Sự quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ

Nhận thức được việc phân bổ chi tiết vốn đầu tư công sớm sẽ làm tiền đề cho công tác giải ngân, nên ngay trong tháng 1/2023, các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương đã ráo riết phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công được giao. Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, đến ngày 31/1, tổng số vốn đầu tư công thuộc nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 đã phân bổ là 638.613,081 tỷ đồng, đạt 90,32% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao (707.044,198 tỷ đồng).

Ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho biết, sau khi nhận được báo cáo phân bổ vốn của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đã rà soát và có ý kiến đối với các trường hợp phân bổ vốn không đúng quy định và đề nghị các bộ, địa phương rà soát, phân bổ vốn đảm bảo theo đúng quy định Luật Đầu tư công và Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã có công văn đôn đốc, phân bổ, nhập dự toán Tabmis và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công nguồn NSNN năm 2023 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Địa phương ráo riết đưa dòng vốn đầu tư công vào nền kinh tế

Dự án cầu Thủ Thiêm 2 (TP. Hồ Chí Minh) có tổng vốn đầu tư 1.082 tỷ đồng, chính thức khánh thành vào sáng 28/4/2022.

Rốt ráo và quyết liệt trong việc giải ngân vốn đầu tư, ngay từ những ngày đầu năm mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chuyến thị sát và chỉ đạo tiến độ các dự án lớn như đường cao tốc, sân bay. Đồng thời, người đứng đầu Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương ngoài việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương còn cần phải khắc phục sớm những khó khăn vướng mắc, quyết liệt tìm các giải pháp cụ thể, thiết thực hơn để đảm bảo tiến độ, cũng như tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm theo đúng tinh thần trong Chỉ thị số 03 của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết Quý Mão.

Với hơn 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2023, Thủ tướng nêu rõ cần đưa được dòng vốn này vào nền kinh tế ngay từ đầu năm, thúc đẩy dòng chảy vốn trong nền kinh tế.

Các địa phương quyết tâm, sát sao triển khai

Với sự quyết liệt của Chính phủ trong việc đưa nguồn vốn đầu tư công vào trong nền kinh tế, tại mỗi địa phương đã đưa công tác này thành nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023.

Quảng Ngãi nằm trong nhóm địa phương giải ngân vốn đầu tư công cao nhất cả nước trong năm 2022. Theo báo cáo tổng hợp từ Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Quảng Ngãi năm 2022 (ước tính đến ngày 31/1/2023) đạt trên 140% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, tương đương với trên 6.395 tỷ đồng đã được thanh toán.

Phát huy kết quả đạt được và phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 100% khi kết thúc năm, ngay từ tháng 10/2022, tỉnh Quảng Ngãi đã lập kế hoạch đầu tư công sớm để tổ chức thông qua kế hoạch này ngay từ thời điểm đó.

Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân ngay từ đầu năm, tỉnh Quảng Ngãi đã đưa nhiệm vụ giải ngân là nhiệm vụ quan trọng phải được thực hiện tốt trong năm 2023. Theo đó, UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023. Tại chỉ thị, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu xác định từng mốc thời gian cụ thể, làm động lực để các chủ đầu tư tổ chức thực hiện, đảm bảo vốn không tồn đọng, kéo dài.

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần có giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, sớm khắc phục các tồn tại, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ từ đầu năm; đặc biệt, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án và giải ngân vốn đầu tư công.

Không có thành tích tốt trong giải ngân vốn đầu tư công như Quảng Ngãi, năm 2022, TP. Hồ Chí Minh chỉ giải ngân được 71,3% kế hoạch vốn được giao. Theo đó, với nguồn vốn đầu tư công được giao là hơn 70.000 tỷ đồng trong năm 2023, TP. Hồ Chí Minh càng phải đặt quyết tâm cao ngay từ những tháng đầu năm này.

Với mục tiêu năm 2023 giải ngân đạt 95% tổng kế hoạch vốn được giao để kích thích sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội, TP. Hồ Chí Minh đề ra kế hoạch tiếp tục vận hành 3 tổ công tác (tổ công tác thúc đẩy giải ngân các dự án được giao vốn lớn; tổ công tác rà soát các khó khăn cho dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; tổ công tác giải quyết vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ, trái định cư) và thực hiện giao ban hàng tháng để kịp thời điều chuyển vốn, giải quyết vướng mắc, khó khăn trong giải ngân. Thành phố cũng thực hiện linh hoạt điều hành kế hoạch vốn và bổ sung vốn cho các dự án có tiến độ nhanh, hấp thụ vốn tốt…

Bắc Kạn cũng là địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 đạt thấp (63,5% kế hoạch vốn được giao). Vì thế, nguồn vốn còn lại được chuyển nguồn sang năm 2023 còn khá lớn. Ngoài ra, tổng kế hoạch vốn năm 2023 của tỉnh được giao trên 2.850 tỷ đồng. Hiện tỉnh Bắc Kạn đã phân bổ chi tiết được hơn 2.443 tỷ đồng.

Để giải ngân đảm bảo kế hoạch đề ra, UBND tỉnh Bắc Kạn đã yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện kiên quyết khắc phục khó khăn, vướng mắc, tận dụng những điều kiện thuận lợi, thực hiện mọi biện pháp để đạt được kết quả cao nhất khi kết thúc năm ngân sách. Các chủ đầu tư cần xác định rõ nhiệm vụ, tích cực triển khai ngay từ đầu năm, chuẩn bị sớm các thủ tục liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, tái định cư… để thực hiện giải ngân sớm nguồn vốn ngay từ đầu năm./.