu công nghiệp Phù Mỹ; tiếp tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật trong các khu công nghiệp hiện hữu, nhất là Khu công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Becamex - VSIP Bình Định; khởi công và hoàn thành các cụm công nghiệp lớn để tạo dư địa mời gọi các nhà đầu tư trong, ngoài nước.
Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến công nghệ, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Các dự án hạ tầng trọng điểm như tuyến đường cao tốc Quy Nhơn – Pleiku hay đường cất hạ cánh số 2 tại Cảng hàng không Phù Cát cần được khởi công đúng kế hoạch để tạo động lực tăng trưởng.
Các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch của 2 tỉnh cũng diễn ra sôi động, trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ xã hội 6 tháng đầu năm 2025 đạt 99.647 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ, trong đó Bình Định đóng góp 63.360 tỷ đồng. Lượng khách du lịch đạt 7,4 triệu lượt, với Bình Định chiếm 6,5 triệu lượt nhờ các sự kiện như Lễ hội Ẩm thực Bình Định lần thứ II, VnExpress Marathon 2025, và sản phẩm du lịch mới như chuyến tàu “Về miền Đất Võ”.
Tại Gia Lai, các sản phẩm du lịch văn hóa như nghề đan lát, dệt thổ cẩm và ẩm thực truyền thống đang phát triển, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng của du khách, đặc biệt là thiếu các khu vui chơi, giải trí và trung tâm thương mại cao cấp, chưa đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách.
Về thương mại, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Gia Lai mới đạt 1.686 triệu USD, tăng 21,3% so với cùng kỳ, trong đó cà phê Gia Lai đóng góp 758 triệu USD nhờ giá xuất khẩu đạt 5.500 USD/tấn (tăng 70% so với năm 2024). Xuất khẩu cũng đối mặt rủi ro do phụ thuộc nhiều vào thị trường Hoa Kỳ, đặc biệt khi thuế quan tăng từ 10% lên 46% từ quý II/2025.
![]() |
Ảnh minh họa. |
Ông Nguyễn Tuấn Thanh cho rằng, cần tiếp tục triển khai các biện pháp thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; đưa tỉnh Gia Lai trở thành trung tâm văn hóa, du lịch, vận tải biển, ứng dụng khoa học kỹ thuật - công nghệ và đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hoạt động xuất khẩu; phát triển thị trường trong nước, để tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho người dân.
Cùng với đó, tỉnh Gia Lai cần đầu tư vào các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch tâm linh tại Vịnh Thị Nại, du lịch cộng đồng ở Nhơn Hải, và mở rộng các tour tuyến kết nối di tích văn hóa, lịch sử.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra chất lượng dịch vụ du lịch và đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả để bảo vệ thương hiệu sản phẩm chủ lực.
Quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp chiến lược
Tại Hội nghị Sơ kết tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2025, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Quốc Dũng nhận định, Gia Lai mới đang đối mặt nhiều thách thức lớn. Cơ sở hạ tầng giao thông liên kết vùng, thủy lợi, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin chưa đồng bộ. Sự khác biệt về trình độ phát triển, cơ chế quản lý và thói quen hành chính giữa hai địa phương trước đây có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành.
Quy mô kinh tế còn nhỏ, thiếu doanh nghiệp đầu tàu và dự án động lực. Hệ thống quy hoạch chưa đồng bộ, thiếu tính liên thông; tầm nhìn và giải pháp chiến lược để khai thác tiềm năng, lợi thế sau hợp nhất chưa rõ ràng.
Để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 7,2 - 7,7% trong 6 tháng cuối năm 2025, trong đó, khu vực Bình Định phấn đấu tăng từ 8,4 - 8,7% và khu vực Gia Lai là tăng từ 5,7 - 6,5%. Tỉnh Gia Lai mới cần khắc phục các hạn chế và triển khai các giải pháp chiến lược.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh nhấn mạnh 4 định hướng trọng tâm tỉnh cần đẩy mạnh trong thời gian tới.
Thứ nhất, hoàn thiện quy hoạch và hạ tầng, đẩy nhanh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, ưu tiên đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư.
Thứ hai, đa dạng hóa sản phẩm và thị trường, phát triển các sản phẩm OCOP, du lịch đặc thù và mở rộng thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào thị trường truyền thống.
Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý, tăng cường đào tạo cán bộ cấp xã, cải cách hành chính và đẩy mạnh chuyển đổi số để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Thứ tư, giám sát và xử lý vi phạm, đẩy mạnh kiểm tra, xử lý lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép và ô nhiễm môi trường để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh.
![]() |
Sự kiện hợp nhất hai tỉnh Bình Định và Gia Lai thành tỉnh Gia Lai mới tạo nên một không gian kinh tế rộng lớn hơn. Ảnh: Lạc Nguyên |
Sự hợp nhất Bình Định và Gia Lai mang lại cơ hội lớn để tỉnh Gia Lai mới khẳng định vị thế kinh tế trong khu vực. Với các giải pháp này nhằm khai thác tiềm năng, vượt qua thách thức và thúc đẩy sự phát triển bền vững của Gia Lai mới trong thời gian tới./.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, thách thức lớn cần được giải quyết đồng bộ và quyết liệt, bằng cách tập trung vào hoàn thiện hạ tầng, nâng cao chất lượng du lịch và thương mại, cùng với cải cách quản lý, tỉnh Gia Lai mới hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng GRDP trong năm 2025, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững trong tương lai. |