Đề nghị được quyết dự án sân golf không phải đất lúa, đất rừng
Cụ thể, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kiến nghị Chính phủ phân cấp cho địa phương chủ động giải quyết nhiều vấn đề liên quan đến đất đai. Cụ thể là cho phép địa phương triển khai dự án sân golf tại nơi không có đất lúa và đất rừng, để đẩy nhanh tiến độ dự án, phục vụ phát triển kinh tế xã hội; cho phép địa phương phê duyệt dự án vốn ngoài ngân sách có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng; đồng thời cho phép các địa phương được phê duyệt các dự án đầu tư công, với mức trên 1.500 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng cũng đề nghị Chính phủ giao cho các thành phố lớn được chủ động chuyển đổi trên 10 ha đất lúa sang thực hiện dự án phát triển công nghiệp mà không phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Đây cũng là đề nghị của tỉnh Hậu Giang, bởi theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lê Tiến Châu, diện tích 10 ha đối với đồng bằng sông Cửu Long là quá nhỏ và ông kiến nghị theo hướng Quốc hội giao địa phương chủ động trong thực hiện chuyển đổi, đảm bảo diện tích tối thiểu bắt buộc.
Đồng thời, Chủ tịch Hải Phòng còn đề nghị không khống chế diện tích đất lúa với các tỉnh, thành phố có điều kiện phát triển công nghiệp, để tập trung diện tích đất cho phát triển lĩnh vực công nghiệp.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, hiện thành phố và nhiều địa phương đang vướng mắc về thanh toán quỹ đất cho các nhà đầu tư thực hiện dự án BT. Theo Nghị quyết 160 của Chính phủ, các địa phương được thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư BT với các dự án giao đất trước 1/1/2018. Tuy nhiên, Hải Phòng và một số địa phương khác đang triển khai các dự án sau 1/1/2018 và không có cơ sở để thanh toán cho nhà đầu tư BT. Trong khi đó, theo hợp đồng BT, nếu chậm thanh toán cho nhà đầu tư thì thành phố phải trả một phần lãi vay. Do đó, Hải Phòng đề nghị sớm được tháo gỡ vướng mắc này.
Một vấn đề liên quan đến đất đai nữa được lãnh đạo Hải Phòng đề cập là về chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB). Theo Luật Đất đai 2013, khi giao đất phải thực hiện đấu giá, khi đấu giá phải có đất sạch. Để có đất sạch, địa phương phải thực hiện dự án đầu tư công mới có lý do để thanh toán tiền GPMB.
Tuy nhiên, theo Luật Đầu tư công, không có loại hình dự án riêng cho GPMB. Do đó TP. Hải Phòng và nhiều địa phương rất lúng túng. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Tùng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ có hướng dẫn về việc bố trí vốn, thanh quyết toán cho GPMB, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện đấu giá, giao đất.
Khắc phục khoảng trống pháp luật trong đấu thầu, đấu giá đất
Từ điểm cầu Cần Thơ, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Lê Quang Mạnh cũng nêu một số kiến nghị về vướng mắc pháp luật trong quy trình lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án sử dụng đất.
Theo ông Lê Quang Mạnh, khi triển khai quy trình đầu tư một số dự án liên quan đến phát triển khu đô thị mới, nhà ở thương mại, dịch vụ du lịch, TP. Cần Thơ cũng như một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn do có những quy định, mâu thuẫn ở các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu… Cuối tháng 9/2018, địa phương đã gửi văn bản kiến nghị tới các bộ, ngành một số giải pháp về vấn đề này.
Chủ tịch TP. Cần Thơ cho biết, báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội số 52 ngày 4/3/2019 về hỗ trợ chính sách pháp luật trong quy hoạch quản lý sử dụng đất đai khu đô thị đã nêu rõ, Luật Đất đai quy định các trường hợp giao đất do quỹ đất thông qua đấu giá và không đấu giá quyền sử dụng đất. Luật Đấu thầu quy định các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất.
Tuy nhiên, giữa hai Luật Đất đai và Luật Đấu thầu còn một số các nội dung chưa được làm rõ. Đó là, chưa quy định, phân biệt rõ trường hợp nào phải đấu thầu dự án có sử dụng đất, trường hợp nào phải đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai; trường hợp đã thực hiện đấu thầu dự án có sử dụng đất thì sau đó có phải đấu giá đất không và ngược lại. Ngoài ra, thời điểm xác định nghĩa vụ tài chính đối với các trường hợp đấu thầu dự án có sử dụng đất cũng chưa rõ.
"Đây là 3 vướng mắc được coi là khoảng trống pháp luật giữa hai luật, do vậy thuộc thẩm quyền Chính phủ có thể giải quyết, hướng dẫn. Trước mắt trong thời gian chưa sửa tổng thể Luật Đất đai, Luật Đầu tư thì kiến nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định thay thế Nghị định 30 quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, để tháo gỡ những vướng mắc này" - ông Lê Quang Mạnh đề nghị.
Cùng với các địa phương, hai trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh cũng có các đề xuất với Chính phủ liên quan đến đất đai. Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ cho phép các dự án đầu tư công sau khi được HĐND thành phố phê duyệt chủ trương đầu tư được ứng tiền từ Quỹ đầu tư phát triển để GPMB nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án... Đồng thời, đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, sửa đổi các quy định có liên quan về đầu tư, đấu thầu, đất đai, nhà ở… nhằm giải quyết các nội dung còn vướng mắc hiện nay.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong kiến nghị Chính phủ sớm thông qua nghị quyết cho phép TP. Hồ Chí Minh thực hiện cơ chế, quy trình đặc thù để rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ tái định cư và bàn giao mặt bằng dự án có thu hồi đất trên địa bàn thành phố, theo Kết luận của Thủ tướng tại Thông báo số 189 ngày 16/5/2019.
Hoàng Yến