nghe

Các khoản chi của doanh nghiệp cho công tác đào tạo, chi tài trợ cho giáo dục được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Được miễn, giảm nhiều loại thuế

Theo Tổng cục Thuế, thời gian qua đã có nhiều chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp (DN) khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đơn cử, về chính sách ưu đãi tiền thuê đất, Nghị định 69/2008/NĐ-CP quy định cơ sở xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được miễn tiền thuê đất với mức tối đa là cho toàn bộ thời gian của dự án, mức tối thiểu bằng mức ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư. Cụ thể, các dự án được miễn tiền thuê đất trong thời gian xây dựng cơ bản theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt tối đa không quá 3 năm, sau khi miễn tiền thuê đất của thời gian xây dựng cơ bản thì miễn 3 năm đối với dự án tại địa bàn thuận lợi, miễn 11 năm đối với dự án tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, 15 năm đối với dự án tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Về chính sách thuế giá trị gia tăng, theo quy định tại Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT), dịch vụ dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Các khoản thu của DN và các tổ chức có chức năng dạy nghề từ thực hiện hoạt động dạy nghề theo quy định của pháp luật thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.

Về chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Luật thuế TNDN quy định thu nhập được miễn thuế đối với hoạt động dạy nghề bao gồm: Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội, người đang cai nghiện, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS.

Riêng phần thu nhập không chia của các cơ sở xã hội hóa trong lĩnh vực dạy nghề, khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động giáo dục. Đồng thời, Luật thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng quy định ưu đãi về thuế suất và thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với hoạt động dạy nghề. DN có dự án đầu tư cho hoạt động dạy nghề tại các địa bàn khó khăn sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế TNDN ở mức cao nhất theo quy định của pháp luật thuế TNDN hiện hành.

Ngoài ra, tại Điều 9 Luật thuế TNDN quy định khoản chi cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp được trừ khi xác định thu nhập DN. Đối với tất cả các DN thuộc mọi thành phần kinh tế phát sinh khoản chi hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho người lao động thì được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN nếu có đủ hóa đơn, chứng từ theo đúng quy định.

Bên cạnh đó, Thông tư số 96/2015/TT-BTC đã quy định cụ thể về các khoản chi của DN cho công tác đào tạo, chi tài trợ cho giáo dục được trừ khi tính thuế TNDN. Theo đó, tài sản cố định phục vụ cho người lao động làm việc tại DN được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế; chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, thiết bị dùng để hoạt động giáo dục nghề nghiệp, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học; chi phí đào tạo của DN cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại DN; khoản chi tài trợ cho hoạt động giáo dục nghề nghiệp nếu đúng đối tượng quy định và đầy đủ hồ sơ khi xác định thu nhập chịu thuế.

Sẽ tiếp tục sửa đổi chính sách hỗ trợ

Tổng cục Thuế cho biết, trong quá trình thực hiện các quy định nêu trên, Tổng cục Thuế nhận được phản ánh của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, hoạt động giáo dục nghề nghiệp và đào tạo nghề nghiệp cho người lao động tuyển dụng vào để làm việc cho DN là hai hoạt động khác nhau. Hoạt động giáo dục nghề nghiệp của DN là sự tham gia của DN vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp (ở tất cả các trình độ từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng). Còn đào tạo nghề nghiệp cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc cho DN, được hiểu là hoạt động đào tạo cho chính lao động của DN (chỉ đào tạo ở trình độ sơ cấp vào đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn). Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp kiến nghị toàn bộ các khoản chi của DN cho hoạt động đào tạo nghề nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế.

Tổng cục Thuế cho biết, sẽ ghi nhận ý kiến của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính khi trình Chính phủ sửa đổi Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thuế TNDN theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ.

Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho rằng, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục nghề nghiệp, các văn bản quy định pháp luật cần có cách tiếp cận để hỗ trợ doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tạo ra sự kết nối, không chỉ là hai “nhà” là: nhà trường (dạy nghề) và nhà doanh nghiệp, mà còn thêm 3 “nhà” là: nhà nước, nhà trường THPT, THCS và gia đình.

Theo ông Ngọc, kết nối được 5 nhà này mới tạo thành chuỗi để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, trong đó để thẩm định được chất lượng thì không ai khác chính là DN, là xã hội thì mới khách quan nhất. “Có tiếp cận mở, linh hoạt như vậy chúng ta mới phát triển”, ông Ngọc nói.

Theo Tổng cục Thuế, thời gian qua đã có nhiều chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Đơn cử, về chính sách ưu đãi tiền thuê đất, Nghị định 69/2008/NĐ-CP quy định cơ sở xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được miễn tiền thuê đất với mức tối đa là cho toàn bộ thời gian của dự án, mức tối thiểu bằng mức ưu đãi theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về đầu tư.

Bùi Tư