Đây là cuộc Điều tra lần thứ ba theo Quyết định 02/QĐ-TTg ngày 5/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Điều tra, thu thập thông tin về thực trạng KT-XH của 53 DTTS. Hai cuộc điều tra trước đó được thực hiện vào năm 2015 và năm 2019.

Điều tra thông tin kinh tế xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại sự kiện
Đối tượng điều tra của Điều tra DTTS 2024 bao gồm: Hộ dân cư người DTTS; Nhân khẩu thực tế thường trú tại các hộ DTTS tính đến thời điểm điều tra (bao gồm cả những người thuộc lực lượng vũ trang hiện đang ăn, ngủ tại hộ), không bao gồm những người đang sống trong khu vực quản lý riêng của quân đội và công an; Tình hình kinh tế, an sinh xã hội, văn hóa, y tế, giáo dục của xã thuộc khu vực III, khu vực II và khu vực I theo Quyết định 861/QĐ-TTg và các xã không thuộc các khu vực trên nhưng có địa bàn vùng DTTS.

Điều tra DTTS 2024 được thực hiện tại 54 tỉnh, thành phố, bao gồm 51 tỉnh có xã thuộc vùng DTTS và miền núi theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và 3 tỉnh, thành phố có các xã/phường/thị trấn có nhiều người DTTS sinh sống gồm: TP Hồ Chí Minh, Long An và Hà Tĩnh.

Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh, điều tra này nhằm thu thập thông tin về dân số, nhà ở, điều kiện sống, tình hình bảo tồn văn hóa và điều kiện kinh tế xã hội của 53 DTTS để biên soạn các chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và hệ thống chỉ tiêu thống kê về công tác dân tộc phục vụ Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương xây dựng và hoạch định chính sách, chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội cho các vùng DTTS giai đoạn 2026 - 2030; đáp ứng yêu cầu biên soạn một số chỉ tiêu thuộc mục tiêu phát triển bền vững; đồng thời làm cơ sở cập nhật hệ thống thông tin, dữ liệu thống kê về DTTS tại Việt Nam.

Điều tra thông tin kinh tế xã hội của 53 dân tộc thiểu số năm 2024
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương phát biểu tại sự kiện

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết, qua điều tra sẽ đưa ra các số liệu, chứng cứ tin cậy để giúp các cơ quan trung ương cũng như các địa phương vùng DTTS có được những đánh giá chính xác về kết quả thực hiện các chính sách dân tộc đến năm 2024 và dự kiến đến năm 2025; đánh giá 5 năm triển khai Đề án tổng thể phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; chiến lược công tác dân tộc đến năm 2030; kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia cũng như kết quả thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2021-2025, chuẩn bị xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia, kế hoạch phát triển giai đoạn tiếp theo 2026-2030; làm cơ sở để các cấp uỷ, tổ chức đảng chuẩn bị báo cáo và các văn kiện phục vụ Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nêu rõ, giai đoạn thu thập thông tin tại địa bàn là cực kỳ quan trọng, việc thu thập được thông tin phản ánh đầy đủ, chính xác thực trạng dân số và nhà ở sẽ giúp cho Đảng, Nhà nước xây dựng được những kế hoạch, chiến lược đúng đắn, xây dựng nền tảng cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước và vùng DTTS.

"Đề nghị Ban Dân tộc của tỉnh động viên nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc tra, các điều tra viên có phương phương pháp điều tra phù hợp, tránh ồ ạt, hình thức, không máy móc và cũng không qua loa" - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nói.

Thời điểm điều tra từ 0 giờ ngày 1/7/2024, đến hết ngày 15/8/2024. Kết quả cuộc điều tra sẽ bàn giao cho Ủy ban Dân tộc vào tháng 4/2025 và được công bố vào khoảng thời gian tháng 5 - 7/2025.

Là đối tác hỗ trợ Chính phủ Việt Nam nâng cao năng lực thu thập, phân tích dữ liệu và xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ công tác lập kế hoạch và theo dõi đánh giá tiến độ thực hiện các kế hoạch chính sách dựa trên bằng chứng, ông Matt Jackson - Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNFPA Việt Nam) chia sẻ, dữ liệu toàn diện, tin cậy được phân tách theo giới tính, dân tộc, là điều kiện cần thiết là để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.

“Kết quả thu được từ cuộc Điều tra tình hình các DTTS năm 2024 sẽ giúp chúng ta biết được sự khác biệt giữa các nhóm DTTS, đặc biệt liên quan đến khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản, việc làm và mức sống. Đây là những dữ liệu quan trọng giúp theo dõi đánh giá tiến độ thực hiện các chính sách của Chính phủ đồng thời là cơ sở để ban hành các quyết định chính sách nhằm giảm bớt những thiệt thòi mà các nhóm DTTS đang phải đối mặt…” - ông Matt Jackson nhấn mạnh.