Đề xuất tăng lương hưu thêm 8% từ ngày 1/7
Chi trả lương hưu tại nhà tại Hà Nội. Ảnh: BHXHVN

Chênh lệch lương hưu bình quân khu vực công và tư

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì lương hưu được tính bình quân trên tiền lương tháng đóng BHXH của số năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Cụ thể, người lao động tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Tham gia trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến ngày 31/12/2000, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Quốc hội, Chính phủ đã thực hiện 23 lần điều chỉnh lương hưu

BHXH Việt Nam cho biết, để bảo đảm đời sống cho người nghỉ hưu, từ năm 1995 đến hết năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã tiến hành 23 lần điều chỉnh lương hưu. Sau nhiều lần điều chỉnh, mức lương của người nghỉ hưu hiện nay đã tăng từ 21 đến 26 lần so với mức lương hưu tại thời điểm năm 1995.

Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến ngày 31/12/2006, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Tham gia trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến ngày 31/12/2015, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2019, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Tham gia từ ngày 1/1/2020 đến ngày 31/12/2024, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu. Tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi, thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Trong khi đó, lương hưu của lao động khu vực tư nhân được tính bình quân trên tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian làm việc. Điều này dẫn tới có sự chênh lệch giữa mức lương hưu bình quân giữa hai khu vực.

Theo BHXH Việt Nam, từ ngày 1/7/2024 trở đi, người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định sẽ được hưởng mức tiền lương mới do cải cách tiền lương, cao hơn mức lương theo hệ số. Do đó, những người có thời gian đóng BHXH theo mức tiền lương sau cải cách càng dài, thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu cũng tăng tương ứng và có thể cao bất thường so với người nghỉ hưu trước ngày 1/7/2024.

Như vậy, sẽ dẫn đến vấn đề chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu trước và sau thời điểm thực hiện chính sách tiền lương mới, cũng như có sự so sánh mức lương hưu giữa người nghỉ hưu thuộc 2 khu vực nhà nước và ngoài nhà nước.

Mức tăng thêm 8% là phù hợp với yếu tố trượt giá

Đề xuất tăng lương hưu thêm 8% từ ngày 1/7
Ảnh minh họa.

Góp ý cho phương án điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng của năm 2024 đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, BHXH Việt Nam đề xuất mức tăng thêm 8% từ ngày 1/7/2024. Đồng thời, BHXH đề xuất sửa đổi quy định về cách tính mức bình quân tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp BHXH một lần.

Cụ thể, BHXH đề xuất, từ ngày 1/7/2024, mức bình quân tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp BHXH (theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật BHXH năm 2014), được áp dụng đối với người lao động, có thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định trước ngày 1/7/2024. Thời gian đóng BHXH từ ngày 1/7/2024 trở đi được tính bình quân toàn bộ thời gian đóng BHXH.

Với cách tính mức bình quân tiền lương đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần theo như đề xuất của cơ quan BHXH thì bình quân 5 năm, mức lương hưu của người lao động tăng khoảng 1,5% (chưa tính đến yếu tố trượt giá). Đồng thời, lương hưu của người nghỉ sau ngày 1/7/2024 chỉ tăng 0,13% so với người nghỉ hưu tháng 6/2024. Thực tế, mức điều chỉnh lương hưu tại năm 2004, 2005 chỉ khoảng 10% (thời điểm thay đổi thang bảng lương toàn diện của người lao động trong khu vực Nhà nước).

Xét yếu tố trượt giá vào điều chỉnh lương hưu và tăng trưởng kinh tế năm 2023 (theo quy định tại Điều 57 Luật BHXH năm 2014) thì BHXH Việt Nam cho rằng, đề xuất mức điều chỉnh lương hưu từ ngày 1/7/2024 tăng khoảng 8% là phù hợp (căn cứ mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 là 3,25% và tăng trưởng kinh tế năm 2023 là 5,05%).

Theo BHXH Việt Nam, điều này sẽ giúp giảm bớt sự chênh lệch giữa người hưởng lương hưu trước cải cách tiền lương và người hưởng lương hưu từ ngày 1/7/2024 trở đi. Bởi vì đây là mức điều chỉnh lương hưu chung cho mọi người hưởng lương hưu, bao gồm cả người lao động trước khi nghỉ hưu đóng BHXH theo mức tiền lương do Nhà nước quy định và người đóng BHXH theo mức tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

Tính toán cho thấy, với mức điều chỉnh tăng thêm 8%, dự kiến 6 tháng cuối năm 2024, kinh phí thực hiện điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước sẽ tăng khoảng 1.900 tỷ đồng. Trường hợp điều chỉnh bổ sung đối với người nghỉ hưu trước năm 1995 có mức hưởng sau khi điều chỉnh theo mức 8% dưới 3.500.000 đồng/tháng thì kinh phí sẽ tăng thêm khoảng 50 tỷ đồng nữa. Quỹ Bảo BHXH tăng khoảng 6.900 tỷ đồng (chưa bao gồm mức trích đóng bảo hiểm y tế./.